1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nước mắt của mẹ tên cướp hiệu vàng 16 tuổi

Trái với sự lạnh lùng trước tội ác đến gai người của Lê Văn Luyện, Hà Văn Tỉnh, 1 trong 2 tên cướp hiệu vàng manh động ở thị trấn Bô Thời, huyện Ân Thi, Hưng Yên lại khóc tu tu vì sợ hãi và hối hận. Mẹ của Tỉnh đã khóc rưng rức khi về con mình.

Có lẽ với người dân thị trấn Bô Thời, dư âm của vụ án này sẽ còn là đề tài nóng hổi để mọi người bàn tán. Ai cũng nghĩ, giống như Lê Văn Luyện, mới 16 tuổi đầu mà dám vác dao đi cướp tiệm vàng thì chắc Hà Văn Tỉnh phải vào loại “gan cóc tía”. Tôi tìm tới nhà chị Bùi Thị Thắm để nghe kể về Tỉnh, không phải để minh oan cho tội ác vừa qua mà để tìm một sự cảm thông với cái gia đình khốn khó này.

Nước mắt của mẹ tên cướp hiệu vàng 16 tuổi
Gia đình chị Thắm giãi bày với phóng viên

Cám cảnh một gia đình

Sau vụ án, người đau đớn nhất ngoài gia đình anh Đỗ Xuân Lượng - nạn nhân tử vong vì bị hung thủ tấn công giờ có thêm chị Thắm - mẹ Tỉnh. Ở cái thôn Cù Tu, xã Xuân Chúc, huyện Ân Thi này, nhắc đến gia đình chị thì ai cũng cám cảnh. Ngay cả bà trưởng thôn Bùi Thị Thu cũng xác nhận, chị Thắm cả đời sống trong cơ cực, cứ tưởng hiền lành chất phác thế thì cuộc đời sẽ phẳng lặng. Ai dè, những chuyện bất hạnh cứ lần lượt ập đến. “Thằng lớn năm nay gần 20 tuổi thì có tới nửa thời gian đi tù và ở trại giáo dưỡng. Chỉ còn trông vào thằng thứ 2 là Tỉnh. Ngờ đâu, nay nó lại can án cướp của giết người. Mà bình thường ở nhà nó nào có “đầu bò đầu bướu” gì cho cam. Bản tính lành như cục đất, ai bảo gì cũng chỉ lẳng lặng rồi toét mồm ra cười, người ta gọi nó là Tỉnh “đần”. Thế mà chẳng hiểu nghe xui khôn xui dại làm sao mà lại đi làm cái việc thất đức ấy. Sau cơ sự này, cô ấy chắc cũng chẳng sống nổi”, bà Thu ngậm ngùi.

Một con chó què rúc trong xó tối của căn nhà cấp 4 vẻn vẹn hơn chục mét vuông, trên lợp dăm tấm phibro-ximăng đã “tố cáo” sự nghèo đến xác xơ của gia đình chị Thắm. Lúc chúng tôi đến, anh Hà Văn Báo - bố đẻ của thằng Tỉnh đang loay hoay cạp lại cái gàu tát nước trong căn nhà nóng như lò thiêu dưới nắng hè. Thấy chúng tôi hỏi về thằng Tỉnh, mặt anh Báo cứ dài dại, ngây ngô kể về con mà chẳng cảm xúc gì: “Vâng, cháu nó nghe đâu bị công an bắt trên huyện ấy. Mấy ngày hôm nay chẳng thấy nó về. Thế hôm nào thì nó được thả các chú nhỉ?”. Bà Thu bảo: “Anh Báo hơi có vấn đề về thần kinh, một chân lại què, sức yếu nên suốt ngày chỉ loanh quanh từ nhà tới bếp, chẳng đi được đến đâu. Mọi công to việc lớn trong nhà đều đến tay vợ cả”. Câu chuyện đang dang dở thì không biết nghe ai báo, chị Thắm xồng xộc chạy về. Nhìn chị chẳng ai có thể đoán được tuổi bởi sự khắc khổ, già nua dường như đã in dấu vĩnh cửu lên gương mặt. Sáng nay, chị vừa lên công an huyện để giám hộ cho việc lấy lời khai của Tỉnh. Sau một tuần xảy ra sự việc chị mới được gặp con, mà lại gặp trong hoàn cảnh trớ trêu này, nghĩ cứ đứt từng khúc ruột. Thế nên trong cả buổi hỏi cung ấy, chị cứ nhắc đi nhắc lại với thằng Tỉnh: “Có như thế nào, con khai hết với các chú công an đi con ạ”.

