1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

TPHCM:

Tài sản tích góp cả đời “bay vèo” sau cuộc điện thoại

(Dân trí) - Với thủ đoạn giả danh người của cơ quan bảo vệ pháp luật, các đối tượng gọi vào số điện thoại bàn, thông báo chủ thuê bao có liên quan đến một đường dây lừa đảo mà “công an” đang điều tra. Nhiều nạn nhân đã sập bẫy trò lừa đảo cũ rích này với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Chiều 9/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng (PC46) - Công an TPHCM cho biết, vừa bắt khẩn cấp nghi can Lục Minh Hải (30 tuổi, quê Đồng Nai, tạm trú quận Bình Tân, TPHCM) để điều tra, xử lý về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hải được xác định là người cung cấp thẻ ATM cho đối tượng Li (tên thường gọi là Hoàng Quân, quốc tịch Trung Quốc) để làm phương tiện chuyển tiền lừa đảo của nhiều người, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Lục Minh Hải tại cơ quan công an
Lục Minh Hải tại cơ quan công an

Theo điều tra của cơ quan công an, Hải quen biết với Hoàng Quân trong quá trình đi bán chuỗi hạt đeo tay.

Từ tháng 4/2016, Hải than với Quân về cuộc sống khó khăn và được Quân hướng dẫn lấy chứng minh nhân dân đến các ngân hàng mở thẻ tài khoản cho Quân, đổi lại Quân sẽ trả cho Hải 1,5 triệu đồng/thẻ.

Mặc dù qua báo chí, Hải biết rõ việc Quân sử dụng các thẻ ATM này vào việc nhận tiền lừa đảo nhưng Hải vẫn nhận lời để lấy tiền công.

Từ tháng 5/2016 đến khi bị bắt, Hải đã mở tổng cộng 4 thẻ tài khoản của các ngân hàng ACB, Sacombank, Techcombank và Agribank giao cho Quân để nhận số tiền 6 triệu đồng.

Ngoài ra, Hải còn nhờ một người tên Nguyễn Thị Kim Dung (chưa rõ lai lịch) mở 2 thẻ ATM của ngân hàng ACB và Sacombank, sau đó Hải bán 2 thẻ này cho Quân.

Trong số các nạn nhân bị lừa đảo, có trường hợp của bà N. T. N. (58 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) bị lừa mất 2,3 tỷ đồng; hay trường hợp của bà H. T. P. H. (49 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) bị lừa mất 800 triệu đồng.

Bà H. kể lại, sáng 12/7, bà nhận được điện thoại của một người phụ nữ xưng là nhân viên thu cước điện thoại ở Hà Nội thông báo gia đình bà đang nợ 8,9 triệu đồng tiền cước.

Mặc dù bà H. khẳng định gia đình mình ở TPHCM và không liên quan gì đến việc nợ cước điện thoại ở Hà Nội. Tuy nhiên, nhân viên này thông báo sẽ chuyển cuộc gọi đến một cán bộ Công an TP Hà Nội để xác minh. Sau đó, một người đàn ông tự xưng là cán bộ Công an TP Hà Nội tiếp tục nói chuyện điện thoại với bà H. và thông báo bà H. đang bị tình nghi liên quan đến vụ lừa đảo của bầu Kiên ở ngân hàng ACB.

Một nạn nhân trình bày sự việc với cơ quan công an
Một nạn nhân trình bày sự việc với cơ quan công an

Đối tượng sau đó “đánh phủ đầu” bà H. bằng cách thông báo số tiền 3 tỷ đồng trong tài khoản của bà H. là tiền liên quan đến phạm pháp.

Lúc này, bà H. thành thật khai báo trong tài khoản của mình chỉ có 1,3 tỷ đồng và khẳng định đây là tiền tích góp cả đời.

Biết “con mồi” đã cắn câu, các đối tượng tiếp tục hù dọa, yêu cầu bà H. chuyển toàn bộ số tiền 1,3 tỷ đồng trong tài khoản vào một tài khoản khác do bọn chúng chỉ định để kiểm tra.

Do bị các đối tượng hù dọa, gây áp lực nên bà H. đã ngoan ngoãn chuyển 800 triệu đồng vào tài khoản của bọn chúng.

Sau khi chuyển tiền, bà H. kể lại sự việc cho người thân trong gia đình thì mới biết mình bị lừa.

Đáng nói là đến hôm sau, các đối tượng tiếp tục kêu bà H. chuyển nốt số tiền 500 triệu còn lại nhưng lúc này bà H. đã cảnh giác và báo công an.

Tang vật mà công an thu giữ
Tang vật mà công an thu giữ

Công an xác định, số tiền mà các nạn nhân bị đối tượng Li Ming Jun lừa đảo là hơn 10 tỷ đồng.

Thời gian qua, Công an TPHCM đã cảnh báo cho người dân rất nhiều lần về chiêu lừa đảo qua điện thoại của loại tội phạm này. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân vẫn sập bẫy với chiêu lừa cũ rích.

Hiện công an đang mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng liên quan.

Đình Thảo

Tài sản tích góp cả đời “bay vèo” sau cuộc điện thoại - 4