Gia Lai

Sau 3 thập kỷ, 5 người trong 1 gia đình được “rửa” oan sai

(Dân trí) - Sau hơn 30 năm đi đòi lại tài sản bị mất hợp pháp, cùng với những tháng ngày ngồi tù oan sai, gia đình bà Oanh đã được công nhận oan sai. Tuy nhiên, tài sản vẫn chưa được lấy lại, khiến con đường đi tìm công lý của bà Oanh vẫn còn bỏ ngõ.

Ngày 12/8, TAND tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại cho người oan sai. Nguyên đơn là bà Phùng Thị Kim Oanh - người đại diện hợp pháp cho người bị oan sai là ông Phùng Văn Cung (SN 1928, đã mất). Bị đơn là TAND tối cao tại Đà Nẵng.

Sự việc xuất phát từ năm 1975, ông Cung có mua 1 căn nhà số 14 Hoàng Văn Thụ (TX Pleiku cũ, nay là TP Pleiku) của bà Nguyễn Thị Lộc (SN 1915). Bỗng dưng, năm 1977, bà Lộc tìm đến đòi lại căn nhà đã bán cho ông Cung, nhưng ông Cung không chấp nhận. Bà Lộc làm đơn khởi kiện.

Vụ việc được xử theo hướng bất lợi cho ông Cung, khiến ông Cung bức xúc, liên tục tìm đến các cơ quan công quyền để kêu oan, đòi quyền lợi.

Ngày 2/6/1983, ông Cung đã bị các cơ quan tố tụng thị xã Pleiku bắt giam về tội chống đối, vu khống cơ quan điều tra.

Năm 1985, TAND tỉnh Gia Lai đưa vụ án ra xét xử và tuyên ông Cung 3 năm tù giam về tội chống đối việc thi hành bản án đã có hiệu lực, chống đối người thi hành công vụ.

Không chấp nhận bản án trên, gia đình ông Cung tiếp tục làm đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng. Ngày 20/10/1985, TAND tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án tòa sơ thẩm.

Dù bị hàm oan, nhưng gia đình bà Oanh vẫn bị mang tiếng xấu, tài sản thì bị mất, khiến bà Oanh không ngừng việc bế con đi khắp nơi kêu oan.

Năm 1987, công lý đã đến với gia đình bà Oanh, khi Ủy ban phúc thẩm TAND tối cao chấp nhận đơn kháng nghị của ông Cung. Ngày 29/8/1987, Ủy ban Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, tuyên ông Cung không có trách nhiệm hình sự về các hành vi phạm tội như đã nêu trong bản bán hình sự số 205 ngày 20/10/1985 của TAND tối cao tại Đà Nẵng.

Sau bản án này, gia đình ông Cung đã đến các cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu giải quyết việc thi hành án bồi thường oan sai, thiệt hại về vật chất, tinh thần của bản án nhưng lại không được giải quyết.

 

1-11-3477d

Gia đình bà Oanh trong buổi xét xử

Quá bức xúc, bà Oanh đã tay bồng, tay dắt 2 đứa con thơ của mình đi khắp nơi đòi quyền lợi cho cha mình. Quá trình này, Công an TX. Pleiku đã bắt tạm giam cả 3 mẹ con về tội gây rối trật tự công cộng. Sau khi giam bà Oanh 5 tháng, cơ quan điều tra đã phải thả bà Oanh vì không chứng minh được hành vi phạm tội của bà Oanh.

Suốt những năm tháng tiếp theo, gia đình bà Oanh liên tục đi khắp nơi kêu oan. Đến năm 2000, ông Cung đã qua đời.

Bà Oanh vẫn tiếp tục đi kêu oan cho cha mình và mẹ con bà.

Ngày 22/8/2014, Viện Kiểm sát nhân dân TP Pleiku đã tiến hành xin lỗi công khai tại nơi cư trú và bồi thường thiệt hại 510 triệu đồng cho bà Oanh vì bị oan sai.

Bà Oanh tiếp tục thay mặt cha mình khởi kiện Tòa tối cao tại Đà Nẵng vì những oan sai của ông Cung, và tiếp tục đi đòi lại tài sản là căn nhà sở hữu hợp pháp.

Ngày 12/8/2015, TAND tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa sơ thẩm, đưa ra xét xử vụ án. Tại đây, đại diện Tòa tối cao tại Đà Nẵng cho rằng cần tách bạch việc tranh chấp căn nhà của bà Oanh và oan sai của ông Cung. Tòa tối cao chỉ chấp nhận bồi thường, xin lỗi gia đình ông Cung về việc chịu tù giam oan sai, còn việc tranh chấp căn nhà 14 Hoàng Văn Thụ thì không liên quan đến vụ án.

Hội đồng xét xử đã chấp nhận ý kiến trên của đại diện Tòa tối cao tại Đà Nẵng. Yêu cầu Tòa tối cao tại Đà Nẵng bồi thường oan sai cho gia đình bị hại 280 triệu đồng, đồng thời tổ chức xin lỗi công khai đối với gia đình ông Cung.

Trước phán quyết trên, gia đình bà Oanh đã không đồng ý. Bà cho rằng, hơn 30 năm qua, gia đình bà đã chịu rất nhiều khổ cực cả về vật chất, tinh thần… để đi kêu oan. Số tiền trên chẳng là gì so với gia đình bà đã trải qua vì bị oan sai, căn nhà bị mất của gia đình bà vẫn chưa lấy lại được.

Thiên Thư