1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

TP.HCM:

Thảm cảnh của mẹ cha

“Nào giờ chúng tôi chưa tham gian ai cái gì. Gia đình tuy vất vả nhưng đầm ấm bởi năm người luôn quây quần bên nhau. Giờ tan nát hết. Nó là con trai duy nhất. Chúng tôi tuyệt tự rồi! Chúng tôi không ngờ nó làm chuyện động trời như vậy”

Bị cáo Hồ Hữu Cành tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: M.T.
Bị cáo Hồ Hữu Cành tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: M.T.

Ngày 3-12-2012, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Hồ Hữu Cành, 26 tuổi, về các tội danh giết người và cướp tài sản. Theo hồ sơ vụ án: Cành là nhân viên bảo vệ, từ Bình Dương về Vĩnh Long dự đám cưới thì hết tiền.

Cành vạch ra kế hoạch cướp tiền rợn người: tìm gái bán hoa, thuê khách sạn, rồi dùng dao lam rạch cổ cô gái. Mặc cho nạn nhân khóc lóc van xin, giãy giụa, kẻ thủ ác vẫn tiếp tục lấy gối đè lên mặt đến khi người xấu số tắt thở... Cành lục túi xách nạn nhân để kiếm tiền nhưng trong túi không có đồng nào, chỉ có chiếc điện thoại di động cũ, Cành lấy đem bán được 70.000 đồng.

Bản án tử hình

Ngày 30-8-2012, TAND TP Cần Thơ mở phiên sơ thẩm tuyên án tử hình Cành. Cành kháng cáo.

Trước tòa, bị cáo bào chữa rằng chỉ muốn lấy tiền nhưng do sợ nạn nhân la lên mọi người sẽ biết nên lỡ tay giết chết chứ trong thâm tâm không có ý định giết người.

Chủ tọa bác bỏ rằng bị cáo đã chuẩn bị hung khí và khi nạn nhân khóc lóc, van xin, bị cáo vẫn quyết liệt thực hiện ý muốn của mình cho bằng được. Nhiều người dự khán to nhỏ: “Chắc hắn bị tâm thần chứ ai mà ác, mà hèn như vậy. Người ta cùng đường mới làm cái việc bán thân xác để sống. Vậy mà cũng không tha...”.

Chủ tọa công bố bút lục: “Trong quá trình điều tra xét thấy bị cáo có biểu hiện bất thường về tâm thần nên cơ quan chức năng trưng cầu giám định tâm thần. Kết luận về y học trước, trong, sau khi phạm tội và hiện nay đương sự có rối loạn nhân cách. Về pháp luật: đương sự đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình”.

Bà T., mẹ bị cáo, hai tay ôm ngực, rúm ró trước những tia nhìn của người dự phiên tòa. Nhiều lúc bà ngồi không nổi phải dựa vào người thân.

Khi kiểm sát viên đề nghị tòa bác kháng cáo, tuyên y mức án tử hình của sơ thẩm, mặt bị cáo chảy xuống, đỏ tái cơ hồ như những mạch máu đang dãn dần ra...

Tòa nghị án. Bị cáo quay xuống nấc lên: “Mẹ ơi! Cha không đến à? Mẹ nhớ vô thăm con”. Người mẹ khóc, giọng đứt quãng: “Cha con bệnh không đi được... Lần này, mẹ mượn được tiền nên mới đi được... Lần sau, chắc không có tiền đi... Ở trỏng ráng mà giữ sức khỏe nghe con”.

Tòa bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm tử hình. Bị cáo gục xuống. Người mẹ ngất xỉu... Kết cuộc bi thảm của bị cáo do chính bị cáo tự tạo, nhưng bị cáo đã cướp mất một mạng người, và đẩy gia đình của chính mình vào cảnh khốn đốn...

Tan nát...

Khi tôi đến bắt chuyện, người mẹ đưa đôi mắt đi rất chậm, đờ đẫn nhìn tôi, kể cho tôi nghe... Quê ở An Giang, cả nhà năm người kéo về Bình Dương làm thuê kiếm sống.

Để tiện việc đi làm, họ dành dụm mua xe máy trả góp, nhưng mua chiếc nào là Cành lén đem bán chiếc đó lấy tiền đãi các nữ tiếp viên quán nhậu.

