1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tết muôn màu ở trại giam Ninh Khánh

Trại giam. Những ngày cận Tết. Vừa vang lên những thanh âm náo nức, hân hoan, vừa đằm sâu những tiếng lòng sâu lắng, ngóng chờ… Bởi thế, tết trại giam luôn bộn bề màu sắc, chẳng khác gì một xã hội thu nhỏ…

Nỗi niềm cán bộ trại giam

Với những cán bộ làm công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân ở Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình), Tết chính là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm của họ. Trong khối công việc khổng lồ, các cán bộ đặc biệt chú ý tới công tác xét duyệt, đánh giá hoạt động cải tạo của phạm nhân trong năm cũ. Bởi thế, hầu hết, phạm nhân nào cũng hào hứng, mong ngóng tới Tết, vì đó là dịp phạm nhân có cơ hội hưởng đặc xá, hoặc giảm án, bẻ khung… theo đúng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Ngoài ra, đây cũng là dịp phạm nhân được đoàn tụ bên gia đình, dù giây phút gặp gỡ không quá dài. Quy định thăm người thân của trại giam là không quá 24 giờ nhưng mỗi dịp Tết đến, nhà thăm gặp luôn nhộn nhịp bởi những túi quà, những lời thăm hỏi của các gia đình từ tỉnh xa lên thăm con em mình. Ngoài ra, Ban giám thị trại Ninh Khánh còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… tạo thành sân chơi bổ ích, thiết thực giúp phạm nhân vơi đi nỗi nhớ nhà, khích lệ ý chí, khát vọng hoàn lương trong họ.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, Phó giám thị phân trại K3, trại Ninh Khánh cho biết, đối với những phạm nhân cải tạo tốt, những người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình cảm của gia đình, không được người thân thăm nom, chăm sóc, bao giờ Ban giám thị cũng có những món quà nhỏ để động viên, chia sẻ khó khăn với họ. Đây cũng là những trường hợp được Ban giám thị đặc biệt quan tâm, hỗ trợ để phạm nhân có cái Tết đầy đủ, tươm tất như những phạm nhân khác, giúp họ yên tâm cải tạo, vơi bớt nỗi mặc cảm, buồn phiền và tiếp thêm cho họ sức mạnh, ý chí hoàn lương.

Gửi
quà cho phạm nhân ngày tết.


Gửi quà cho phạm nhân ngày tết.

Món quà chung người nhà phạm nhân gửi tới con em ngày Tết thường là bánh kẹo, bánh chưng, giò lụa, thịt gà… Chính vì thế, dường như Tết trong trại giam thường đến sớm hơn và nó là nỗi mong mỏi, chờ đợi của cả ngàn người đang cố gắng học tập, cải tạo, lao động để mong ngày được trở về ăn Tết cùng gia đình. Ngoài ra, người nhà vẫn không quên mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết cho phạm nhân như gói xà phòng, chai dầu gội, hay những món ăn để được lâu dài như muối vừng, lạc rang, cá khô… chuẩn bị cho những tháng Giêng, Hai.

Một nữ cán bộ trại giam tâm sự, những cuộc thăm thân ngày Tết luôn ngập tràn nước mắt, bịn rịn nhớ nhung. Bởi lẽ, Tết là khi con người ta dễ yếu đuối, mềm lòng nhất vì không được quây quần, đoàn tụ bên gia đình. Cả người nhà và phạm nhân đều tha thiết, năn nỉ cán bộ quản giáo cho họ gặp gỡ, trò chuyện thêm 5, 10 phút, nhưng hàng ngàn phạm nhân đang chờ đợi phía sau để được gặp gia đình, nên nhiều khi cán bộ phải lắc đầu từ chối lời đề nghị của họ. Có lẽ, hơn lúc nào hết, đây là thời khắc phạm nhân thấm thía về sai lầm của mình, từ đó lòng khao khát cải tạo, mong mỏi sớm được trở về đoàn tụ bên người thân càng trở nên mãnh liệt.

