1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Quy định bất cập nên thi hành án kéo dài

(Dân trí) - Trong khối ASEAN, Việt Nam xếp hạng 6/10 về thời gian thi hành án và 8/10 trong hiệu quả phá sản doanh nghiệp. Theo các đơn vị thi hành án, sở dĩ thời gian thi hành án kéo dài là vì còn quá nhiều quy định bất cập, nhiều thủ tục phải làm nhưng chẳng để làm gì…

Ngày 24/7, Tổng cục thi hành án dân sự (THADS) - Bộ Tư pháp, đã tổ chức hội thảo nâng cao hiệu quả thi hành án để cải thiện môi trường kinh doanh tại TPHCM.

Tại hội thảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực cho biết năm 2016, THADS đã giải phóng trên 29.000 tỉ đồng, 9 tháng đầu năm 2017 đã giải quyết trên 30.000 tỉ đồng cho nền kinh tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, toàn quốc đã thi hành xong gần 20.000 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2017 đã thi hành trên 10.000 tỉ đồng.

“Tuy nhiên, thi hành án vẫn còn bộc lộ tồn tại, 9 tháng đầu năm 2017 số việc và tiền chưa thi hành xong chuyển kỳ sau còn nhiều, còn trên 210.000 việc, tương ứng với 83.000 tỉ đồng, tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Sự kéo dài, trì hoãn trong thực thi công lý dẫn đến thứ hạng còn thấp trong xếp hạng tín nhiệm của các nền kinh tế thế giới”, ông Lực cho biết.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực (áo trắng) chủ trì buổi hội thảo.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực (áo trắng) chủ trì buổi hội thảo.

Ông Lực cho biết, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, thời gian thực thi phán quyết của toà án năm 2016 là 150 ngày và thời gian phá sản kéo dài đến 5 năm. Thứ hạng của Việt Nam trong khối ASEAN còn khiếm tốn, xếp hạng 6/10 về thời gian thi hành án và 8/10 trong hiệu quả phá sản doanh nghiệp. Điều đáng lưu ý là từ năm 2010 đến nay, thời gian thi hành án (150 ngày) không có bất cứ thay đổi và cải thiện đáng kể.

Theo ông Lực, nghị quyết 19/2017 đưa ra mục tiêu cụ thể về nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng (trong đó có hoạt động THADS) từ 400 ngày xuống 300 ngày trong năm 2017 và dưới 200 ngày đến năm 2020.

“Một doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam tìm hiểu để đầu tư, làm ăn thường hỏi các công ty tư vấn luật địa phương về hiệu lực, hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu tài sản; trường hợp xảy ra tranh chấp, họ phải mất bao lâu thời gian và chi phí để có thể thu hồi thành công được tài sản, đồng vốn của họ. Vì vậy, THADS phải thực hiện được công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong phá sản. Từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích phong trào khởi nghiệp”, ông Lực nêu tại hội nghị.

Cũng tại buổi hội thảo này, ông Hồ Quân Chính (Phó phòng nghiệp vụ 1 Cục THADS TPHCM) trình bày hiện nay quy định về trình tự, thủ tục trong lĩnh vực thi hành án dân sự có thể nói đang bị hành chính hóa, làm giảm đáng kể đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

Ông cho biết: “Trình tự, thủ tục quá rườm rà, khó áp dụng một cách đầy đủ, chính xác. Trong khi tổ chức thi hành án, chấp hành viên phải ban hành quá nhiều loại quyết định, thông báo về thi hành án, trong đó có những trình tự, thủ tục không cần thiết. Những quy định này làm cho các chấp hành viên mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện, nhưng không có giá trị thực tế ảnh hưởng rất nhiều đến công tác xác minh tài sản và việc kê biên, xử lý tài sản thi hành án”.

Về vấn đề kê biên tài sản, ông Chính cũng nhận xét việc kê biên xử lý thi hành án dân sự hiện nay nhiều trường hợp bị kéo dài một cách “khách quan” mà nguyên nhân là do quy định của pháp luật còn bất cập.

Xuân Duy