1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Sự hối hận muộn màng của đứa con tội đồ

Cuối năm, khi những đứa con xa quê tìm đường về với mẹ, có lẽ cũng là lúc Nguyễn Thị Kim Ngân bị cắn rứt lương tâm nhiều nhất khi tiếp tay gã bồ nghiện ngập, cướp tài sản và cướp luôn sinh mạng của người mẹ bao năm sinh thành, dưỡng dục mình.

Đôi nghịch tử giết mẹ phải trả giá cho hành động của mình.

Đôi nghịch tử giết mẹ phải trả giá cho hành động của mình.

Gia đình có con bất trị

Nguyễn Thị Kim Ngân sinh năm1995 trong một gia đình không lấy gì làm giàu có ở ấp An Bình, xã An Hiệp, (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Ba của Ngân thường theo ghe cào ra biển để mưu sinh, còn mẹ Ngân ở nhà làm lụng vất vả tằn tiện từng xu từng cắc để mong sao nuôi hai chị em Ngân thành người.

Thế nhưng sự đời không như mong muốn, do được chiều chuộng từ nhỏ nên Ngân đã trở thành một “tiểu thư” lúc nào không hay, cô thường đòi hỏi, bắt ba mẹ phải cung phụng, chiều mình.

Càng lớn, Ngân càng trở nên hư hỏng. Mới học lớp 6 thì Ngân đã có những biểu hiện của "dân anh chị", thường trốn học bỏ nhà tụ tập theo nhóm bạn có sở thích “chơi nhiều hơn học”.

Ở cái tuổi choai choai, cô đã làm “náo loạn” cả một vùng quê. Cô bước sang một trang đời mới bằng cách phiêu bạt lên Sài Gòn làm tiếp viên trong quán cà phê, karaoke…

Công việc “lả lướt” đã phần nào làm thỏa chí ăn chơi của cô gái trẻ. Đến khi gặp được Đặng Văn Út (sinh năm 1982, quê ở Vĩnh Long) thì cô chết mê chết mệt, dù biết hắn nghiện ngập, không nghề ngỗng gì. Những cuộc mây mưa đã khiến cô có bầu.

Từ ngày bầu bí, Ngân không còn được ai thuê làm phục vụ, hai “vợ chồng” Ngân - Út cứ lang thang nay đây mai đó, tìm việc làm đắp đổi qua ngày vừa kiếm tiền nuôi dưỡng thai, vừa để phục vụ cho những cuộc hút chích.

Nhiều lần “vợ chồng” Ngân tìm về nhà mẹ đẻ của Út để xin nương náu, nhưng đều bị gia đình từ chối. Họ đành tìm về nhà mẹ đẻ của Ngân ở Bến Tre xin được ở nhờ để chuẩn bị sinh đẻ.

Chén nước sâm hiểm độc của nghịch tử

Ngày 10/8/2012, Út và Ngân về tới nhà mẹ là bà Trịnh Thị Cương. Tại đây, gia đình bà Cương dù rất giận đứa con gái hư đốn chưa cưới xin mà đã bụng mang dạ chửa, lại còn gặp chàng “rể” nghiện chích. Thế nhưng nghĩ đi nghĩ lại nó cũng là con của mình, ai lại đuổi nó đi vào lúc gần đến ngày vượt cạn thế này. Vậy là gia đình bà đành cho hai “vợ chồng” Ngân ở lại, nhưng cũng dặn dò là phải tìm việc làm mà mưu sinh.

Những lời khuyên của gia đình tưởng chừng sẽ khiến đôi “vợ chồng” này biết ơn, ai ngờ chúng lại nghĩ theo một hướng tiêu cực khác. Sau 3 ngày nương náu ở đây, quan sát thấy bà Cương có đeo sợi giây chuyền vàng trên cổ, 2 tên nghịch tử đã nảy sinh ý định chiếm đoạt.

Ngân kêu Út tìm cách lấy sợi dây chuyền của mẹ rồi cùng nhau bỏ trốn. Út bàn bạc với Ngân sẽ bỏ thuốc ngủ vào nước lá sâm rồi lừa cho bà Cương uống, chờ khi nạn nhân bị thấm thuốc, ngủ mê thì chúng sẽ hành sự.

Sáng 14/8, cả hai cùng đến Trạm Y tế xã An Bình mua vỉ thuốc ngủ 10 viên rồi mang về nhà nếm thử, thấy vị thuốc không đắng nên ra sau vườn hái lá sâm mang vào vò lấy nước hòa với 3,5 viên thuốc ngủ để sẵn cho mẹ về uống. Trong khi chờ đợi, Ngân nói nội dung để Út viết thư để lại trước khi hành động.

Nội dung thư có đoạn: “Đứa con bất hiếu của mẹ. Mẹ ơi vì hoàn cảnh hai đứa con quá khổ (Ngân và Út), ở trên anh Út cũng không được, hai đứa con định về đây sống để làm ăn, hai đứa con phải mượn đỡ của mẹ số vàng này, để xoay sở khi nào ổn định con sẽ gởi trả lại mẹ. Đứa con bất hiếu của mẹ (ký tên: Ngân)”.

