1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nữ thẩm phán bức xúc vì cựu trưởng phòng tư pháp bất nhã trước tòa

“HĐXX không khuyến khích bị cáo phải buồn. Nhưng bị cáo cứ tươi vui như vậy khiến HĐXX phải cân nhắc về thái độ và ý thức của bị cáo trong hành vi phạm tội” - nữ thẩm phán chủ tọa phiên tòa hôm nay bức xúc lên tiếng.

Đó là những lời cảnh báo và nghiêm khắc nhắc nhở của nữ Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Ngô Thị Ánh tại phiên xét xử ngày hôm nay (2-6) đối với bị cáo Dương Văn Hải (SN 1958, trú ở thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội) – cựu Trưởng phòng Tư pháp huyện Thường Tín.

Triện bừa dấu, nhắm mắt làm ngơ

Cùng với Hải ra trước vành móng ngựa, Đỗ Công Khanh (SN 1982, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) – cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch thuật chuyên nghiệp PTI (gọi tắt là Công ty PTI) bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cựu
Trưởng phòng Tư pháp huyện Thường Tín Dương Văn Hải (bên phải ) cùng đồng phạm
tại tòa

Cựu Trưởng phòng Tư pháp huyện Thường Tín Dương Văn Hải (bên phải ) cùng đồng phạm tại tòa

Quá trình thẩm vấn tại tòa đã làm rõ, đêm 29-7-2014, Tổ CSGT-TT của CAQ Thanh Thanh Xuân phát hiện chiếc ô tô tải BKS 30A-229.33 do Đỗ Hoàng Đạt (nhân viên Công ty PTI) điều khiển chở nhiều thùng giấy carton, bên trong chứa hàng trăm tờ giấy khổ A4 đã đóng dấu khống của Phòng Tư pháp huyện Thường Tín.

Ngay trong ngày hôm đó, Đỗ Công Khanh đã đến trụ sở CAQ Thanh Xuân tự nguyện giao nộp 217 tài liệu đã in nội dung dịch thuật, có chữ ký của các dịch thuật viên, có chữ ký của Dương Văn Hải với tư cách là Trưởng phòng Tư pháp huyện Thường Tín và đã được đóng dấu tròn của Phòng Tư pháp huyện Thường Tín.

Ngoài ra, Khanh còn giao nộp 76 tài liệu không có nội dung, nhưng có chữ ký của Dương Văn Hải và có dấu tròn của Phòng Tư pháp huyện Thường Tín; 641 tài liệu đã có nội dung dịch thuật, không có chữ ký của Dương Văn Hải, nhưng có dấu tròn của cơ quan chức năng; 316 tài liệu mới chỉ chỉ có dấu tròn của Phòng Tư pháp huyện Thường Tín và hàng nghìn tài liệu khác.     

Trần tình trước CQĐT và tại tòa, Khanh khai sau vài lần mang tài liệu dịch thuật tới Phòng Tư pháp huyện Thường Tín chứng thực, từ tháng 3-2013, Khanh và Trưởng phòng Hải dần trở nên...thân thiết như hai người bạn. Trên cơ sở đó, Giám đốc Công ty PTI đặt vấn đề với Trưởng phòng Tư pháp huyện Thường Tín cùng "hợp tác làm ăn".

Cụ thể là cứ sau 18h30 hàng ngày, Khanh sẽ thu gom và cử nhân viên mang tài liệu dịch thuật, công chứng của khách hàng tới nhà riêng của Hải ở Thường Tín để Trưởng phòng Tư pháp ký tên, đóng dấu của cơ quan chức năng vào các tài liệu mang đến.

Sau đó, nhân viên Công ty PTI sẽ mang số tài liệu này về doanh nghiệp để Khanh tiếp tục dùng dấu giả “Chứng nhận sao y bản chính” và dấu Trưởng phòng Tư pháp huyện Thường Tín “Dương Văn Hải” “cộp” vào các văn bản dịch thuật hoặc chứng thực, rồi giao trả khách hàng để thu tiền dịch vụ.

Khi trưởng phòng tư pháp "qua mặt" bộ phận một cửa

Về “thù lao”, 2 đối tượng thỏa thuận đối với văn bản chứng thực bản dịch, Khanh trả cho Hải 6.000 đồng/bản (trong khi giá Nhà nước quy định là 10.000 đồng/bản). Tương tự, đối với văn bản chứng thực bản sao, giá Nhà nước quy định là 2.000 đồng/bản thì Khanh trả cho Hải 1.000 đồng/bản.

Trong khi đó, theo quy định tất cả các văn bản, tài liệu dịch thuật và chứng thực (thuộc đối tượng của UBND huyện) phải gửi lên Bộ phận một cửa của UBND huyện. Tuy nhiên, Khanh và Hải đã không làm như vậy mà tự ý móc ngoặc, ký và xác nhận khống với nhau để thu lợi bất chính. Tổng cộng với hàng nghìn văn bản, tài liệu đã xác nhận khống, Khanh đã thu lời 160 triệu đồng, còn Hải thu lời bất chính hơn 400 triệu đồng.

Trước tòa, cả Khanh và Hải đều thành khẩn thừa nhận hành vi ký và xác nhận khống vào hàng nghìn văn bản, tài liệu dịch thuật cũng như chứng thực theo tài liệu truy tố xác định.

Cử chỉ bất nhã trước tòa

Điều đáng nói là trong quá trình trả lời thẩm vấn HĐXX, cựu Trưởng phòng Tư pháp huyện Thường Tín lại luôn tươi cười và có những cử chỉ bất nhã trước công đường.

Trước thái độ đó của Dương Văn Hải, nữ Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Ngô Thị Ánh buộc phải lên tiếng cảnh báo: “HĐXX không khuyến khích bị cáo phải buồn. Nhưng bị cáo cứ tươi vui như vậy khiến HĐXX phải cân nhắc về thái độ và ý thức của bị cáo trong hành vi phạm tội”.

Sau cùng xét thấy các bị cáo đã giao nộp hết số tiền thu lời bất chính và lần đầu phạm tội nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định chỉ tuyên phạt mỗi bị cáo 2 năm tù giam, theo đúng tội danh bị đưa ra xét xử.

Theo Trịnh Tuyến

An ninh thủ đô