1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Phạm tội, trốn đâu cho khỏi lưới trời

(Dân trí) - Trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Dương Chí Dũng là bị cáo làm tốn giấy mực của các nhà báo nhiều nhất.

Cùng nhìn lại một số mốc sự kiện đưa Dương Chí Dũng đến vành móng ngựa:
Tháng 2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) quyết định khởi tố bắt tạm giam 4 bị can có liên quan đến hành vi tham ô tài sản, trong đó có Trần Hải Sơn - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines. Trong quá trình điều tra, Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng tiếp tục phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm tại Vinalines như Dương Chí Dũng tự ý phê duyệt dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng; mua sắm ụ nổi 83M trái quy định.

Sáng 25/4/2012: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 17, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, đặc biệt là xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn để tồn đọng, kéo dài.

Ngày 17/5/2012: Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) có báo cáo về kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Vinalines và kiến nghị cho khởi tố, bắt tạm giam đối với 3 cá nhân của Vinalines, trong đó có Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp gồm lãnh đạo Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, và chỉ đạo bằng văn bản ngay trong ngày 17/5 yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương khởi tố, bắt tạm giam ngay những đối tượng trên theo đúng quy định của pháp luật.

Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT ra lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Dương Chí Dũng-nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, Vụ phó Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT; Trần Hữu Chiều, Phó Tổng Giám đốc Vinalines kiêm Trưởng Ban quản lý dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam. Riêng Dương Chí Dũng không có mặt tại nhà và nơi làm việc, có dấu hiệu bỏ trốn.

Ngày 18/5/2012: Cơ quan CSĐT phát lệnh truy nã đặc biệt trong toàn quốc, công khai quyết định truy nã trên các phương tiện thông tin đại chúng để phát hiện, bắt giữ bị can.

Ngày 14/6/2012: Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vụ án Vinalines, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang cho hay: Sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, Viện KSND Tối cao phê chuẩn, ngay trong buổi chiều 17/5, Cơ quan CSĐT triển khai các tổ công tác thi hành lệnh bắt khám xét đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều.

“Khi bị can Dũng bỏ trốn, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT làm rõ nguyên nhân Dương Chí Dũng bỏ trốn, xem có lộ lọt thông tin hay không. Nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật, đồng thời chỉ đạo Cơ quan CSĐT kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc về các biện pháp công tác nghiệp vụ”.

Ngày 21/6/2012: Sau hơn 1 tháng truy nã quyết liệt mà chưa bắt được Dương Chí Dũng, nên Cơ quan CSĐT đề nghị truy nã quốc tế Dương Chí Dũng và được Ban Tổng Thư ký tổ chức Interpol đồng ý.

Ngày 22/8/2012: Tại phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công an báo cáo vụ việc, Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Cần sớm giải quyết dứt điểm bảy vụ án mà Ban Chỉ đạo đang theo dõi, trong đó có vụ án Vinalines. Phải đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy nã, bắt bằng được bị can Dương Chí Dũng”.

Ngày 4/9/2012: Cơ quan CSĐT bắt được Dương Chí Dũng đang lẩn trốn tại Campuchia sau gần 4 tháng truy nã.

Ngày 5/9/2012: Trả lời câu hỏi phóng viên tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2012, ông Vũ Đức Đam, Người phát ngôn Chính phủ cho biết:

“Việc thanh tra Vinalines, tiến hành điều tra, khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đặc biệt đối với Dương Chí Dũng đều được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo rất sát sao vụ việc này ngay từ đầu, theo đúng tinh thần tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có bất kỳ ngoại lệ nào.

Tuy nhiên, khi quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đặc biệt được ban hành, việc thực hiện kế hoạch của Bộ Công an chưa chặt nên Dương Chí Dũng đã bỏ trốn. Cơ quan công an đã kêu gọi đầu thú và sau đó có lệnh truy nã trong nước, quốc tế… Ai bao che, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, tốt nhất nên tự thú để hưởng khoan hồng”.

Ngày 7/12/2012: Phó Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an thành phố Hải Phòng Vũ Tiến Sơn bị bắt vì đã tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Cùng tội này, Đồng Xuân Phong, nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng, cũng bị truy nã.

Ngày 22/2/2013: Bộ Công an bắt Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công an Hải Phòng vì Dương Tự Trọng nằm trong đường dây tổ chức cho anh trai là Dương Chí Dũng bỏ trốn. Dương Tự Trọng là người thứ 8 bị bắt giam trong đường dây tổ chức trên.

Ngày 14/10/2013: Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) hoàn tất Kết luận điều tra vụ án Dương Chí Dũng cùng 9 bị can khác của vụ án xảy ra tại Vinalines. Theo đó, các bị can phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 – Bộ Luật Hình sự) và tội “Tham ô tài sản” (Điều 278 – Bộ Luật Hình sự). Cơ quan CSĐT đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố theo quy định của pháp luật.

Ngày 12/12/2013: Bắt đầu xét xử sơ thẩm Dương Chí Dũng cùng 9 đồng phạm: Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng.

Viện KSND Tối cao truy tố các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 – Bộ Luật Hình sự. Riêng 4 bị cáo: Dũng, Phúc, Sơn, Chiều còn bị truy tố thêm tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, khoản 4 – Bộ Luật Hình sự.

Từ ngày 12-16/12/2013: Xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản tại Vinalines. Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa công bố bản cáo trạng, theo đó bị cáo Dương Chí Dũng và bị cáo Mai Văn Phúc bị đề nghị tăng nặng hình phạt vì đều không ăn năn hối cải, khai báo quanh co, chối tội trong quá trình điều tra. 8 bị cáo còn lại được Viện KSND Tối cao đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt do trong quá trình điều tra, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả.

Chiều 16/12/2013: Tòa tuyên án đối với bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm. Theo đó, HĐXX sơ thẩm đưa ra phán quyết cuối cùng, tuyên phạt cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines mức án tử hình về tội tham ô tài sản. Cùng chung mức hình phạt cao nhất với Dương Chí Dũng còn có Mai Văn Phúc. Các bị cáo còn lại chịu mức hình phạt từ 4 đến 22 năm tù tùy theo mức độ hành vi phạm tội của mình. Ngoài ra, Tòa cũng tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường khoản thiệt hại 367 tỷ đồng.

Ngày 7/1/2014: Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần này gồm: Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an); Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng); Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng CSĐT các tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng); Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Hải quan TP. Hải Phòng, đang bỏ trốn, bị truy nã); Trần Văn Dũng (tên thường gọi là Dũng “Bắc Kạn”, từng bị TAND tỉnh Bắc Thái trước đây, kết án về tội buôn lậu và tàng trữ trái phép chất ma túy); Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng) và Phạm Minh Tuấn (nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng Hải Phòng, bạn thân của Dương Tự Trọng).

Cũng trong phiên xét xử này, Dương Chí Dũng với tư cách nhân chứng đã khai được một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Bộ Công an báo tin Dương Chí Dũng sẽ bị bắt.

Trung tướng Hoàng Kông Tư, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan chức năng tiếp tục khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ lời khai của Dương Chí Dũng để xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không để oan, sai.

Thế mới biết, lưới trời lồng lộng, luật pháp nghiêm minh nên Dương Chí Dũng muốn cao chạy xa bay vẫn không tránh khỏi phải cúi đầu trước vành móng ngựa chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Kết cục của những Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Dương Chí Dũng… trong các vụ án kinh tế gây xôn xao dư luận thời gian qua chính là bài học đắt giá cảnh tỉnh những ai muốn làm giàu bằng bất cứ giá nào.

Văn Dân