Chiều cùng ngày, sau khi uông nước sâm mà cô con gái và chàng rể “quý” mời, bà Cương bắt đầu xây xẩm mặt mày và lên giường nằm ngủ. Khoảng 20h, thấy mẹ vợ đã ngủ mê, Út rón rén đến bên giường lấy ĐTDĐ chỉnh sang chế độ im lặng rồi đem để nơi khác. Ngay sau đó, Ngân tiến đến gần mở sợi dây chuyền trên cổ mẹ mình, nhưng bà Cương giật mình thức giấc.

Phương án 1 thất bại, cả hai liền trở vào buồng và bàn “phương án tác chiến” mới để lấy bằng được sợi dây chuyền. Út đưa ra kế sách: “Để anh thử lên lấy thêm lần nữa nếu bị mẹ phát hiện thì anh bịt miệng mẹ lại, còn em phụ anh đè trói mẹ lại!”...

Sau khi lên kế hoạch tỷ mỉ, chúng bắt đầu hành động. Út lén tới lấy sợi dây chuyền trên cổ bà Cương, nhưng bị bà Cương phát hiện la lên “cướp”. Út đè ngực nạn nhân, nhét vải vào miệng và dùng tay bịt miệng bà Cương. Ngân phụ giúp hắn khống chế mẹ. Bà Cương cố sức chống cự quyết liệt, nhưng bị Út đánh, trói. Chúng khiêng người đàn bà xấu số xuống khỏi giường, trói bà lại.

Chúng tháo sợi dây chuyền bà Cương đang đeo rồi thu dọn quần áo cùng chiếc ĐTDĐ của nạn nhân biến mất về hướng TP HCM.

Đến sáng 15/8, Út mang sợi dây chuyền đi bán được hơn 9,4 triệu đồng. Số tiền này Út dùng mua ĐTDĐ và ma túy để dụng dụng.

Sáng hôm sau, em Nguyễn Thị Diễm Mi (sinh năm 2002, là em gái của Ngân) từ nhà cậu trở về thì phát hiện mẹ mình bị trói, nằm gục dưới nền nhà nên đã hô hoán mọi người tới cứu giúp, nhưng khi mọi người tới thì bà Cương chết từ lúc nào.

 
 Nữ nghịch tử nức nở ngày lĩnh án.
 Nữ nghịch tử nức nở ngày lĩnh án.

Vụ án nhanh chóng được điều tra và hung thủ cũng nhanh chóng bị nhận diện.

Công việc truy bắt 2 đối tượng này không hề đơn giản vì chúng không có nơi ở cố định, mà lang bạt khắp nơi. Cuối cùng, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ được chúng ở địa bàn Bà Rịa- Vũng Tàu. Khi bắt giữ, cơ quan công an còn thu giữ trong người Út một lượng ma túy mà hắn đã mua để sử dụng.

Lòng bao dung của người ở lại

Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên phát Đặng Văn Út tử hình về tội giết người, 7 năm tù về tội cướp tài sản và 2 năm tù về tội tàng trữ ma túy. Riêng cô con gái mất hết nhân tính Nguyễn Thị Kim Ngân bị tuyên phạt 18 năm tù về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, do Ngân chưa đủ 18 tuổi nên tổng cộng hình phạt chung mà Ngân phải chịu là 18 năm tù. Tuy nhiên, do Ngân đang trong thời gian sinh đẻ nên tạm thời chưa thi hành án.

Bản án trên được cả hai “vợ chồng” Ngân kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đại diện cho người bị hại, ông Nguyễn Thanh Dũng là chồng bà Cương, đồng thời cũng là cha ruột và cha “rể” của hai bị cáo làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho 2 con.

Suốt cả buổi xử, cả Ngân và Út liên tục ngoái đầu xuống nhìn những người thân, hai bị cáo khóc thảm thiết khiến những người thân cũng không kìm lòng được. Út xin phép quý tòa ngoái đầu nhìn về phía “ba vợ” để xin tạ tội: “Con xin ba hay tha lỗi cho đứa con bất hiếu này. Con không cố ý giết mẹ đâu. Giờ con mong gia đình hãy chăm sóc cho đứa con còn đỏ hỏn ấy. Con vô cùng cảm ơn cha…”.

Ngân cũng liên tục khóc xin cho chồng mình thoát khỏi tội chết: “Con cầu xin tòa hãy cho chồng con một con đường sống. Anh ấy không cố ý giết mẹ con, mà mọi chuyện đều do con mà ra…”.

Ngày xử phiên phúc thẩm (14/3/2013), người cha tội nghiệp không kìm được những dòng nước mắt. Ông nghẹn ngào: "Hai đứa nó trẻ người non dạ, chúng không cố ý giết mẹ nó đâu, có lẽ vì túng quá nên mới làm liều. Nói sao thì chuyện cũng đã lỡ rồi, vợ tôi cũng chẳng sống lại được, chỉ mong sao tòa xem xét giảm án cho hai đứa. Thằng Út dù gì nó cũng là cha của đứa cháu tôi, nếu nó chết rồi thì sau này con nó sẽ thế nào?”.

Phiên tòa khép lại, với việc giữ nguyên bản án sơ thẩm với bị cáo Đặng Văn Út, tuyên tổng hình phạt mà Út phải chịu là tử hình. Riêng bị cáo Ngân được giảm 1 năm tù về tội giết người, tổng hình phát mà Ngân phải chịu là 18 năm tù.           

Rời phòng xử án, vợ chồng Ngân dắt díu nhau lên xe về trại giam. Cả hai đều khóc nức nở...

Theo Hoàng Quý
Pháp luật Việt Nam