Phạt nặng hành vi xả rác, chất thải vào nguồn nước sinh hoạt

(Dân trí) - Hành vi xả rác, chất thải sinh hoạt, chất thải của người và gia súc vào nguồn nước sinh hoạt, thay vì chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 - 200 nghìn đồng sẽ nâng lên cao nhất 1 triệu đồng.

 Đó là một trong những điểm mới của Nghị định 69/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS, vừa được ban hành.

Theo nghị định mới các mức phạt sẽ nặng hơn so với các quy định tại Nghị định cũ; mức phạt tối đa cũng được nâng từ 15 triệu lên 40 triệu đồng. Cụ thể, đối với hành vi xả rác, chất thải sinh hoạt, chất thải của người và gia súc vào nguồn nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt, thay vì chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 - 200 nghìn đồng thì theo Nghị định mới sẽ căn cứ vào khối lượng nước thải mà mức phạt từ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 nghìn - 1 triệu đồng.

Phạt nặng hành vi xả rác, chất thải vào nguồn nước sinh hoạt    - 1

Tăng mức xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. (Ảnh: Công Quang)

Đối với hành vi không thực hiện khám sức khỏe trước khi tuyển dụng lao động thì bị phạt từ 500 nghìn đồng - 15 triệu đồng, mức phạt này cao hơn nhiều lần so với quy định cũ (từ 500 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng). Vi phạm quy định về bàn ghế nơi dạy học có kích thước không phù hợp với tầm vóc học sinh; không đủ ánh sáng thiên nhiên hoặc nhân tạo trong lớp học; không bảo đảm tiêu chuẩn diện tích tính theo một học sinh, nếu như theo quy định cũ chỉ bị phạt từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng thì theo Nghị định mới sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Hành vi che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng. Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ bị phạt từ 2-5 triệu đồng...

Đặc biệt, Nghị định mới cũng bổ sung quy định phạt các hành vi vi phạm các quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm và trong phòng, chống HIV/AIDS với mức phạt tối đa tới 25 triệu đồng.

Như đối với hành vi không tổ chức định kỳ 2 năm/lần việc phổ biến, tuyên truyền trong cơ sở sử dụng lao động về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; về kiến thức, biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 25 triệu đồng (tùy vào số lượng lao động trong cơ sở đó). Hay như hành vi đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV; công khai tên, địa chỉ, hình ảnh người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó... sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.

Thẩm quyền xử phạt được trao cho Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra y tế và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2011. 

P. T