1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Tâm sự người vợ có chồng ngồi xe lăn “đổ đốn” với cháu bé thiểu năng

(Dân trí) - 10 năm chăm chồng tai biến, ngồi xe lăn, bà lẳng lặng làm hết phận sự của người vợ. Ông đổ đốn, giở trò dâm ô với đứa trẻ thiểu năng đáng tuổi cháu mình, bà đau đớn không dám ngẩng mặt lên nhìn ai.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Thanh An (SN 1962, trú thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) “nóng” bởi tranh luận giữa hai bên. Với hành vi dâm ô cháu bé 10 tuổi bị thiểu năng trí tuệ, Nguyễn Thanh An bị TAND huyện Nam Đàn tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù, bồi thường cho bị hại 21,1 triệu đồng.

Bà Q. đẩy xe lăn đưa chồng vào vị trí bục khai báo dành cho bị cáo. Ông Nguyễn Thanh An - chồng bà bị truy tố xét xử về tội Dâm ô đối với trẻ em
Bà Q. đẩy xe lăn đưa chồng vào vị trí bục khai báo dành cho bị cáo. Ông Nguyễn Thanh An - chồng bà bị truy tố xét xử về tội "Dâm ô đối với trẻ em"

Nguyễn Thanh An kháng cáo kêu oan, trong khi đó, đại diện hợp pháp cho người bị hại cũng có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm tăng mức phạt tù, tăng mức bồi thường đối với bị cáo. Bị cáo An đến tòa trên chiếc xe lăn, chuẩn bị sẵn một chiếc mũ, đội sùm sụp “né” ống kính của phóng viên và những ánh mắt căm phẫn của phía bị hại.

Sự việc xảy ra vào giữa tháng 7/2017, thời điểm đó Nguyễn Thanh An đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Đàn. Người đàn ông bị liệt nửa thân dưới đã có hành vi dâm ô cháu N.Q.A (10 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ).

Gia đình cháu bé phát hiện ra sự việc và có đơn tố cáo hành vi của Nguyễn Thanh An tới cơ quan điều tra.

“Cháu là một đứa trẻ phải chịu thiệt thòi nhưng lại bị ông An lạm dụng, xâm hại. Một đứa trẻ thiểu năng đã đối mặt với nỗi đau thể xác, nỗi sợ hãi về tinh thần vì ông An dọa “nói với bố mẹ thì sẽ giết chết cả nhà”. Khi chúng tôi tố cáo hành vi của ông An lên cơ quan điều tra, ông An không những không chịu thừa nhận hành vi xấu xa của mình mà còn đe dọa ngược lại’, mẹ nạn nhân A. nói.

Bản án 3 năm 6 tháng tù mà cấp sơ thẩm tuyên đối với Nguyễn Thanh An theo chị là quá nhẹ so với hành vi của bị cáo cũng như các hậu quả về tâm lý mà con gái chị phải chịu. Người phụ nữ này đề nghị mức án cao hơn để An không có cơ hội để làm hại những đứa trẻ khác.

Bị cáo Nguyễn Thanh An ngồi xe lăn trả lời các câu hỏi của HĐXX. Bị cáo rút nội dung kháng cáo kêu oan và thừa nhận hành vi phạm tội của mình
Bị cáo Nguyễn Thanh An ngồi xe lăn trả lời các câu hỏi của HĐXX. Bị cáo rút nội dung kháng cáo kêu oan và thừa nhận hành vi phạm tội của mình

Nghe những buộc tội từ phía gia đình nạn nhân, bà Q. – vợ bị cáo An chỉ cúi gằm mặt xuống. Mà hầu như suốt cả buổi xét xử, ít khi bà ngẩng mặt lên.

“Ông ấy tai biến gần 10 năm nay. Bệnh tật vào thì đâm bẳn tính nhưng khó mấy tôi cũng chiều được, im lặng mà phục vụ, từ vệ sinh, thuốc thang, tắm rửa. Nhưng ông ấy đổ đốn với đứa trẻ đáng bằng tuổi cháu mình, lại là đứa bé thiểu năng… Ông ấy làm khổ vợ, khổ con, khổ cả họ hàng không dám ngẩng mặt lên mà nhìn ai”, bà trải lòng.

