1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Sự thật về người “giải mã” các vụ án

Trong tất cả những trường hợp chết người, người Cảnh sát kỹ thuật hình sự đều phải nhanh chóng có mặt tại hiện trường, lật tìm từng thông tin dù là nhỏ nhất của vụ việc để giải đáp và tìm ra chân tướng của vụ việc, lý giải sự công bằng cho người xấu số.

Tỷ mỷ "thu lượm" các dấu vết tại hiện trường, chính xác, khoa học trong từng khâu giám định để phục vụ đắc lực cho công tác điều tra. Đó chính là đức tính của Trung tá Nguyễn Quốc Khánh - Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp và phòng chống tội phạm Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Thái Bình.

Với gần 40 năm làm công tác khám nghiệm và giám định, Trung tá Nguyễn Quốc Khánh không còn nhớ rõ mình đã trực tiếp tham gia khám nghiệm bao nhiêu nghìn vụ việc. Công việc kỹ thuật hình sự bất kể sớm, tối, đêm, hôm, ngày mưa cũng như cả khi trời giá rét cũng phải lên đường làm nhiệm vụ để có những đánh giá, nhận xét, nhận định chính xác cho cơ quan điều tra tìm ra thủ phạm.

Trong tất cả những trường hợp chết người dù là chết bình thường, chết vô tung tích, chết cháy, chết dưới nước lâu ngày, chết do phơi nhiễm HIV/AIDS hay các bệnh lây nhiễm khác, thậm chí nhiều trường hợp phải khám nghiệm tử thi đã mai táng lâu ngày, người Cảnh sát kỹ thuật hình sự đều phải nhanh chóng có mặt tại hiện trường, lật tìm từng thông tin dù là nhỏ nhất của vụ việc để giải đáp và tìm ra chân tướng của vụ việc, lý giải sự công bằng cho người xấu số.

Năm qua, với nhiệm vụ được giao, Trung tá Nguyễn Quốc Khánh đã tham gia cùng với các đồng nghiệp khám nghiệm 1.016 vụ việc các loại, tiếp nhận giám định trên 2.500 vụ trong đó hiện trường các vụ trộm cắp chiếm 44,7% các vụ việc. Trước sự tinh vi của tội phạm trong việc áp dụng những kỹ thuật hiện đại để gây án, sử dụng công cụ gây án mang tính công nghệ, hoạt động lưu động liên tỉnh, liên huyện, cố ý xoá dấu vết hiện trường gây khó khăn cho công tác khám nghiệm, thu lượm dấu vết hiện trường.

Trung tá Nguyễn Quốc Khánh lặng lẽ và cần mẫn với công việc.
Trung tá Nguyễn Quốc Khánh lặng lẽ và cần mẫn với công việc.

Dù khó khăn là thế nhưng với kinh nghiệm được tích lũy hơn 30 năm qua, anh đã cùng lực lượng Kỹ thuật hình sự tiến hành khám nghiệm, giám định kịp thời, kết luận chính xác 100% số vụ việc, phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.  

Nhớ lại vụ án cách đây 6 năm. Đó là vào lúc 7h ngày 10/8/2006, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân tại nghĩa trang Minh Hòa, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà (Thái Bình) phát hiện một xác chết là nam giới nằm trên vũng nước với nhiều vết đâm dọc 2 bên cạnh sườn.

Trung tá Nguyễn Quốc Khánh cùng tổ khám nghiệm đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tìm kiếm chân tướng vụ việc. Hiện trường xung quanh xác chết của nạn nhân và dấu vết trên người nạn nhân đã bị trận mưa đêm qua rửa sạch. Câu hỏi đặt ra với tổ khám nghiệm lúc này liệu nạn nhân bị giết chết tại đây hay nạn nhân bị giết chết tại một hiện trường khác rồi mang đến đây để đánh lạc hướng cơ quan điều tra.

Tổ khám nghiệm xác định danh tính nạn nhân là Hoàng Đình Khương, 37 tuổi, thường trú tại xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình làm nghề cắt tóc. Tiếp tục lật tìm từng dấu vết nhỏ còn sót lại hiện trường, tổ khám nghiệm nhận thấy hiện trường không có dấu vết của sự vật lộn giữa nạn nhân với đối tượng. Trên tất cả ngả đường vào nghĩa trang không có dấu vết lạ.

Như vậy toàn bộ dấu vết của kẻ phạm tội chỉ tập trung ở hiện trường xung quanh cái chết của nạn nhân và cũng là cơ sở để khẳng định nạn nhân chết tại chỗ. Bắt tay vào công tác khám nghiệm tử thi phát hiện 18 vết đâm dọc hai bên xương sườn của nạn nhân với những vết đâm 1 đầu tù và bị rách sơ da. Hướng các vết đâm từ sau về trước, từ dưới lên trên, lực đâm không mạnh. Các vết đâm chứng tỏ đối tượng đã đâm nạn nhân bằng dao có cạnh hình răng cưa, sắc nhọn. Phát hiện này đã nhận định cho công tác truy tìm hung khí mà thủ phạm gây ra.

