Nước mắt tử tù

Những cám dỗ của rượu chè, cờ bạc đã biến Thắng từ một thầy giáo trở thành kẻ giết người máu lạnh. Không chỉ đẩy mình lên “chuyến đò về âm phủ”, Thắng còn khiến phần đời còn lại của mẹ già trôi đi trong cô tủi.

Thầy giáo trượt dài từ thú vui lầm lạc

Nhìn vào vết trượt của Thằng, nhiều người không khỏi thầm tiếc cho một thanh niên đang có tiền đồ xán lạn. Trước khi gây án, Thắng đang công tác tại một trường trung cấp nghề ở thị xã Vĩnh Yên. Chỉ vì không thắng được sức hút ma mị của đồng tiền, chỉ vì những thú vui lầm lạc mà hắn đã tước đi mạng sống của một người vô tội. Không những thế, hắn còn tự tước đi quyền được sống của chính bản thân mình.

Tử tù Nguyễn Hữu Thắng
Tử tù Nguyễn Hữu Thắng

Đã gần 4 năm trôi qua kể từ ngày gây ra cái chết cho chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (sinh năm 1985, ở Hồng Phong, Ninh Giang, Hải Dương), nhưng giờ mỗi khi nhớ lại, ngay bản thân Nguyễn Hữu Thắng (sinh năm 1986, ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cũng không khỏi rùng mình hoảng sợ. Hắn bảo, từ bấy đến nay, hắn luôn bị ám ảnh bởi những giấc mơ chập chờn mộng mị chứa đầy tiếng kêu khóc, van vỉ của nạn nhân.

Cũng giống như hàng trăm phạm nhân mang án tử hình nằm biệt giam chờ ngày trả án, Thắng ngày ngủ đêm thức. Phần vì lo sợ không biết khi nào mình phải bước chân lên “chuyến đò về âm phủ”, phần vì hắn nghĩ đến người mẹ già còm cõi ở quê nhà.

Hắn ân hận, day dứt và thương mẹ. Hắn bảo, cả đời mẹ hắn trôi lăn trong bể khổ, chưa hề được hưởng lấy một phút giây thơi thoáng. Hôn nhân đổ vỡ, bà một mình vò võ nuôi hai chị em hắn thành người.

Để có miếng cơm manh áo cho mấy mẹ con, bà làm chả thiếu công việc gì người ta thuê mướn. Không những thế, bà còn cố gắng tằn tiện lo cho hắn ăn học đàng hoàng để khỏi hờn tủi, thua kém với đời, ấy vậy mà hắn chưa kịp báo hiếu đã úp lên đầu bà tai họa.

Ước mơ của Huyền vừa mới kịp lóe lên đã bị vùi tắt
Ước mơ của Huyền vừa mới kịp lóe lên đã bị vùi tắt

Chỉ cần nghĩ đến thế, Thắng lại khóc, nước mắt chảy vòng quanh. Hắn day dứt vì không những không thể trở thành chỗ nương tựa của mẹ lúc tuổi già bóng xế, mà còn khiến phần đời còn lại của bà phải sống trong cô đơn, hờn tủi. Hắn bảo, tất cả cũng chỉ tại vì cái thói đam mê cờ bạc nên mới ra nông nỗi.

Lúc đó, hắn đang cần tiền. Bởi, số tiền nợ bạc của hắn cứ lớn dần theo ngày tháng. Lương giáo viên hợp đồng ba cọc ba đồng, chỉ đủ để cho hắn trang trải cuộc sống hàng ngày, chứ không thể đủ để đáp ứng ăn chơi của hắn. Chủ nợ thúc ép gọi đòi ráo riết, bí bách và túng quẫn, Thắng lao đầu vào tội ác…

Thắng kể, vào khoảng tháng 4/2009, hắn quen chị Huyền qua mạng internet. Sau vài lần tâm sự, hắn biết Huyền vừa mới tốt nghiệp hệ tại chức trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và đang xin việc.

Thấy có thể “giăng câu”, hắn liền hứa rằng có thể giúp Huyền vào làm kế toán ở một công ty nước ngoài với mức lương 4 triệu/tháng. Như người chết đuối vớ được cọc, Huyền dễ dàng “sập bẫy”.

Theo yêu cầu của Thắng, Huyền tất tả chạy vạy, vay mượn được 1,5 triệu đồng chuyển vào tài khoản của hắn gọi là chút tiền để “ngoại giao”. Và sau này, khi tiến hành điều tra, cơ quan Công an đã lần theo dấu vết từ tờ hóa đơn gửi tiền mà lần ra hung thủ.

Sau khi nhận được tiền Huyền gửi, Thắng rút hết ra để ăn tiêu. Mỗi lần Huyền nhắc nhở, hỏi han xem công việc tiến triển thế nào, Thắng đều tìm cách “câu giờ”. Lúc thì hắn bảo, “ông giám đốc đi công tác nước ngoài”, khi thì viện cớ “ông ấy về rồi nhưng mấy hôm nay còn đang bận tiếp đối tác”… Nghe vậy, Huyền bắt đầu bán tín bán nghi. Thấy tình hình không ổn, Thắng quyết tâm tìm cách để thoát khỏi sự đeo bám của Huyền. Trong lúc bí bách, hắn đã nghĩ ra một kế không thể tàn độc hơn, đó là hạ sát cô bạn mới quen. Bởi hắn tính, như thế vừa không phải trả số tiền 1,5 triệu đồng, mà còn có thể cướp được tài sản của nạn nhân.

