1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nước mắt người đàn bà thuê sát thủ hại chồng

Hiếm thấy phiên tòa nào lại có nhiều nước mắt như phiên tòa xử người vợ thuê côn đồ xử chồng vì tội bồ bịch. Bị cáo khóc, người nhà bị hại khóc và cả những người láng giềng, tới dự tòa cũng nhạt nhòa nước mắt.

Trách người nằm xuống lên chức ông nội, ông ngoại bỗng dưng dở chứng thèm ăn phở, hắt hủi vợ con, người ta lại trách người đàn bà duy nhất ngồi trước vành móng ngựa kia đã ở cái tuổi bên kia dốc cuộc đời vậy mà còn hồ đồ để đến nỗi chồng chết, thân mang trọng tội, không chỉ để điều tiếng xấu cho gia đình con cái mà còn mang tiếng lôi kéo em trai vào vòng lao lý.

Tột đỉnh của sự uất ức

Hơn một năm kể từ ngày bị bắt, sống trong buồng giam nhưng bà Lê Thị Hiển, sinh năm 1955, trú tại thôn Vân Xá, xã Nhị Khê, Thường Tín (Hà Nội) vẫn chưa gột bỏ được nước da cháy nắng của mấy chục năm vất vả. So với ngày mới bị tạm giam, bà Hiển có vẻ đẫy đà hơn nhưng mái tóc bạc theo từng vệt chứng tỏ người đàn bà này chỉ ngừng vận động tay chân chứ đầu óc thì hoàn toàn ngược lại. Vẻ quê mùa, lam lũ hiện rõ trên gương mặt cháy nắng, bà  Hiển tức tưởi khóc khi nhìn thấy các con trong đó có cả con dâu, con rể, đầy đủ ngồi cả phía sau. Ký ức tội lỗi ngày nào bỗng ùa về, khắc thành nếp sâu trên trán người đàn bà này có gương mặt cam chịu và nhẫn nhục.

Bà Hiển và ông Phạm Văn Đường kết hôn với nhau từ vài chục năm nay thế nhưng khi con cháu đông đủ thì ông Đường dở chứng, có bồ. Từ ngày có cô bồ trẻ, ông Đường thường xuyên về nhà kiếm có gây sự để đánh chửi vợ con, đập phá đồ đạc. Biết chồng tư tình với người khác, bà Hiển lựa lời khuyên can nhưng nhận lại chỉ là những lời chửi rủa. Vì nghĩ lên ông lên bà rồi, làm lớn chuyện càng xấu cả con cháu nên bà Hiển chỉ âm thầm chịu đựng. Rồi ông Đường mua ô tô chở khách, công khai thuê nhà trọ sống với nhân tình, đẩy bà vợ từ hết ghen tức tới uất ức. Đỉnh điểm của sự dồn nén là một buổi ông Đường về nhà, chặt cây cối sau vườn với lời tuyên bố sẽ dựng nhà cho vợ bé ở vì sắp sửa sinh con. Đến nước này thì bà Hiển không còn nhẫn nhịn nữa nên đã nhờ em trai thuê người chém chồng với mục đích làm ông Đường không còn đủ 2 tay, lái xe khách, lấy tiền nuôi bồ. Tuy nhiên những toan tính của người đàn bà này vì muốn giữ hạnh phúc gia đình đã không được như mong muốn bởi sự xuống tay quá mạnh của những kẻ chém thuê. Kết thúc của hợp đồng ấy là bà Hiển mất 30 triệu đồng nhưng không phải chỉ để lấy đi một cánh tay của chồng như cam kết mà là cái chết của ông Đường. Ngay sau cái chết của ông Đường, nhân tình trẻ của ông đã khóc than thảm thiết rồi lao đầu vào tàu hỏa tự vẫn.

Bà Hiển trong phiên tòa sơ thẩm
Bà Hiển trong phiên tòa sơ thẩm

Những giọt nước mắt cay đắng

Trước vành móng ngựa, người phụ nữ trung niên nước mắt nhạt nhòa cho rằng chỉ muốn chồng bị thương để không kiếm tiền nuôi "bồ nhí" chứ thực lòng không muốn chồng mình thiệt mạng. Theo lời bà Hiển trình bày trước tòa thì việc chồng mình có vợ bé, bà đã biết lâu rồi nhưng vì muốn yên cửa yên nhà, không muốn làm trò cười cho thiên hạ nên bà cố nhẫn nhịn.