Tuy nhiên, bởi Tết là thời điểm nhạy cảm, dễ gợi nhớ, gợi thương về giây phút đoàn tụ bên gia đình, nên diễn biến tâm lý phạm nhân trở nên phức tạp, khó đoán hơn rất nhiều. Nhiều phạm nhân ngày thường vui vẻ, hòa nhã, cải tạo tốt… nhưng mấy ngày Tết trở nên đăm chiêu, thở vắn than dài, lúc nào nước mắt cũng lưng tròng. Hỏi ra mới biết, nam phạm nhân ấy nhớ nhà, nhớ vợ con quá, đâm ra trắng đêm không ngủ được. Lúc này, cán bộ quản giáo trở thành người bạn tâm giao, người tri kỷ ở bên cạnh động viên, khích lệ, trò chuyện cùng họ. Giúp họ giải tỏa tâm lý phiền muộn, bình thản đón tết, yên tâm cải tạo.

Phạm nhân không được đón chào năm mới cùng gia đình đi một lẽ, nhưng cán bộ quản giáo cũng chung hoàn cảnh ấy. Những ngày áp Tết, họ tất bật chuẩn bị Tết cho phạm nhân, những ngày trong Tết, họ canh gác, làm tròn nhiệm vụ của mình, không để bất cứ trường hợp đáng tiếc nào xảy ra trong 3 ngày Tết. Sở dĩ, các chiến sĩ cán bộ quản giáo cần tăng cường bảo vệ, quan tâm tới phạm nhân hơn trong dịp Tết, bởi thời điểm nhạy cảm này khiến tâm lý của họ dễ có những xáo trộn, biến đổi, nếu không chấn chỉnh, sát sao, có thể sẽ gây nên những điều đáng tiếc. Tết, cả quản giáo và phạm nhân, đều chung nỗi bồi hồi, xúc động và có những khoảng lặng cho riêng mình.

Có cán bộ nói vui với tôi, suốt hơn 20 năm trong nghề, chưa một ngày anh dám tắt điện thoại, cũng không dám mở nhỏ chuông, ngay cả khi về nhà với vợ con dù không phải ngày trực của mình. Các anh luôn trong tâm thế sẵn sàng đối mặt với những biến động từ phía trại giam. Chỉ cần một cuộc gọi, dù là lúc giao thừa, hay đang cùng vợ con đi chúc tết họ hàng nội ngoại, họ đành tạm gác việc nhà, phó thác cho người thân, và bản thân lại tất tả quay trở về đơn vị. Có phạm nhân còn bông đùa: “Chúng cháu đi tù còn mong ngày về, còn các cán bộ quản giáo “lĩnh án chung thân”, sống cùng bao “thế hệ phạm nhân” trong trại giam”.

Ở đâu đó, bên ngoài cánh cửa trại giam, trong những nếp nhà, những mâm cơm ngày Tết của nhiều gia đình quản giáo vắng bóng người mẹ, người cha. Nhưng, sự hy sinh thầm lặng đó được đổi lại bằng những “mầm thiện”được gieo trồng, lấn cái ác, trả lại cho xã hội những con người biết phục thiện…

Nỗi niềm sau song sắt

Trong số những gương mặt không ngần ngại che giấu niềm phấn chấn, háo hức trang trí, chuẩn bị đón Tết, tôi để ý tới một người phụ nữ có dáng người nhỏ thó, gầy guộc, mái tóc rối và bờ môi thâm tím vì lạnh. Hỏi ra mới biết chị tên Phạm Thị Giang (SN 1980, quê ở Thanh Liêm, Hà Nam). Đôi mắt ẩn chứa nhiều mặc cảm, sợ hãi và luôn ở trạng thái bối rối, thấp thỏm của Giang ám ảnh tôi kỳ lạ. Như thể, người đàn bà này là một nốt nhạc trầm lạc điệu trong dàn đồng ca mùa xuân phơi phới ở đây. Trò chuyện cùng chị, hiểu hơn về những ẩn ức sâu lắng trong tâm hồn người đàn bà tội lỗi này.

Còn nhớ, hơn chục năm về trước, vụ án của Giang từng gây rúng động toàn tỉnh Hà Nam. Đó là vụ nàng dâu nuôi dã tâm đầu độc mẹ chồng bằng bả chó, nhưng may mắn thay bà mẹ chồng bảo toàn được tính mạng, nhưng hành vi phạm tội của Giang bị phát giác và kết cục là bản án tù 10 năm. Lúc bị bắt, Giang đang mang thai đứa con thứ hai được hơn 2 tháng, trong khi đứa con nhỏ đầu tiên mới hơn 1 tuổi đầu, nên Giang được tại ngoại. Và, tới tận năm 2011, Giang mới trả án, khi các con đã cứng cáp và đang dần khôn lớn.