Tiếp tục mở rộng hiện trường điều tra, tổ khám nghiệm nhận thấy có một hố nước đục, theo con mắt của những người làm công tác khám nghiệm đó là những biểu hiện rất lạ của hiện trường mà đây cũng có lẽ là sự tố cáo của nạn nhân với cơ quan điều tra về cái chết của mình. Sau khi lực lượng khám nghiệm đào sâu chiếc hố nghi vấn đó lên thì lộ ra một bộ quần áo còn nguyên vết máu bắn vào.

Xác nhận chiếc áo không phải của nạn nhân, tổ khám nghiệm đã truy tìm dấu vết nóng của thủ phạm thông qua chiếc áo bị vùi lấp. Quả đúng như vậy chỉ sau 1 ngày điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt Nguyễn Anh Tuấn, 26 tuổi, là người cùng thôn với nạn nhân.

Trước cơ quan điều tra, Nguyễn Anh Tuấn đã cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Tuấn đang là sinh viên Trường Đại học Thái Nguyên, tranh thủ ngày nghỉ Tuấn về nhà, biết anh Khương là người đồng tính, Tuấn đã rủ anh Khương ra nghĩa trang Minh Hòa để quan hệ, sau đó cướp của anh Khương chiếc xe môtô rồi mang đi Hà Nội bán để tẩu thoát.

Khi cơ quan điều tra hỏi về hung khí gây án, Tuấn đã khai nhận sau khi dùng dao đâm chết nạn nhân, Tuấn đã vứt chiếc dao xuống ao của thôn và khi mò được chiếc dao lên thì hình dáng cũng như kích thước của chiếc dao hoàn toàn đúng với nhận định của Trung tá Nguyễn Quốc Khánh và tổ khám nghiệm.

Vụ án gần đây nhất, vào hồi 13h15 ngày 29/11/2011, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn ở xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình báo có kẻ gian đột nhập lấy đi 7 màn hình máy tính và 2 CPU với giá trị tài sản gần 25 triệu đồng. Trước một hiện trường luôn có sự xáo trộn bởi những dấu vết của học sinh thì làm thế nào phát hiện được dấu vết mới của đối tượng.

Với kinh nghiệm trên 30 năm của mình, Trung tá Nguyễn Quốc Khánh đã nghiên cứu thật kỹ phương pháp hình thành dấu vết mới ở hiện trường và nhận thấy tất cả các máy tính mà nhà trường mất cắp đều rút đầu nối trước khi cho học sinh tan buổi học nhưng có một chiếc máy tính bị mất lại là chiếc máy để cố định không rút đấu nối.

Tập trung truy tìm dấu vết từ chỗ chiếc máy tính này, anh cùng tổ khám nghiệm đã phát hiện ổ cắm điện nhãn hiệu "Lioa" bằng nhựa màu đen có mất bụi mới. Bằng các phương pháp nghiệp vụ, và lần theo cơ chế hình thành dấu vết của tội phạm để lại trên hiện trường là cơ chế cầm rút phích điện ra khỏi ổ điện, tổ giám định đã thu được 2 dấu vết để lại tại mặt bên của ổ cắm điện là dấu vết vân tay nghi là của thủ phạm để lại.

Qua công tác giám định xác định dấu vết vân tay để lại trên ổ cắm điện là dấu vết ngón trỏ và ngón cái bàn tay trái. Sau khi gửi phiếu tra cứu cho thấy dấu vết ngón trỏ và ngón cái bàn tay trái là của đối tượng Trịnh Quang Dũng, 30 tuổi, trú tại đội 2, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Kết quả này đã phục vụ đắc lực cho công tác điều tra, tìm ra tung tích thủ phạm chỉ sau 3 ngày.

Trịnh Quang Dũng là đối tượng đã có tiền án về tội trộm cắp tài sản mà Công an tỉnh Nam Định đã nhiều lần bắt giữ. Không công ăn việc làm, để có tiền tiêu xài, Dũng đã tập hợp nhiều đối tượng ở tỉnh Nam Định và Thái Bình thành ổ nhóm chuyên đi trộm cắp và cướp giật tài sản. Sau khi cơ quan CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh bắt được đối tượng Dũng thì cũng liên tiếp bắt thêm nhiều đối tượng trong ổ nhóm của Dũng. 

Ngày lại ngày, công việc của Trung tá Nguyễn Quốc Khánh cứ lặng lẽ âm thầm. Với gần 40 năm công tác kỹ thuật hình sự, với ý chí không ngừng phấn đấu, nhiều năm liền anh đạt danh hiệu Chiến sỹ tiên tiến, Chiến sỹ thi đua. Nhiều lần được UBND tỉnh, Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng. Được ngành phong chức vụ giám định viên cao cấp.

Nhưng có lẽ niềm vui và sự động viên to lớn hơn cả đối với anh, người lính làm công tác kỹ thuật hình sự là sau mỗi vụ án được khám phá thành công, Trung tá Nguyễn Quốc Khánh lại thấy việc làm của mình có ý nghĩa hơn vì đã góp phần nhỏ bé của mình vào hành trình đi tìm sự thật, mang lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân

Theo Bình Vân
Công an nhân dân