1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Phát tán Clip “nóng“: Công hay tội?

Quay clip, phát tán lên mạng internet đang trở thành một phong trào thịnh hành trong một bộ phận người dân. Tuy nhiên, quanh hành vi phát tán clip vẫn còn nhiều tranh cãi về tội hay không tội...

Trào lưu clip phản cảm!
Trào lưu clip phản cảm!

Mới đây, hàng loạt hành vi phát tán clip sex, clip có nội dung đồi truỵ, phản cảm diễn ra khá phổ biến, không ít trường hợp có cả những nhân vật trong các clip tự quay và phát tán. Với từ khoá "clip phản cảm", có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt các đoạn phim được tung lên mạng trong vòng vài năm trở lại đây: Clip nữ sinh đánh nhau, đánh ghen, quay trộm nữ sinh thay đồ, thản nhiên vi phạm luật giao thông, ăn chơi thác loạn, clip sex của học sinh, sinh viên...

Đang nóng nhất hiện nay và được phát tán rộng trên mạng là đoạn clip sex của đôi học sinh lớp 10 ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Clip dài hơn 8 phút, được quay tại một phòng trọ cảnh hai học sinh tuổi "ô mai", với những đoạn từ gạ gẫm cho đến "hành động".

Một "web đen" đã phát tán "cảnh nóng" này với chú thích, đây là clip của học sinh trường THPT Bình Giang và được gửi đến bằng nick yahoo: pham..._0k@yahoo.com. Sau khi gia đình học sinh nữ trong clip làm đơn tố cáo đến cơ quan công an, cơ quan này xác định bạn trai của cô bé sao qua điện thoại cho một bạn học, và chính cậu bạn này đã tung lên mạng nhằm gây sốc. Hiện cô bé, cậu bé này đã bỏ trốn.

Còn nữa, clip trò chơi "bú sữa bình" của một nhóm thanh niên mặc áo xanh tình nguyện, với những trò chơi hết sức "hồn nhiên" đã tạo ra hai luồng dư luận: Một cho rằng đó là trò chơi vui, sáng tạo, khơi dậy tinh thần tập thể; phía ngược lại thì bảo phảm cảm, làm xấu màu áo xanh tình nguyện...

Liên quan đến vấn đề này, cả cơ quan công an lẫn cộng đồng mạng đã không ít lần "truy tìm" thủ phạm tung lên mạng những clip sex bị quay lén hoặc có chủ ý có dàn dựng để tung ra clip thể hiện hành vi vi phạm giao thông như: Lái xe bằng chân, xe máy chở ba tạt nước vào người đi xe đạp, hay nữ sinh đánh ghen cắt xé quần áo nhau...

Có sẵn trong tay một thiết bị camera tiện lợi (điện thoại di động), nhiều người có thói quen ghi hình những "khoảnh khắc đang nhớ" của mình hoặc tình cờ bắt gặp. Và rồi chính tay họ, hoặc truyền tay cho người khác, lan truyền trên mạng, để đến khi bị "sờ gáy" bởi những hành vi sai phạm đã được luật định, hối hận thì đã muộn...

Công hay tội?

Với các trường hợp nêu trên, tội danh hầu hết đã được xác định và kẻ gây ra hành vi cũng bị trả giá đích đáng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, việc phát tán clip nên xử phạt hay không, mức độ thế nào, thậm chí có nên coi là công phát hiện tiêu cực, phát hiện hành vi sai trái hay là tội vì gây tác động xấu đến dư luận xã hội... vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược. Một ví dụ gần đây nhất là trường hợp phát tán clip "phao tài liệu tốt nghiệp" ở Bắc Giang.

Trong khi phần đông dư luận xã hội cho đó là việc làm cần thiết, cần có để vạch ra những sai trái trong thi cử, nhằm lên án, giúp xã hội tốt đẹp hơn thì một bộ phận khác lại tỏ ý không đồng tình, có cả những nhà quản lý, cho rằng hành vi trên là không đúng, đã phát tán clip tiêu cực gây dư luận xấu trong xã hội.

Một trường hợp khác nữa là vào năm 2011, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP. Hà Nội thẩm vấn Hoàng Văn Kh. (22 tuổi, ở Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội) về hành vi phát tán clip việc cô gái bị một nhóm bốn nữ sinh đánh ghen tàn nhẫn, lột trần giữa đường. Khi một người bạn học chung cấp 3 (là một trong những nhân vật đánh người trong clip) đem điện thoại đến tiệm nhờ chép clip trên ra máy tính, Kh. đã nhờ một người bạn khác tung lên mạng.

Đứng trước nguy cơ bị liên quan đến pháp luật, Kh. đã giải thích, anh ta làm việc này là vì bức xúc trước hành vi dã man của các nữ sinh trên, nhưng vì là bạn bè nên không phản ứng gì được ngoài việc tung lên mạng để kêu gọi sự đồng cảm của cộng đồng, chứ không hề có ý muốn bêu xấu người bị đánh trong clip. Khi cơ quan chức năng đang xem xét về tội danh của Kh, thì không ít ý kiến lại cho rằng: Không nên xử phạt Kh, khi xét về động cơ của hành vi. Bởi nếu Kh. im lặng sẽ không ai biết mà lên án và cơ quan chức năng cũng không thể xử lý các hành vi hành hung, làm nhục người khác như trên.

Ngoài ra, vài trường hợp tương tự cũng từng được dư luận đem ra bàn cãi nên hay không nên, phạt hay không phạt, đó là những trường hợp phát tán clip về tai nạn giao thông, bạo hành trẻ em, đối xử tàn tệ với cha mẹ... Ngoài khía cạnh luật pháp là chủ nhân clip có hay không có việc "thấy người gặp nạn mà không cứu", còn nhiều vấn đề về đạo đức được đặt ra... Có thể nói, những tranh cãi về tội hay không tội, xử thế nào cho hợp tình hợp lý quanh câu chuyện phát tán clip tiêu cực vẫn còn đó, phải chăng, đây cũng là một vấn đề chưa được làm sáng tỏ?

Theo Ngọc Mai

Pháp luật Việt Nam