Khoảng 20h ngày 18/10/2009, Thắng gọi rồi rủ Huyền đi gặp người xin việc. Tới đoạn đường vắng tại khu vực bờ mương thôn Nhuế, xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), Thắng bảo Huyền xuống xe nói chuyện. Huyền vừa xuống xe liền bị hắn tấn công bằng những nhát dao chí mạng. Thấy Huyền đã tử vong, hắn lấy xe máy của nạn nhân mang về cất giấu tại một nhà trọ ở Tp.Vĩnh Yên. Hai ngày sau, hắn bị bắt giữ khi đang trên đường lẩn trốn.

 “Em là thằng con bất hiếu…”

Ngày 25/12/2009, Thắng bị TAND Tp.Hà Nội đưa ra xét xử. Đến giờ, đã hơn 3 năm trôi qua nhưng Thắng vẫn còn nhớ như in những diễn biến trong phiên tòa định mệnh đó. Hôm ấy, Hà Nội lạnh tái tê. Khắp hội trường xét xử tràn ngập màu trắng khăn tang.

Gia đình nạn nhân, dù ở khá xa nhưng họ cũng có mặt từ sáng sớm. Nhìn tấm di ảnh của Nguyễn Thị Huyền trong trang phục cử nhân khi nhận bằng tốt nghiệp đại học, người ta không khỏi cảm thấy tiếc xót, đớn đau. Rất nhiều người tham dự phiên tòa đã khóc.

 

Dù gia đình Thắng đã phải bán tài sản, chạy vạy vay nợ khắp nơi để kiếm tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân được hơn 100 triệu đồng khắc phục hậu quả. Đồng thời, bản thân gia đình chị Huyền cũng xin Tòa giảm tội cho bị cáo, nhưng xét thấy hành vi giết người của Thắng là dã man, mất hết tính người nên phải có hình phạt thích đáng, cần phải loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội, HĐXX đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Hữu Thắng mức án cao nhất là tử hình.

Nghe chủ tọa phiên tòa vừa tuyên bố dứt lời, mẹ Thắng đổ ụp xuống úp mặt vào hai bàn tay khóc ngất. Người đàn bà quê mùa, lam lũ ấy đã đi qua nửa kia con dốc cuộc đời với không ít trầm luân, giờ bà lại phải đối mặt với muôn vàn đớn đau đoạn cuối đời.

Thắng bảo, khi nhìn thấy mẹ mình vật vã như “chết đi sống lại” trước sân tòa, hắn cảm thấy ân hận và day dứt tột cùng. Suốt quãng đường từ tòa án về lại trại giam, hắn đã khóc như chưa từng được khóc.

Trong suốt những ngày sau đó, Thắng gần như không bao giờ chợp mắt, đêm nào hắn cũng chong đèn tới sáng. Hắn bảo, lúc đó hắn suy sụp đến mức lúc nào cũng chỉ muốn tìm đến cái chết. Chết để quên, chết để giải thoát cho mình.

Có khi đến hai ba ngày liền hắn không hề ăn một hạt cơm nào. Bởi, mỗi khi bưng bát lên thì hình ảnh mẹ già lụi cụi một mình trong xó bếp lại khiến hắn trào nước mắt. Nhưng sau khi được các quản giáo ân cần khuyên bảo, động viên, hắn dần lấy lại tinh thần. Đồng thời, đó cũng là khoảng thời gian hắn nhận thấy ý nghĩa lớn lao của cuộc đời.

Thắng bảo, kể từ khi “chuyển khẩu” vào trại giam, hắn chỉ canh cánh một nỗi lo về mẹ. Hắn sợ sau này tuổi già của bà không nơi nương tựa. “Lúc khỏe mạnh thì không nói làm gì, nhưng mẹ em giờ tuổi cao sức yếu, trái gió trở trời biết trông cậy vào ai?! Hơn nữa, kể từ ngày em gây ra án mạng, mẹ em cũng phải vay mượn nhiều để đền bù cho nhà người ta, không biết bao giờ mới trả hết nợ. Em là thằng con bất hiếu…”, vừa nói, Thắng vừa cúi gằm giấu đi gương mặt nhòe nhoẹt nước.

Có lẽ, sau khi đã trải qua hơn 1000 ngày “ăn cơm tù, mặc áo sọc, ngủ biệt giam”, khoảng thời gian này là lúc Thắng bị tòa án lương tâm phán xét một cách dữ dội nhất. Hắn bảo, nỗi đau hắn gây ra cho cả hai bên gia đình là quá lớn. Trong thâm tâm, dù rất cảm ơn gia đình chị Huyền đã rộng lòng tha thứ, nhưng chính bản thân hắn lại không thể tha thứ cho tội ác của mình.

Bởi hắn biết, mất mát của gia đình nạn nhân là không gì bù đắp. Những vết thương trên da thịt sẽ mau chóng lành lặn, nhưng vết thương mà hắn đã gây ra cho gia đình chị Huyền thì sẽ không thể lành thành sẹo. Không những thế, tội ác của hắn còn gây nhức nhối, đớn đau đối với toàn xã hội.

Thế cho nên, Thắng lúc nào cũng tâm niệm: “Nghĩ về cuộc đời mình, về những sai lầm đã phạm phải, em coi như số phận đã an bài. Em chỉ hy vọng mọi người có cái nhìn bao dung, rộng lượng để mẹ em có thể sống thanh thản lúc tuổi già…”.

 Theo Trung Thành
Công lý