Bà vốn là công nhân ngành giao thông vận tải, ông không có nghề nghiệp ổn định nhưng trong con mắt bà, khi còn khỏe mạnh, chính ông là người cáng đáng cả gia đình. Bà nghỉ hưu, chồng bị tai biến, nằm liệt giường một thời gian dài, rồi thường xuyên đi viện, kinh tế gia đình cũng vì thế mà khánh kiệt.

Thỉnh thoảng nghe điều tiếng này nọ về chuyện trai gái của chồng, bà cũng gạt qua một bên. Cũng có thể bà không muốn nghe, không muốn nghĩ đến những điều khiến mình đau đớn…

“Lương tôi được hơn 3 triệu, ông ấy mỗi tháng được hưởng trợ cấp 280 nghìn đồng. Con gái thì lấy chồng rồi, đứa thứ 2 thì đang đi học ở Hà Nội nên khi tòa tuyên bồi thường cho phía nạn nhân 21,1 triệu đồng, tôi cũng cố gắng lo liệu cho được 10 triệu nộp lên thi hành án để mong giảm án cho ông ấy. Nói gì thì nói, ông ấy già rồi, lại bệnh tật thế kia, đi tù thì sống thế nào được?”, bà vẫn lo cho chồng.

Bà Q. cúi gằm mặt trong suốt buổi xét xử. Việc ông giờ trò đồi bại với cháu bé 10 tuổi bị thiểu năng trí tuệ là một cú sốc lớn, khiến người vợ như bà không dám ngẩng đầu nhìn ai
Bà Q. cúi gằm mặt trong suốt buổi xét xử. Việc ông giờ trò đồi bại với cháu bé 10 tuổi bị thiểu năng trí tuệ là một cú sốc lớn, khiến người vợ như bà không dám ngẩng đầu nhìn ai

Trong quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm và ngay trước khi phiên phúc thẩm mở ra, bị cáo Nguyễn Thanh An một mực kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội. Thế nhưng, ở phiên phúc thẩm, bị cáo An rút đơn kháng cáo kêu oan, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt và giảm mức bồi thường dân sự.

“Hôm nay, bị cáo xin nhận tội. Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo lý, đạo đức. Bị cáo rất ân hận, xin lỗi bị hại và gia đình. Bị cáo lớn tuổi rồi, lại bệnh tật, hầu như là nằm viện nên xin tòa và gia đình bị hại xem xét cho bị cáo được hưởng án treo. Bị cáo không tự chăm sóc được mình, từ tắm rửa, vệ sinh… đều có người làm giúp. Nếu đi tù, không ai chăm sóc thì bị cáo chết mất. Bị cáo mà đi tù thì ngang với tử hình”, Nguyễn Thanh An trình bày.

HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm, xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em gái, gây băng hoại đạo đức, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, cần phải ra một bản án nghiêm khắc, đủ sức răn đe, phòng ngừa chung. Do đó không có căn cứ để xem xét cho hưởng án treo như nội dung kháng cáo của bị cáo.

Tuy nhiên, bị cáo đã thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình, bồi thường cho bị hại qua cơ quan thi hành án 10 triệu đồng, bản thân bị cáo đang bị bệnh, phải điều trị thường xuyên... Đây là các tình tiết giảm nhẹ mới. Do vậy, HĐXX chấp nhận 1 phần kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo 3 năm tù giam.

Nguyễn Thanh Anh chụp vội chiếc mũ lên đầu để vợ đẩy xe lăn ra khỏi tòa. Đôi vai bà Q. như chùng xuống, đầu cúi gằm, lặng lẽ đẩy chồng đi qua những ánh mắt căm phẫn của người thân bị hại…

Hoàng Lam