Gửi
quà cho phạm nhân ngày tết.

Trong câu kể đứt quãng bởi những tiếng nấc sụt sùi, tôi hiểu người đàn bà này và mẹ chồng tên Đào Thị Vạn (SN 1934) vốn đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn trước đó. Bà Vạn là người phụ nữ có nếp sống, nếp nghĩ phong kiến ngấm sâu vào máu, trong khi nàng dâu tên Giang cũng là người đáo để, chẳng chịu kém lời. Cho nên, ở với nhau dưới một mái nhà nhưng mẹ chồng – nàng dâu như mặt trăng – mặt trời, chẳng mấy khi được cơm lành canh ngọt.

Nhiều lần thấy nàng dâu Phạm Thị Giang nói năng thiếu lễ độ với mẹ chồng, sống chưa chuẩn mực của đạo làm dâu, cán bộ phụ nữ thôn góp ý, tiến hành hòa giải, nhưng tình hình không được cải thiện. Đứng giữa bên tình, bên hiếu, chồng Giang muôn vàn phân vân, song cuối cùng để trọn đạo làm con, Tiến, chồng Giang vẫn nhất mực bênh vực mẹ. Điều này khiến Giang càng thêm ấm ức, khó chịu.

Cuộc sống cả gia đình phụ thuộc vào đôi sào ruộng cùng vài mặt hàng tạp hóa lèo tèo của hai vợ chồng, thêm đứa con gái chào đời cần nhiều thứ phải lo toan, kinh tế khó khăn, nghèo khổ khiến mâu thuẫn mẹ chồng và Giang càng lúc càng phức tạp. Đã nhiều lần Giang tức tưởi ôm con bỏ về nhà ngoại, nhưng nghĩ tới đứa con cần có bố và gia đình nhà nội, thời gian sau Giang lại ngậm ngùi ôm con trở về.

Nhưng, chính sự thất thường đó của Giang khiến mẹ chồng và chồng nghĩ chị đang thay lòng đổi dạ, có người đàn ông khác nên mới lần lữa ở nhà ngoại lâu đến thế. Những lời bóng gió xa xôi đủ để người đàn bà ít học như Giang hiểu ngọn ngành câu chuyện. Ôm nỗi bực tức từ lâu, thêm thái độ hờ hững, lạnh nhạt của chồng, Giang dồn tất cả hận thù lên mẹ chồng. Chị cho rằng, bà Vạn chính là mầm mống của bi kịch. Chính bà đã đứng đằng sau tất cả mâu thuẫn của vợ chồng Giang và cũng là người xúi Tiến viết đơn ly hôn vợ. Giang đã tức tối tuyên bố xanh rờn: “Kỳ này sẽ cho biết thế nào là lễ độ. Có đứa đang khỏe sẽ lăn ra chết”.

Tưởng đó chỉ là một câu nói bâng quơ của nàng dâu đáo để trong cơn giận dữ, nào ngờ, ngày 11-9-2004, bà Vạn ăn bữa cơm chiều một mình như mọi khi, vừa bưng bát canh lên ăn, bà thấy miệng đắng ngắt và một mùi khó chịu xộc lên mũi. Tiếc của, cụ bà 70 tuổi mang cho đàn chó ăn, ít phút sau, cả 5 con chó đều run cầm cập, sùi bọt mép và lăn đùng ra chết. Bà Vạn lu loa hàng xóm, và người dân đã mang bát canh đó đi giám định. Kết quả cho thấy, canh đã được trộn bả chó. Nàng dâu Phạm Thị Giang trở thành nghi can số 1 của vụ ám sát này.

Tại cơ quan điều tra, Giang khóc một ngày một đêm, miệng không ngừng kêu oan. Nhưng, cuối cùng nàng dâu đã phải cúi đầu nhận tội đã đầu độc mẹ chồng.

