1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Quy định chưa rõ, luật sư e ngại

Theo Điều 38 Thông tư 28/2014 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 25-8), một trong các trường hợp luật sư bị điều tra viên đề xuất rút giấy chứng nhận bào chữa… là “khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ”. Nhiều ý kiến lo ngại quy định này sẽ bị lạm dụng để làm khó luật sư.

Theo Điều 38 Thông tư 28/2014 của Bộ Công an, khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác thì điều tra viên (ĐTV) tiến hành lập biên bản sự việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ. Tùy theo mức độ vi phạm của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý, ĐTV báo cáo thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra (CQĐT) ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đề xuất biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Còn chung chung

Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), quy định trên vì có điểm còn chung chung, chưa rõ nên đang thực sự làm giới luật sư phải e ngại. Cụ thể, phải hiểu thế nào là luật sư “khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ”? Phải hiểu thế nào là luật sư “có hành vi trái pháp luật khác”? Ai sẽ giám sát các kết luận này của ĐTV, CQĐT để đảm bảo sự khách quan?
 
Quy định chưa rõ, luật sư e ngại
Tại phiên tòa xử vụ năm công an ở Phú Yên đánh chết người, luật sư Võ An Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa. Liệu kiến nghị này có bị coi là kiến nghị không có căn cứ? Ảnh: Tấn Lộc

Luật sư Hà phân tích: Thực tiễn trong quá trình tham gia tố tụng hình sự ở giai đoạn điều tra này, các luật sư thường xuyên sử dụng hình thức kiến nghị đối với CQĐT. Một số nơi chấp nhận kiến nghị, có sự thay đổi về việc áp dụng pháp luật, trình tự, thủ tục tố tụng, biện pháp thực hiện… nhưng đa số các CQĐT thường “bỏ ngoài tai”. Và khi đó, lý do CQĐT đưa ra để bác bỏ kiến nghị vẫn luôn là “kiến nghị không có căn cứ”. Tương tự, gặp trường hợp cho rằng CQĐT xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của mình hay của thân chủ, các luật sư sẽ khiếu nại và rất nhiều khiếu nại của họ bị bác với lý do “không có căn cứ”. Do đó, việc Thông tư 28 quy định ĐTV có quyền xác định khiếu nại, kiến nghị của luật sư có căn cứ hay không, từ đó kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận bào chữa… là chưa đảm bảo tính khách quan.

“Không lý nào kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của luật sư lại trở thành căn cứ để thu hồi giấy chứng nhận bào chữa... Khiếu nại, kiến nghị của luật sư có thể được CQĐT chấp nhận hoặc bác bỏ nhưng việc dựa vào đó để xử lý luật sư là rất vô lý bởi theo BLTTHS đây là quyền tố tụng của luật sư. Quy định như thế này thì luật sư nào còn dám khiếu nại, kiến nghị gì nữa!” - luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM) bức xúc.

E ngại có lạm dụng 

“Hiện nay giới luật sư tham gia vụ án hình sự từ giai đoạn điều tra vẫn đang còn gặp nhiều trở ngại từ phía ĐTV và CQĐT, nay Bộ Công an lại đặt ra thêm một trường hợp này là chưa ổn. Quy định chung chung như vậy có thể sẽ bị vận dụng tùy tiện và luật sư đã khó lại càng gặp khó hơn” - luật sư Lê Quang Y (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận xét.

Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định) cũng đồng tình: “Thực tế với vai trò phản biện và gỡ tội, luật sư là bên đối trọng với cơ quan điều tra nên không thể tránh khỏi chuyện có xung đột pháp lý, khiếu nại, kiến nghị. Quy định này không hợp lý, gây bất lợi cho luật sư, cần phải được xem xét lại”.
 

Liên đoàn Luật sư sẽ có kiến nghị

Một số quy định trong Thông tư 28/2014 liên quan trực tiếp đến hoạt động hành nghề của luật sư nhưng Liên đoàn Luật sư Việt Nam không được Bộ Công an tham khảo ý kiến.

Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư đã nhận được rất nhiều ý kiến của luật sư cả nước và đã nhanh chóng báo cáo ngay cho chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trên cơ sở đề xuất của ủy ban, chủ tịch Liên đoàn Luật sư đã phản ánh với Chủ tịch nước trong buổi làm việc ngày 1-8 vừa qua.

Mặt khác, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư cũng đang gấp rút dự thảo văn bản trình chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký để gửi cho Bộ Công an, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) về vấn đề này trong thời gian tới.

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI, Chủ nhiệm 
Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư - Liên đoàn Luật sư Việt Nam

 
 

Theo Hồng Tú

Pháp luật TP HCM