TP.HCM:
Thế giới “ngầm” của các tiệm cầm đồ tại Sài Gòn đang... "đứng hình"
(Dân trí) - Không cần theo quy định nào, nhiều tiệm cầm đồ trên địa bàn thành phố hoạt động theo “luật ngầm”, chỉ cần món đồ có giá trị là được cầm cố. Thế nhưng, sau chỉ đạo nóng của Bí thư Đinh La Thăng, nhiều tiệm cầm đồ trên địa bàn thành phố bỗng dưng vắng lặng, “đứng hình” một cách lạ thường.
Hoạt động “ngầm” của giới cầm đồ
Đường Phạm Văn Bạch (nằm giáp ranh hai quận Tân Bình và Gò Vấp) là nơi đóng đô của hàng chục tiệm cầm đồ. Nổi lên trong số đó là tiệm cầm đồ nằm ngay khu vực chợ Tân Sơn, nơi đây được giới “đá xế” rỉ tai nhau về độ dễ dãi của chủ tiệm, chỉ cần món đồ có tài sản là sẽ được cầm cố, không cần biết nguồn gốc tài sản từ đâu. Chính vì vậy mà nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều nhóm trộm cướp.
Nhiều tiệm cầm đồ trên địa bàn quận Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, quận 12…cũng hoạt động theo “luật ngầm”. T. “cụt”, chủ một tiệm cầm đồ trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) cho biết, thông thường các tiệm cầm đồ sẽ có “mối” đến cầm thường xuyên, “mối” này là dân cờ bạc hoặc một tay giang hồ “có số” đứng ra cầm cố “chiến lợi phẩm” cho đám đàn em mới “ăn hàng” được ở ngoài đường. “Tài sản được cầm cố nhiều nhất là điện thoại di động, xe máy, dây chuyền. Cầm cố tài sản nhưng không biết rõ nguồn gốc là bất lợi, dễ gặp rủi ro và có thể vi phạm pháp luật nhưng nhiều khi do anh em làm ăn với nhau từ lâu, có mối quan hệ qua lại nên không thể từ chối” – T “cụt” khẳng định.
Điều đáng lo ngại, việc các tiệm cầm đồ hoạt động bất chính còn là nơi “núp bóng” của nhiều băng nhóm giang hồ hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Điển hình, cuối tháng 1/2016, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM phối hợp với Công an quận Gò Vấp đột kích vào tiệm cầm đồ Quỳnh Hồng (nằm trên đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp) đã phát hiện và thu giữ 1 quả lựu đạn, 1 khẩu súng rulo tự chế, 5 viên đạn, 26 hung khí các loại (gồm mã tấu tự chế, gậy sắt, dao..) cùng nhiều sổ sách và giấy tờ liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.
Cơ quan CSĐT xác định, chủ tiệm cầm đồ này là Nguyễn Văn Hồng (37 tuổi, quê Hải Phòng), dù mang danh nghĩa là tiệm cầm đồ nhưng hoạt động chính của tên Hồng là cho vay nặng lãi. Để dằn mặt con nợ và phục vụ cho việc làm ăn bất chính của mình, Hồng đã tập hợp đám đàn em thân tín từ Hải Phòng vào gồm: Đào Văn Hạnh (28 tuổi), Trương Công Định (30 tuổi) và Trương Văn Hùng (34 tuổi).
Khai nhận với cơ quan công an, Nguyễn Văn Hồng thừa nhận đã mở tiệm cầm đồ và cho vay nặng lãi từ tháng 4/2013 đến nay. Mức lãi suất Hồng đặt ra từ 15-30%/tháng.
Nếu con nợ có ý định “xù” hoặc chậm trả thì Hồng sẽ ra lệnh cho đàn em dùng vũ lực để trấn áp. Về nguồn gốc số vũ khí nóng trong tiệm cầm đồ, Hồng cho biết mua lại khẩu súng của một người quen ở Campuchia vào tháng 4/2012 với giá 3 triệu đồng để phòng thân. Riêng quả lựu đạn và số hung khí, Hồng khai của 1 đối tượng tên Q. (chưa rõ lai lịch) gửi nhờ cất giữ.
Hiện băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” này đã bị bắt giữ để điều tra về hành vi “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và “Cho vay nặng lãi”.