Khi xảy ra vụ án, Phạm Thị Giang đang mang thai đứa con thứ hai được hơn 2 tháng, cộng với con gái lớn mới được hơn 2 tuổi nên Giang được tạm hoãn thi hành án. Tới tháng 5-2011, Giang mới bắt đầu trả án theo đúng quy định của pháp luật. Hoãn thi hành án, Giang bị nhà chồng từ mặt như một lẽ tất yếu, đứa con đầu tiên sống cùng bố và bà nội, còn Giang ôm cái bụng ngày một to dần về nương nhờ nhà ngoại. Thiên hạ xì xào bàn tán, những lời gièm pha nặng nề giáng xuống chị, Giang đã từng nghĩ tới cái chết để quên đi tất cả. Thế nhưng, mầm sống cựa quậy trong bụng chị chính là động lực níu kéo chị ở lại cuộc đời này.

Gửi
quà cho phạm nhân ngày tết.


Tính ra, đến nay Phạm Thị Giang đã có 3 cái Tết trong trại giam, nhưng chị bảo chưa bao giờ chị quen được không khí Tết trong này. Ngày thường lao động quên mất ý niệm thời gian, ngày Tết được nghỉ hóa ra lại khiến lòng dạ thêm bồn chồn, khắc khoải.

Trong cuộc trò chuyện với tôi, Giang thật thà kể lại: “Ban đầu, bát canh thuốc độc đó em định uống để đoạn tuyệt bể khổ, nhưng khi mới hòa canh ra, chưa kịp thực hiện ý định quyên sinh thì con khóc, em phải chạy vào buồng dỗ con. Lúc mẹ chồng về, em thấy bà ăn canh, nhưng em đã im lặng. Dỗ con nín khóc, quay ra, thấy bà đã mang bát canh đổ cho chó. Và phần sau như chị đã biết”.

Chị biết, giờ đây trong lòng mẹ chồng và chồng Giang chưa nguôi thù hận năm xưa. Họ không còn giữ liên lạc, cũng không muốn nhắc tới Giang trong cuộc sống của mình, nhưng Giang thì khác, nỗi ân hận, xấu hổ năm xưa vẫn đeo đẳng, đày đọa tâm trí chị. Trong lá thư xin lỗi gửi về cho người thân, phạm nhân Phạm Thị Giang đã dồn nén tất cả những điều sâu kín, những lời tạ tội tới người mẹ chồng lam lũ, đi qua nhiều biến thiên sóng gió cuộc đời và người chồng chị từng đầu ấp má kề một thời.

Trong một lá thư khác, Giang gửi về cho mẹ - người phụ nữ nhọc công mang nặng, đẻ đau, lo lắng cho chị từng ly từng tí từ thủơ ấu thơ cho tới lúc về nhà chồng. Ngỡ tưởng, con gái theo chồng đã yên bề một phận, nào ngờ đó mới là lúc sóng gió bắt đầu thực sự sục sôi. Giang xin lỗi mẹ, bởi ở cái tuổi gần đất xa trời, vất vả đi qua nửa con dốc cuộc đời đã chạm tới những ngày bóng xế, lại phải chăm nom, nuôi nấng đứa con tù tội. Nghĩ về tội lỗi và gánh nặng do mình gây ra cho bố mẹ, gia đình, hơn một lần Giang nghĩ tới cái chết. Thế nhưng, đi qua những thời điểm chênh vênh đó, Giang đã tìm lại được niềm tin hướng thiện, tìm được động lực sống, đó là cố gắng cải tạo tốt để trở về, đền đáp công ơn cha mẹ và nuôi nấng con cái trưởng thành.

Giang thừa nhận, những ẩn ức trong quá khứ chị chưa thể hoàn toàn rũ bỏ. Những ám ảnh năm xưa hãy còn nguyên nóng hổi, cho nên đôi mắt chị luôn đượm buồn, thấp thỏm như cánh chim lạc bầy giữa mùa đông là vì thế.

