Câu chuyện toà án:

Nước mắt chốn pháp đình

(Dân trí) - Ở Tòa, dù nỗi buồn hay niềm vui hiếm hoi đều bắt gặp những giọt nước mắt. Có lẽ khi đã phải đưa nhau ra chốn pháp đình thì bị cáo hay người bị hại, nguyên đơn hay bị đơn, người thua kiện hay thắng kiện đều đau lòng và khiên cưỡng.

Ở đây không hẳn có niềm vui là sự thanh thản và giải tỏa sau những mất mát, đấu tranh, đánh đổi trong phiên toà.

 

Có những giọt nước mắt ăn năn hối lỗi của bị cáo. Có những giọt nước mắt xót thương, hối tiếc của bạn bè, gia đình vì ít nhiều phần trách nhiệm của mình đối với hành vi phạm tội của người thân. Lại có những giọt nước mắt rất nhiều tâm trạng, giận, thương, oán, hận... của nạn nhân, người nhà nạn nhân. Một người một hoàn cảnh, một tâm trạng khác nhau nhưng những giọt nước mắt khi tràn ra từ đôi mắt đỏ ngầu, sợ hãi của bị cáo, đôi mắt mờ đục, tuyệt vọng của người mẹ già, đôi mắt trong sáng của tuổi trẻ... thì đều giống nhau, trong và mặn.

 

Mọi người dự khán đều nén lòng, nén tiếng xót xa cho một bà mẹ già, lưng còng, mắt mờ, cây gậy tre run rẩy trong đôi tay già nua, khô xác (ảnh). Bà cụ lặng lẽ, chẳng nói gì, chỉ chăm chắm nhìn về phía trước. Đau khổ và tuyệt vọng với bà cũng chỉ thoáng qua,vô cảm. Đôi mắt nhoèn nhoèn nước khóc như vô thức cho cái chết oan nghiệt của con trai trong một vụ án tình mà nguyên nhân bắt nguồn từ chính tình yêu của cô cháu gái với kẻ giết người mù quáng. Nhưng điều đáng nói hơn là hành động của bà cụ bất hạnh, cay đắng đến tận những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.

 

Bà bảo con dâu cùng mình tới an ủi người mẹ kẻ sát nhân đang vật vã đến tái người trước cái án tử hình của con trai. Cả ba người phụ nữ làm mẹ đều rơi nước mắt. Giọt nước mắt không xoá được tội lỗi, không cứu rỗi, gánh đỡ nổi hình phạt cho bị cáo, nỗi đau cho nạn nhân. Nhưng giọt nước mắt cứu rỗi được tình người giữa những người sống. Lúc này, cả ba người phụ nữ cùng khóc cho nỗi đau mất mát như nhau. Người mất chồng, người mất con - có ai đong đếm được nỗi đau nào lớn hơn.

 

Nghĩa cử bình dị mà cao đẹp giữa họ là chia sẻ và cảm thông với nỗi đau riêng của mỗi người, mỗi gia đình. Người gây nên tội thì đã phải đền tội bằng một bản án nghiêm khắc, lấy mạng đền mạng mất mát thì không thể hoá giải bằng hận thù. Bà lão tấm lưng đã còng rạp những vất vả, khổ đau chất chồng nhưng tấm lòng thì đại lượng, vị tha.

 

Đến Toà là phải chứng kiến nhiều việc đau lòng, chứng kiến thật nhiều nước mắt số phận. Những giọt nước mắt lặng lẽ và cố kìm nén chính là những giây phút thiện tính của mỗi con người. Giọt nước mắt trong như pha lê. Giọt nước mắt mặn đến tê lòng. Giọt nước mắt rửa tan những oán hận và ác tâm trong lòng người để chốn pháp đình đỡ lạnh lùng, tàn nhẫn.

 

Lê Phương Thảo