Còn lại nỗi đau

Chị Thắm vốn mù chữ, cuộc đời lúc trẻ cũng chẳng mấy may mắn. Thế nên khi vừa trưởng thành đã tha hương lên tận Cao Lộc, Lạng Sơn làm thuê. Ở chốn rừng núi ấy, chị quen rồi nên vợ chồng với anh Báo. Hoàn cảnh của anh cũng chẳng hơn vợ. Bố mẹ chết từ nhỏ, tài sản không có, thế nên cưới nhau xong cả hai lại dắt díu nhau về quê vợ xin nhà ngoại một vuông đất dựng nhà. Hai đứa con Hà Văn Đức, Hà Văn Tỉnh lần lượt ra đời trong căn nhà xiêu vẹo. Dù vất vả nuôi chồng với 2 con, nhưng chị Thắm cũng thấy được an ủi khi bọn trẻ lớn nhanh như thổi. Nhà có được 2 sào ruộng, cấy chẳng đủ ăn nên cứ tranh thủ lúc nông nhàn là chị lại ra Quảng Ninh gánh than thuê kiếm tiền về nuôi con ăn học. Quanh năm đầu tắt mặt tối, chị đâu ngờ rằng, nay cả hai đứa đều phụ công chị mà vướng vòng lao lý. Hôm thằng Tỉnh bị bắt, chị đang chăm con lợn nái mới đẻ, bụng bảo dạ lứa lợn này chắc đủ tiền cho con học đến hết năm. Đến lúc nghe tin dữ, chị nháo nhào chạy lên huyện. Quýnh quáng mấy hôm liền vì thằng Tỉnh, không có ai chăm, con lợn lăn ra chết. Nghĩ tủi cho phận mình, kể đến đây chị lại bưng mặt khóc.

Câu chuyện của chúng tôi thêm một lần nữa bị ngắt quãng bởi sự xuất hiện của thằng Đức - đứa con lớn của chị Thắm. Trong suy nghĩ của chị, Đức coi như đã “vứt đi”. 11 tuổi đầu nó đã bỏ nhà đi bụi, rồi ra vào trại giáo dưỡng như cơm bữa. Kể về mình, Đức nói chẳng chút ngại ngùng: “Cháu đi “3 ván” rồi nên thừa kinh nghiệm, nếu cháu ở nhà thì thằng Toán đừng hòng rủ thằng Tỉnh nhà cháu đi cướp được. Nó mà thò mặt sang đây, cháu chém chết”. Những năm tháng “dạt nhà” dường như đã dạy cho Đức sự liều lĩnh và dày dạn của một kẻ lưu manh đường phố. Sau khi đi trại “tăng” thứ 3, Đức “dặt dẹo” ở Hà Nội suốt ngày tụ tập trong các quán net. Đọc tin trên mạng, biết tin em mình bị bắt nó mới mò mặt về xem sự thể thế nào, cũng là nhân dịp trốn luôn đối thủ đang lùng sục nó sau một vụ va chạm bằng dao kiếm.

Rồi Đức phân tích: “Thằng Toán rủ em cháu đi cướp hiệu vàng chắc chắn định dùng nó làm bia đỡ đạn. Nó biết thừa em cháu mới 16 tuổi và rất ngờ nghệch. Chẳng ai đi cướp mà lại rủ 1 thằng “ngáo” như thế cả”. Nghe con mình nói thế, chị Thắm cứ thừ mặt mà chẳng biết nên vui hay buồn. Chị bảo thằng Đức, “em con đã thế rồi, từ nay con nên ở nhà đỡ đần mẹ chăm sóc bố”, nhưng nó gạt phắt rồi phủi đít đứng dậy lùi lũi bỏ đi. Ngày mai nó sẽ lại lang thang lên Hà Nội rồi làm gì thì có trời mới biết. Nhìn anh Báo vẫn lơ ngơ trong góc nhà nhìn ra với ánh mắt vô hồn, chị Thắm chỉ còn biết ngồi bệt xuống sân bật khóc. Có lẽ chị đã bất lực với cuộc đời mình.

Theo Nguyễn Long

An ninh thủ đô