Nhớ nhà

Nằm trong số phạm nhân không có gia đình tiếp tế, thăm nuôi kể từ khi nhập trại, 3 cái Tết trong trại giam đối với phạm nhân Tráng A Dơ là 3 cái Tết trầm lắng giống như bản tính ít nói của gã đàn ông người Mông này. Chịu án 20 năm với tội danh giết người, nạn nhân của Dơ chẳng phải ai xa lạ lại chính là Thào Thị Ninh – người vợ Dơ cưng chiều, yêu thương hết mực. Nhớ lại thảm án năm xưa, Dơ buồn rượi: “Dơ giết chết vợ trong phút bị ma rượu bắt mất lý trí. Đến khi sực tỉnh thì vợ Dơ đã nằm chết dưới nền đất lạnh”.

Vụ án năm xưa bắt nguồn từ đợt gieo lúa mới, vợ chồng Dơ được anh rể cậy nhờ tới làm giúp. Chẳng nề hà ngại khó, hai vợ chồng đèo nhau đi một mạch tận 3 ngày liền, để 2 hai nhỏ ở nhà tự chăm lo cho nhau. Ngày cuối cùng của vụ mới, anh rể mở tiệc liên hoan, vợ chồng Dơ làm trận say bí tỉ mới chịu đứng dậy ra về. Về tới nhà, Thào Thị Ninh chạy vào buồng ngủ, còn Dơ say quá, chẳng còn biết trời trăng là gì, hạ lưng xuống luôn chiếc giường ọp ẹp gian ngoài. Lay gọi chồng mãi không được, Ninh buông vài lời càm ràm.

Đang cơn say lại nghe vợ lải nhải, ta thán bên tai, không chịu nổi bực mình, Dơ vùng dậy, với tay lấy khẩu súng kíp, được treo trong nhà từ sau đám ma mẹ Dơ còn giữ lại (theo phong tục người Mông, khi nhà có tang, gia quyến sẽ bắn 3 phát súng để thông báo với làng xóm, và báo với tổ tiên đón vong linh người chết – PV), bắn thấu tim vợ. Phát súng hiểm khiến Ninh chết tại chỗ, còn Dơ choàng tỉnh, chết lặng người. Ngày hôm sau, anh em Dơ tới nhà lo ma chay, còn Dơ ra Công an xã đầu thú.

Từ ngày tự tay đoạt mạng người vợ Dơ hết mực yêu thương, chưa giây phút nào anh ta quên ánh mắt bàng hoàng cho tới khi tắt lịm của Ninh lúc súng cướp cò. Ánh mắt ấy ám ảnh Dơ trong từng miếng cơm, giấc ngủ. Và trong những giấc mơ chập chờn của Dơ, nỗi nhớ về những ngày Tết cùng vợ dong duổi trên chiếc xe cọc cạch, trèo đèo, lội suối khắp các rẻo cao, ngẫu hứng cùng nhau trong lễ hội ném còn, hay giản đơn nhường nhau miếng mèn mén thơm lừng mùa mới… sao mà quay quắt đến thế. Càng nhớ vợ bao nhiêu, Dơ càng hối hận về tội lỗi của mình bấy nhiêu, nhưng gã đàn ông khờ khạo này hiểu rằng, sẽ chẳng bao giờ anh ta quay trở về “những ngày xưa yêu dấu” bên vợ được nữa. Nỗi niềm ấy, Dơ chỉ biết giấu kín trong lòng, lầm lũi cải tạo, bền bỉ cải tạo… để mong trở về đoàn tụ với hai đứa con thơ dại.

Khi tôi ra về, từng câu hát dặt dìu vang lên từ chiếc loa trại giam níu bước chân: “Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi/ Ngàn hoa thơm khoa sắc xinh tươi/ Đàn em thơ khoe áo mới/ Chạy tung tăng vui pháo hoa/ Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi/ Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam/ Dù đi đâu ai cũng nhớ/ Về chung vui bên gia đình…”.

Chắc hẳn nghe những lời ca này, lòng những người tù mặc áo số sẽ không khỏi bồi hồi, xao xuyến, xen lẫn những bâng khuâng, mong nhớ gia đình. Nhưng những bồi hồi, xao xuyến ấy là cần thiết, để họ hiểu và thấm thía giá trị của tự do, của tình thân, từ đó nuôi dưỡng ngọn lửa khát vọng hoàn lương cho bản thân. Mùa xuân sẽ tiếp thêm cho họ sức mạnh và lòng kiên trì để tìm đường về nẻo thiện.

Theo Hòa Ca

Cảnh sát toàn cầu