Sau hàng loạt vụ cướp ngân hàng, Bộ Công an đưa ra cảnh báo
(Dân trí) - Sau hàng loạt vụ cướp ngân hàng thời gian qua, Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng chú ý hệ thống camera giám sát cần bố trí công khai và bí mật có khả năng theo dõi, kiểm soát được từ xa bên ngoài và bên trong trụ sở giao dịch, video thu được phải chất lượng tốt, nhận dạng đối tượng gây án, phương tiện sử dụng…
Gửi thắc mắc tới Bộ Công an, một người dân phản ánh thời gian qua trên toàn quốc xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng. “Tôi muốn hỏi, Bộ Công an có những giải pháp như thế nào để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm cướp ngân hàng hiện nay?”- người dân hỏi.
Trả lời người dân thông qua Cổng thông tin điện tử (www.mps.gov.vn) ngày 14/2, Bộ Công an thừa nhận, thời gian vừa qua, trên toàn quốc liên tiếp xảy ra các vụ đối tượng sử dụng vũ khí khống chế bảo vệ, nhân viên các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để cướp tài sản. Năm 2018, toàn quốc phát hiện 6 vụ cướp ngân hàng.
Trong đó, điển hình vào hồi 15 giờ ngày 26/1/2018, tại phòng giao dịch Dĩnh Kế thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Agribank chi nhánh Bắc Giang, đối tượng sử dụng súng tự chế, khống chế đe dọa nhân viên ngân hàng và cướp đi số tiền là 1,1 tỷ đồng;
Hồi 10h15’ ngày 5/9/2018, tại phòng giao dịch Ninh Hòa thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Vietcombank chi nhánh Khánh Hòa, hai đối tượng đi xe máy, bịt mặt và sử dụng súng tự chế, khống chế bảo vệ ngân hàng, đe dọa, uy hiếp các nhân viên, khách hàng tại phòng giao dịch và cướp 4,5 tỷ đồng;
16h 23 ngày 13/9/2018, tại chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Viettinbank Tân Hiệp, huyện Châu Giang - Tiền Giang, đối tượng đi xe máy, trùm kín mặt đi vào phòng giao dịch sử dụng súng, khống chế, yêu cầu nhân viên phải bỏ tiền vào túi sau đó lên xe máy tẩu thoát, số tiền bị cướp là 945 triệu đồng.
Mới đây nhất là vụ cướp tiền tại Ngân hàng Việt Á xảy ra vào ngày 7/12/2018 tại quận Bình Thạnh, TPHCM,…
Quá trình điều tra các vụ án trên, Bộ Công an nhận thấy trước khi thực hiện các vụ cướp, các đối tượng thường nghiên cứu, tìm hiểu về quy luật và những sơ hở trong công tác bảo vệ, giao dịch của các trụ sở mục tiêu.
Khi thực hiện thường chỉ có từ 1-2 đối tượng di chuyển bằng xe máy đến hiện trường, lợi dụng thời điểm phòng giao dịch vắng khách, nhân viên bảo vệ mất cảnh giác, thiếu tập trung đã bất ngờ sử dụng vũ khí đe dọa, uy hiếp bảo vệ, các nhân viên ngân hàng rồi cướp số tiền lớn, sau đó nhanh chóng tẩu thoát.
Khi gây án, đối tượng thường đội mũ, đeo khẩu trang, bịt mặt, đi găng tay, thực hiện hành vi phạm tội rồi tẩu thoát khỏi hiện trường rất nhanh, các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng này thường không lắp đặt hệ thống báo động, hoặc có nhưng không kết nối với cơ quan chức năng hoặc hệ thống báo động không có tác dụng, nhân viên không tiếp cận được khi đối tượng đe dọa, khống chế, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt đối tượng.
Hiện trường vụ cướp Ngân hàng Việt Á (VietABank) nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng (phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM) vào tháng 12/2018. Ảnh: Đình Thảo.
Cảnh báo hàng loạt giải pháp
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm xảy ra, Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng, phòng giao dịch, chi nhánh, tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Trong đó chú ý hệ thống camera giám sát cần bố trí công khai và bí mật có khả năng theo dõi, kiểm soát được từ xa bên ngoài và bên trong trụ sở giao dịch, video thu được phải chất lượng tốt, có màu sắc và độ phân giải cao, rõ nét để phục vụ quá trình điều tra, truy xét, nhận dạng đối tượng gây án, phương tiện sử dụng, hướng đến và đi của đối tượng.
Lắp đặt hệ thống báo động và phát tín hiệu khẩn cấp được kết nối với cơ quan Công an sở tại gần nhất và được bố trí tại những nơi nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận, bí mật kích hoạt.
Xây dựng đội ngũ nhân viên bảo vệ đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy, bố trí trong và ngoài cửa đảm bảo nhân viên bảo vệ là người phát hiện ngay lập tức vụ cướp và có phương án đối phó. Đặc biệt, chú ý cảnh giác trong những thời điểm ít khách giao dịch, có lưu lượng tiền lớn. Trang bị công cụ hỗ trợ được pháp luật cho phép sử dụng để nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ và ngăn chặn các vụ cướp.
Ngân hàng Nhà nước cần chức tập huấn cho nhân viên ngân hàng các kỹ năng cần thiết để sớm phát hiện, đối phó với các vụ cướp ngân hàng xảy ra. Nội dung tập huấn bao gồm các kỹ năng xử lý tình huống giả định xảy ra khi đối tượng cướp tài sản cụ thể như: chủ động, bình tĩnh làm theo yêu cầu của đối tượng, đặc biệt là đối tượng có sử dụng vũ khí nóng. Cố gắng ghi nhớ đặc điểm nhận dạng đối tượng để cung cấp cho lực lượng chức năng.
"Khi xảy ra cướp, đề phòng trường hợp khách hàng hoảng sợ, nguy cơ dẫn đến các hành động bộc phát gây nguy hiểm cho những người có mặt tại hiện trường thì nhân viên ngân hàng cần phải kịp thời trấn an, hướng dẫn cho khách hàng nhằm bảo vệ an toàn và quyền lợi của họ”- Bộ Công an đề nghị.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cần thường xuyên cập nhật các thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp ngân hàng để phổ biến cho nhân viên, bảo vệ các ngân hàng, phòng giao dịch, chi nhánh. Yêu cầu khách đến giao dịch phải bỏ che mặt, mũ bảo hiểm, bố trí khu vực ngồi chờ riêng với khu vực giao dịch. Dán thông báo để nâng cao tinh thần cảnh giác cho khách hàng và răn đe các đối tượng.
Đi liền với đó, phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa trong quá trình vận chuyển tiền của ngân hàng như: cẩn trọng trong bố trí thời gian, cung đường di chuyển, phương tiện chuyên dụng, phương án bảo vệ và cách xử lý khi gặp các tình huống bất ngờ khi vận chuyển tiền trên đường hoặc khi chuyển tiền từ phương tiện xuống các địa điểm giao dịch, bốt ATM…
Đối với người dân trước và sau khi thực hiện các hoạt động giao dịch liên quan đến gửi và rút tiền mặt tại các phòng giao dịch của ngân hàng cần nâng cao tinh thần cảnh giác phòng ngừa các đối tượng cướp ngân hàng, chú ý quá trình bảo vệ tài sản và tiền khi lưu thông từ nơi cất giữ đến ngân hàng và ngược lại.
Tích cực hợp tác với các cơ quan Công an trong công tác phòng ngừa, điều tra, đấu tranh với các vụ án do tội phạm cướp ngân hàng gây ra để khẩn trương truy bắt đối tượng, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Thế Kha