1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Sản xuất ma túy nở rộ "nhờ" kẽ hở từ... quản lý dược

(Dân trí)- Công tác quản lý tiền chất dùng trong y khoa lỏng lẻo đã tạo kẽ hở cho các lò sản xuất ma túy tổng hợp (còn gọi là “đá”) trong nước phát triển. Ma túy từ nước ngoài cũng đang được tuồn vào nước ta với hàng nghìn thủ đoạn tinh vi.

Thượng tá Tạ Đức Ninh, trưởng phòng 4-C56, Bộ Công an cảnh báo: Thời gian tới, do tác động của tình hình ma túy khu vực và thế giới, tệ nạn ma túy ở Việt Nam sẽ còn diễn biến phức tạp. Tội phạm ma túy liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động và mang tính quốc tế cao hơn. Số người sử dụng các loại ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện và các loại ma túy mới có xu hướng gia tăng, tập trung nhiều vào đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ở khu vực đô thị.

Đáng lo ngại là sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp (còn gọi là “đá”) thời gian gần đây. Không dừng lại ở các tỉnh phía Bắc, các lò sản xuất “đá” đã xuất hiện ở nhiều khu vực phía Nam. Kéo theo đó là thị trường tiêu thụ “đá” ngày càng lớn và khó kiểm soát. Tại TP. HCM trong số trên 9.000 người nghiện đang có hồ sơ quản lý, nghiện “đá” chiếm tới 7% và ngày một tăng, trong đó, có địa phương tỷ lệ này là 20%.

Trong khi đó, báo cáo của Công an TPHCM cho thấy, công tác quản lý tiền chất dùng trong y khoa, nhất là trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc và quản lý xuất nhập khẩu tiền chất bộc lộ sự lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, tạo cơ hội tội phạm lợi dụng tổ chức sản xuất “đá”.
 
Cụ thể, riêng trong năm 2011, các doanh nghiệp dược tại TP đã sử dụng hơn 7 tấn thuốc có tiền chất ma túy. Trong khi đó, hoạt động quản lý tiền chất trong thời gian qua mới tập trung vào khâu xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, còn việc kiểm soát các hoạt động mua bán, sử dụng tiền chất trong nước lại lỏng lẻo, việc mua bán lòng vòng từ công ty này sang công ty khác cũng như điểm đến cuối cùng của tiền chất thì chưa kiểm soát được.
 
Trong đó, xu hướng chiết xuất tiền chất Pseudoephedrin (PSE) - vốn là một loại tiền chất dùng làm thuốc cảm cúm khá phổ biến – dùng để điều chế “đá”.

Một cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp bị triệt phá
Một cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp bị triệt phá

Cùng đó, một số doanh nghiệp kinh doanh thuốc ở Việt Nam cũng có thể là đối tượng mà bọn tội phạm lợi dụng, như vụ một công ty dược phẩm đề nghị cấp phép số lượng lớn thuốc Fudflu có chứa hơn 5.000kg PSE xuất ra nước ngoài. Sau đó, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã dừng cấp phép lô hàng này do chính phủ nước đó đã cấm nhập nhẩu PSE từ lâu.

Mới đây, lực lương chức năng đã phát hiện một số công ty được lập ra hoạt động trong thời gian ngắn để mua bán tân dược có chứa tiền chất ma túy, sau đó thì… biến mất. Thậm chí, các đối tượng thu gom thuốc tân dược chứa PSE xay thành bột để vận chuyển ra nước ngoài dưới vỏ bọc là bột mì, cà phê, phấn thơm trẻ em, như vụ cảnh sát Australia từng phát hiện bắt giữ 174kg PSE được vận chuyển cùng mì tôm, cà phê trong container từ Việt Nam xuất sang.

Để dễ bề sản xuất “đá”, các đối tượng thường thuê những ngôi nhà ở khu vực vắng vẻ, cô lập, ít người để ý. Như tại TPHCM, có khi cháy nhà như vụ ở quận 6, Bình Thạnh mới phát hiện ra việc sản xuất ma túy, do quá trình điều chế dùng các hóa chất như cồn, thuốc tẩy móng tay, phosphoric rất dễ gây cháy nổ…

Không chỉ tình hình tội phạm sản xuất ma túy tổng hợp trong nước diễn biến phức  tạp, ma túy từ nguồn nước ngoài vẫn tiếp tục tìm đường thẩm lậu vào Việt Nam bằng nhiều phương thức khác nhau, từ phương tiện thô sơ (vác) đến hiện đại (vận chuyển bằng đường hàng không, chuyển phát nhanh)…
 
Để trốn tránh cơ quan chức năng, tội phạm ma túy (TPMT) không từ thủ đoạn nào. Ma túy được giấu trong bình xăng, trong lốp xe, trong bao hàng, qua chuyển phát nhanh, thậm chí thuê các đối tượng nuốt vào bụng. Còn trên tuyến biên giới, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc, TPMT thuê người dân vận chuyển ma túy về Việt Nam.
 
Cả người già và trẻ em, thậm chí phụ nữ đang mang thai cũng tham gia vận chuyển ma túy dưới mọi hình thức như đi chợ, làm rẫy… Ma túy được giấu dưới dép, trong thức ăn, hoa quả - phương thức này tuy đơn giản nhưng rất khó phát hiện. Song đây chỉ là lượng rất nhỏ ma túy được thẩm lậu về Việt Nam, còn phần lớn ma túy được vận chuyển qua cửa khẩu bằng cách giấu trong những chuyến hàng, container…

Còn trên tuyến hàng không, nổi lên là đối tượng gốc Phi vận chuyển ma túy từ khu vực Tây Á dưới hình thức khách du lịch. Ngoài ra, TPMT còn lợi dụng những sinh viên du học, người giúp việc nước ngoài, thậm chí có sự tham gia của những giáo sư, cán bộ đi công tác ở nước ngoài.

Đặc biệt,  khi bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ, bao vây nhiều đối tượng vận chuyển ma túy đã hung hãn chống trả quyết liệt bằng vũ khí, đã không ít cán bộ chiến sỹ công an đã hy sinh hoặc mang thương tích nặng nề trong quá trình phá án… 
 
Thanh Trầm