Là người phụ nữ đảm đang, có sức khỏe, hàng ngày bà Hiển vẫn đi thu mua hàng nông sản, mờ sáng hôm sau thồ hàng vào nội thành bán. Một vài lần bà gặp nhân tình của chồng đi chợ, ức lắm nhưng vì không muốn mọi người biết nên cố nén giận. Tuy nhiên trước sự nhẫn nhịn của bà, vợ bé của ông Đường lại càng được dịp lấn lướt và kết quả là có lần tức không chịu nổi, bà đã lấy dép nện cho kẻ tranh chồng kia một trận. "Sáng tôi đánh cô kia thì chiều ông ấy về, đập phá đồ đạc, chặt cây cối trong vườn, còn đòi xây phòng cho người tình ở mảnh đất chung khi cô ấy có thai", bà Hiển trình bày. Theo lời bà Hiển thì việc chồng lang chạ ở nơi khác có thể chịu đựng được, đằng này ông lại cặp kè với một phụ nữ kém nhiều tuổi, người cùng xã. Sự uất ức lên đến tột đỉnh và trong một phút mất hết lý trí bà Hiển đã gây ra “nghiệp chướng” cho chính gia đình mình bởi sự quá tay của đám côn đồ. Điều khiến người đàn bà này day dứt là ngoài việc bản thân dính tù tội, còn kéo cả người em trai ruột cũng vướng vòng lao lý.

Đến dự phiên tòa, phía sau Hiển là rất nhiều con, cháu và có cả những người họ hàng, làng xóm. Họ cũng chính là những người biết khá rõ sự thê thảm của người đàn bà duy nhất đứng trước vành móng ngựa, thông cảm cho nỗi tủi hổ, ê chề của một người vợ bị chồng ruồng bỏ để rồi lắc đầu cám cảnh cho việc làm hồ đồ của bị cáo. Có rất nhiều cách để ngăn cản chồng bồ bịch song cái cách thuê giang hồ xử chồng như bà Hiển có lẽ khiến người ta ớn lạnh. Phải chăng bà Hiển muốn giữ chồng vì sĩ diện hay vì tình nghĩa vợ chồng đã chuyển thành thù hận. Lý giải về việc làm của mình, bà Hiển phân trần rằng đã nhiều lần nhờ chính quyền can thiệp và cuối cùng thì tự nhận mình ngu dốt. “Bị cáo đã mắc phải sai lầm khó mà gột rửa. Nhưng quả là bị cáo chỉ nhờ người đánh cảnh cáo ông ấy thôi. Mong tòa thương xót mà giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.

Theo dõi phiên tòa từ đầu đến cuối, không ít người dự thính tỏ rõ sự thương cảm, xót xa cho gia đình của bị cáo và bị hại. Ở cái tuổi lên ông, lên bà, chẳng mấy người còn thích ăn phở và dù có thế thì hiếm có bà vợ nào gan thép như bị cáo Hiển vậy mà bi kịch đã xảy ra, cái nọ kéo cái kia thành chồng chất, để lại biết bao điều tiếng xấu.

Sau một ngày xét xử, phiên tòa kết thúc, Lê Thị Hiển được chuyển từ tội danh “giết người” sang tội “Cố ý gây thương tích” và phải chịu 14 năm tù giam. Các bị cáo còn lại lần lượt phải nhận từ 6 năm tù đến tù chung thân theo từng tội “Cố ý gây thương tích” và “Giết người”. Lê Thọ Nam nhận mức án tử hình còn em trai bà Hiển lĩnh án 12 năm tù giam. 

Người đàn bà trở thành ác nhân giết chồng nước mắt nhạt nhòa, lặng lẽ lê bước lên xe thùng, bỏ lại sau lưng những tiếng khóc thống thiết của con, cháu.

Theo Lam – Trinh
Công lý