Tiệm cầm đồ “đứng hình” sau chỉ đạo “nóng” của Bí thư Đinh La Thăng
Cho rằng tiệm cầm đồ là nơi sinh ra những tệ nạn xã hội, cũng như là nơi xuất phát của các băng nhóm đòi nợ thuê, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã đề nghị Giám đốc Công an TPHCM cho rà soát lại tất cả tiệm cầm đồ trên địa bàn TP. Ngay sau chỉ đạo “nóng” này, nhiều tiệm cầm đồ trên địa bàn thành phố bỗng dưng vắng lặng, “đứng hình” một cách lạ thường.
Theo khảo sát của PV Dân Trí vào sáng 10/5, hầu hết các tiệm cầm đồ đều đã siết chặt việc cầm cố tài sản của khách. Nếu trước đây, khách hàng có thể thoải mái cần một chiếc xe không cần giấy tờ, không cần chính chủ thì nay đã hoàn toàn khác. Dạo quanh một vòng nhiều tiệm cầm đồ để cầm cố một chiếc xe giấy tờ không chính chủ, phóng viên chỉ nhận được cái lắc đầu của các chủ tiệm.
Ông Nguyễn Văn T. (chủ tiệm cầm đồ T.T) trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) cho biết: “Giới kinh doanh cầm đồ bây giờ khá thận trọng khi cầm cố tài sản cho khách, đặc biệt là những tài sản có giá trị như xe máy, ô tô, nhà đất. Đối với tất cả những loại giấy tờ trên đều phải có chính chủ đến để cầm cố tài sản thì các tiệm cầm đồ mới chấp nhận. Không những vậy, các tiệm đều tiến hành lưu lại chứng minh thư và lăn tay để chắc chắn không bị làm giả. Việc này cũng để đảm bảo an toàn cho chủ tiệm mỗi khi các cơ quan chức năng kiểm tra hoặc đề nghị hợp tác điều tra do nghi tài sản liên quan đến các vụ trộm cắp tài sản”.
Anh Trần H. (ngụ quận Gò Vấp, người có nhiều năm kinh nghiệm đi cầm đồ) cho biết, hiện giờ công an làm căng mấy vụ cầm giấy tờ không rõ ràng nên các chủ tiệm cũng không dám làm bậy. Ngày trước tôi đi cầm xe không cần giấy tờ, cũng không cần chính chủ các tiệm cũng đồng ý ngay. Tuy nhiên, giá cầm khá thấp và thời hạn cầm cũng ngắn để ép người cầm nhưng giờ không chỗ nào dám làm vậy nữa. Lãi suất cầm xe máy, máy tính, điện thoại, ô tô hiện có lãi suất từ 3 – 8% tùy theo thời gian cầm và giá trị tài sản.
Đối với những mặt hàng như vàng, kim cương, đồng hồ có giá trị thì các tiệm còn có thể dễ chịu một chút vì khó có thể xác định nguồn gốc. Mặt hàng này cũng dễ thanh lý nên giá cầm cũng chỉ khoảng 3 – 5%/tháng. Tuy vậy, tình trạng một số tiệm cầm đồ vẫn diễn ra tình trạng “du di” cho những khách hàng thân quen hoặc người thân để chuộc lợi bất chính. Những tiệm cầm đồ trên chủ yếu thuộc các quận huyện vùng ven như Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn.
“Vì tôi là chỗ thân quen nên một số tiệm cầm đồ vẫn có phần dễ dãi khi tôi cầm đồ. Có thể vì trước giờ tôi cầm đồ khá nhiều và uy tín nên các tiệm cũng có phần ưu tiên. Do đó, khi có một chiếc xe không chính chủ, thậm chí không có giấy tờ thì một số tiệm vẫn sẵn sàng cầm cố cho tôi, tuy vậy, thời hạn chỉ khoảng 15 ngày đổ về. Để có thể cầm cố, tôi phải ký vào một bản cam kết đây không phải hàng gian, hàng trộm cắp để các chủ tiệm đảm bảo khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, con số này ít lắm, chỉ thân quen lắm các chủ tiệm mới có thể làm như thế” - Anh H. chia sẻ.
Trung tướng Lê Đông Phong – Giám đốc Công an TP.HCM nhìn nhận, việc các băng nhóm giang hồ ẩn náu trong các tiệm cầm đồ như một điển hình về loại băng nhóm tội phạm từ nơi khác đến đầu tư kinh doanh hoạt động cho vay, cùng với đó là nuôi dưỡng các đối tượng côn đồ đâm thuê chém mướn. Hiện Công an TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra hành chính, trong đó dịch vụ cầm đồ và các dịch vụ nhạy cảm khác là mục tiêu chính của đợt kiểm tra lần này.
Trung Kiên – Xuân Hinh