Lúc đầu, người mẹ khuyên dạy thiệt hơn, thấy con im lặng ngồi nghe, bà tưởng con chỉ dại một lần. Nhưng rồi đến chiếc xe trả góp thứ hai, thứ ba! Đến khi Cành xin được vào làm bảo vệ cho một công ty, thấy con đi bộ đến chỗ làm 3 cây số nên gia đình sắm xe cho Cành...

Tất cả biện pháp từ khuyên bảo, khóc lóc, đến đòn roi... đều rơi vào khoảng không. Lần nào Cành cũng tỏ ra hối hận nhưng sau đó lại tiếp tục trộm bán, tổng cộng bốn chiếc, mà mỗi chiếc cả nhà phải nhín ăn nhín mặc trả góp gần hai năm mới xong.

Người mẹ buồn bã rằng ngoại trừ chuyện ham chơi trên, Cành cơ bản là đứa con tốt. Tiền công hằng tháng, Cành đưa cho mẹ. Chỉ thỉnh thoảng Cành xin mẹ vài chục nghìn đồng uống cà phê với bạn bè. Bà khẳng định: “Cành chỉ lấy xe trong nhà chứ không trộm cắp gì của ai hết.

Vì vậy nghe báo con mình giết người để cướp của, cả gia đình bàng hoàng tưởng nghe lầm. Đến giờ chúng tôi không hiểu tại sao thằng Cành làm chuyện ác độc như vậy. Chắc tại ma xui quỷ khiến gì đó...”.

Hồi mới đến xứ người, cả nhà làm thợ hồ, công việc cực nhọc nhưng được cái chiều về, mọi người cùng quây quần bên mâm cơm. Rồi hai vợ chồng xin được chân tạp vụ ở một công ty du lịch. Con gái xin vào làm công nhân.

Kế đó, Cành được tuyển dụng vào làm bảo vệ, lương tháng gần 4 triệu đồng. Nhìn con mặc đồng phục bảo vệ, người mẹ rất hãnh diện. Vậy là con mình vừa được lương cao vừa được ngồi trong mát. Nhưng rồi hạnh phúc bình dị ấy vỡ nát khi bàn tay Cành nhúng vào tội ác.

Sau cái ngày khủng khiếp đó, cả gia đình rơi vào khốn đốn, suy sụp. Đầu tiên, chủ biết được, sợ chuyện nọ kia liền cho hai vợ chồng bà nghỉ việc. Cả hai đành quay về nghề phụ hồ ở cái tuổi trên dưới 50...

Cảm giác lo sợ, xấu hổ tràn ngập bầu không khí họ đang thở, như muốn tiêu hủy hoàn toàn sự sống. Rồi lương tâm cắn rứt vì chỉ gửi cho bên bị hại chỉ 5 triệu đồng lo ma chay.

Bà khóc: “Phải chi có tiền tui đưa nhiều hơn, chứ người ta cũng nghèo, 5 triệu đồng tang ma, mồ mả thấm vào đâu. Nhưng tui chỉ có ngần ấy, đó là vốn liếng dành dụm...”. Cứ thế, cảm xúc này làm tồi tệ cảm xúc kia khiến bà ngày càng còm cõi, rệu rã. Dù vậy, bà cũng ráng đi phụ hồ bởi nghỉ ngày nào là cái đói xộc vào nhà ngày ấy...

Và cơn cuồng loạn của gia đình càng leo thang khi trong phiên tòa sơ thẩm Cành bị tuyên tử hình. Sau khi dự tòa về, cả gia đình ăn chay để khấn vái cầu cho phiên phúc thẩm, tòa án sẽ giảm xuống còn chung thân.

Riêng người cha nhịn ăn sáng lấy tiền mua vé số, những mong trúng độc đắc đem bồi thường cho gia đình bị hại, chuộc bớt phần nào tội lỗi do con gây ra. Ăn uống thiếu thốn, thất thường lâu ngày nên ông vướng vào căn bệnh đau bao tử.

Và đến gần ngày xét xử phúc thẩm con, ông bị cơn bệnh bao tử và huyết áp quật ngã nằm bẹp trên giường không đến dự phiên tòa được...

Kể đến đây, điện thoại di động của người mẹ đổ chuông. Bà nói: “Chồng tui gọi”. Bà bắt máy, run run bờ môi: “Người ta không giảm án cho nó, nó bị tử hình rồi, ông ơi!...”. Nói đến đây, bà nấc lên...

Theo MINH TÂM
Tuổi trẻ