Sơ thẩm vụ án "cướp gỗ huê": Đề nghị phạt 8 - 13 năm tù với các bị cáo
(Dân trí) - (Dân trí) – Ngày 11/2, TAND tỉnh Quảng Bình tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án” cướp gỗ huê” tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Tất cả các luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa hôm nay đều không đồng tình với cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Bình và cho rằng, hành động của các bị cáo là “mua” chứ không phải “cướp”. Cũng tại đây, các luật sư yêu cầu đại diện VKSND tỉnh này làm rõ hành vi cấu thành tội “cướp tài sản” mà cơ quan này đã cáo buộc với các bị cáo. Theo quan điểm của các luật sư, hồ sơ vụ án hiện không đủ căn cứ để chứng minh các bị cáo đã “cướp tài sản”.
Với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Xuân Thiện, Luật sư Ngô Văn Xảo cho rằng: “Kết luận của cơ quan điều tra là không đúng, bởi hành động “cướp” theo quy định của luật là phải làm tê liệt đối phương, để đối phương không thể chống cự được và bị lấy tài sản. Thực tế, nhóm của anh Toàn (bị hại - PV) có số lượng người đông hơn (22 người) trong khi nhóm bị cáo chỉ có 14 người, sao các bị cáo có thể khống chế làm tê liệt các bị hại để thực hiện hành vi cướp được?”.
Luật sư Xảo cũng cho rằng, những tang vật như dao, gậy thu được thì đó là những vật dụng đi rừng của các bị cáo để tránh thú dữ, sử dụng trong việc chặt gỗ, phát đường đi… chứ không thể kết luận đó là tang vật dùng để uy hiếp bị hại.
Nhiều luật sư cũng cho rằng lời khai của anh Phạm Văn Toàn như hồ sơ thể hiện là vô lí. Luật sư nêu ra tình tiết, sự việc xảy ra ban ngày với một người bình thường mà toàn bộ 14 bị cáo "đi cướp" mà bị hại Toàn lại không nhận ra được người đã trói mình.
Đồng thời, các luật sư bào chữa cũng đã phân tích mối quan hệ giữa các bị hại với các bị cáo, lập luận, nếu là hành vi “cướp”, tại sao nhóm của anh Toàn lại cùng uống rượu, ăn mì tôm với nhóm của Hiệu, và sau khi bị cướp lại không viết đơn tố cáo lên cơ quan điều tra. Ngoài ra, tại phiên tòa, các luật sư đều đặt câu hỏi, nếu là cướp, tại sao các bị cáo lại cho bị hại Toàn số tiền 390 triệu đồng, chỉ có bán mới trả tiền chứ ai lại đi cho số tiền lớn như vậy?
Riêng đối với luật sư Nguyễn Cường, người bào chữa cho bị cáo Phan Văn Cảm lại cho rằng, VKSND tỉnh Quảng Bình không đủ căn cứ để chứng minh các hành vi của bị cáo và cho rằng chứng cơ duy nhất tại phiên tòa hôm nay chỉ dựa vào bản cung của các bị cáo là thiếu chứng cớ, vật chứng, nhân chứng… để cấu thành tội phạm đối với các bị cáo.
Cũng theo luật sư Cường, dây dù để trói bị cáo và cây dao là được lấy tại nhà của một bị cáo, nhưng trong bản cáo trạng lại ghi là lấy ở hiện trường. Cùng với đó, luật sư Cường còn nghi ngờ, biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra thiếu sự minh bạch, bản hỏi cung thì có dấu hiệu sửa chữa, chênh lệch ngày tháng?
Cũng tại phiên tòa hôm nay, nhiều luật sư còn cho rằng, biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra thiếu tính pháp lí và biện luận, rất lâu sau đó mới đi khám nghiệm trường, nhưng khi đi lại không có nhân chứng chỉ có cơ quan công an, kiểm lâm và công an xã.
Kết thúc ngày làm việc thứ 3, sau khi nghe lời bào chữa cho các bị cáo của các luật sư, HĐXX đã kết thúc phần tranh luận. Sáng ngày mai, (12/2), phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc. Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin phiên xử.
Nhóm PV