1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Sập bẫy thủ đoạn mạo danh Công an gọi điện yêu cầu nộp tiền để "kiểm tra"

Ngày 18-6, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã thông tin ban đầu về phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.Trong vụ án này, đối tượng là thiết lập tổng đài VoIP giả danh các cơ quan thực thi pháp luật gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vào ngày 17-6, chị L.H.X hiện đang sống tại Hà Nội đến Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao trình báo: Khoảng 7h ngày 14-6, chị X nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng nữ, nói giọng miền Nam tự xưng tên là Trương Ngọc Hà, nhân viên tư vấn chăm sóc khách hàng trung tâm bưu điện Hà Nội, ở 75 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Người này nói rằng chị X có bưu phẩm là thư thông báo của Ngân hàng Saigonbank cho biết chị X đang nợ 36.866.000 đồng. Chị X nói với người này rằng chị chưa bao giờ có tài khoản ở ngân hàng này nhưng nhân viên khẳng định là đúng danh tính của chị.

Sập bẫy thủ đoạn mạo danh Công an gọi điện yêu cầu nộp tiền để kiểm tra - 1

Hình ảnh về ứng dụng mà đối tượng bắt cài đặt.

Lúc này, nhân viên bưu điện cho biết đã nhận được cảnh báo của Công an về việc hiện nay có một số đối tượng xấu lấy cắp thông tin cá nhân và giả danh/mạo danh đăng ký tài khoản ngân hàng để làm chuyện xấu. Người này cũng ngỏ ý giúp chị X kết nối luôn đến đường dây nóng của Công an TP Hồ Chí Minh, chị liền đồng ý.

Sau khi kết nối, chị được một người nam nói giọng miền Nam tự xưng là Đại tá Phạm Thành Lợi, thuộc Phòng cảnh sát điều tra tài chính và trật tự an toàn xã hội Công an TP Hồ Chí Minh. Qua trao đổi, người này yêu cầu chị X ngay trong ngày phải có mặt tại TP Hồ Chí Minh khai báo. Chị X nói rằng chị ở xa và bận việc, không thể có mặt được thì người này cho biết sẽ cho phép báo án bằng cách ghi âm lời khai nhưng đề nghị phải đảm bảo không có người khác biết và giữ tuyệt đối bí mật. 

Theo yêu cầu của đối tượng, chị bắt đầu trình bày lại sự việc và đề nghị Công an TP Hồ Chí Minh hỗ trợ giúp đỡ. Qua trao đổi, “Đại tá Lợi” cho biết tên chị X bị giả mạo ở ngân hàng Vietbank (Việt Nam Thương tín) và một số ngân hàng khác liên quan đến một vụ phạm pháp, rửa tiền rất lớn, số tiền giao dịch phạm pháp khoảng 20 tỷ đồng và có thể bị bắt, truy tố. 

“Đại tá Lợi” yêu cầu chị bảo mật tuyệt đối, không tiết lộ cho những người xung quanh, vì có thể những người xung quanh có thể là nghi phạm. Sau đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị X hợp tác làm rõ, đối tượng đe dọa chị có thể bị bắt theo lệnh. Sau đó, đối tượng này tiếp tục hỏi chị X về các số tài khoản Ngân hàng mà chị sử dụng, yêu cầu chị chuyển hết tiền vào tài khoản mà có dùng internet banking.

Tiếp đó, đối tượng yêu cầu chị X mua một máy điện thoại cài hệ điều hành Android để Hội đồng thanh tra sẽ thông qua máy tính, sim cấp hệ thống bảo vệ (phần mềm điện thoại) của Bộ Công an cho chị X. Tin vào những lời nói của đối tượng, chị X làm theo hướng dẫn. Sau khi cài đặt xong phần mềm chị thấy trên màn hình hiển thị giao diện có chữ “Bộ Công an”. 

Theo hướng dẫn của đối tượng, chị tiếp tục điền các thông tin gồm tên, số CMND, tên đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu… vào “phần mềm của Bộ Công an”. Ngay sau đó, đối tượng yêu cầu chị gửi thêm tiền vào tài khoản để chứng minh nguồn tiền hợp pháp. Chị X tiếp tục làm theo và đã nhờ người thân chuyển vào tài khoản thêm 30 triệu đồng vào tài khoản. Sau đó, đối tượng liên tục thúc hối và yêu cầu chị chuyển thêm tiền. 

Nhận thấy có dấu hiệu bất thường chị X đã ra máy ATM kiểm tra thì nhận thấy số tiền hơn 100 triệu đồng đã không còn nữa, chỉ còn 30 triệu đồng là tiền của người nhà chuyển vào. Sau khi thông báo với ngân hàng để đóng tài khoản, chị X đã đến cơ quan Công an trình báo.

Lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết:  Trong vụ án tương tự, thủ khá tinh vi. Điều này được thể hiện rõ trong những câu hỏi mà chị X đã trao đổi khi có mặt tại Cơ quan Công an. Đó là vì sao, chị không nhận được tin nhắn xác thực OTP của ngân hàng gửi về mà tài khoản vẫn bị trừ tiền. Trong khi đó, khi kiểm tra phần mềm “Bộ Công an” được cài đặt trên máy điện thoại của mình, chị vẫn thấy phần mềm đã được cấp đủ các quyền như: truy cập danh bạ, cuộc gọi, tin nhắn, ảnh… Câu trả lời này chính là phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của đối tượng mà người dân cần cảnh giác. 

Trên thực tế, sau khi các nạn nhân cài đặt phàn mềm theo chỉ đạo của các đối tượng lừa đảo, hệ thống nhận tin nhắn mặc định máy điện thoại của nạn nhân đã được thay thế bằng phần mềm “Bộ Công an”. Do đó, các tin nhắn đến số điện thoại của chị X sẽ không được hiển thị trên máy điện thoại mà được các đối tượng thu thập qua máy chủ của phần mềm. Qua đó, các đối tượng tự do dùng tài khoản đăng nhập vào Internet Banking của ngân hàng chị X và chuyển tiền đi.

Qua đây, Cơ quan Công an cảnh báo: Khi nhận được các thông tin thông báo của những cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc nợ cước, trúng thưởng, khuyến mãi…, người dân cần tiến hành kiểm tra lại thật kỹ thông tin tại website chính thức của đơn vị thông báo; không được vội vàng thực hiện các yêu cầu của đối tượng; không cài đặt các ứng dụng không đáng tin cậy vào máy của mình. Các cơ quan Nhà nước không tiến hành làm việc, thu giữ qua điện thoại, việc tạm giữ tài sản, đồ vật luôn được lập biên bản theo quy định; và thường xuyên cập nhật thông tin, trau dồi tri thức của mình để phòng tránh.

Theo Xuân Mai

Công an nhân dân