1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nữ nhân viên ngoại giao “cúng cô hồn” 100 triệu thẻ cào điện thoại

Khi “cất vó” thành công vụ án lừa đảo qua mạng này, nhiều trinh sát không khỏi ngỡ ngàng bởi đối tượng cầm đầu lại là cô chủ trẻ cửa hàng kinh doanh sim thẻ điện thoại ở quê.

Bằng thủ đoạn lập website, tạo đường link giả để cướp tài khoản mạng của khách hàng, Trần Thị Kim Cúc (32 tuổi, ngụ xóm 2, thôn Ngọc Anh, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) đã liên kết với một số đối tượng ở Quảng Trị, TP.HCM chiếm đoạt hàng tỉ đồng. Vụ án vừa được Công an Thừa Thiên Huế phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an) bóc gỡ thành công.

Hình chỉ mang tính minh họa
Hình chỉ mang tính minh họa

Bịa chuyện “đoàn cán bộ cấp cao sang Việt Nam cần thẻ cào”

Từ cuối năm 2012, công an tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của người bị hại trình bày nick yahoo, email của mình bị đột nhập, thay đổi mật khẩu. Không dừng lại ở đó, kẻ gian đã dùng chính những nick yahoo, email bị cướp này để trò chuyện với bạn bè, người thân của mình nhằm lừa đảo tài sản.

Nạn nhân bị lừa đảo số tiền lớn nhất là một nữ cán bộ ngành ngoại giao. Theo đơn nạn nhân trình bày, chị có người bạn đồng nghiệp rất thân thiết công tác tại Đại sứ quán Nga, hai người thường xuyên trò chuyện, trao đổi công việc qua yahoo, email. Thời gian cuối năm 2012, như thường lệ chị được bạn “Buzz” mời trò chuyện. Qua vài câu thăm hỏi, người bạn nhờ chị nạp giúp 100 triệu thẻ cào điện thoại, lý do “thời điểm này có đoàn cán bộ cao cấp Việt Nam sang thăm Liên bang Nga, cần thẻ cào gấp”.

Nạn nhân nghĩ rằng bạn bận công chuyện, cần mua thẻ cào để liên lạc liền nhận lời, vội vàng ra cửa hàng mua nhiều thẻ cào mệnh giá 300 – 500 ngàn đồng, tổng số tiền mua thẻ tròn 100 triệu đồng.

Hì hục cào thẻ đến đen cả tay, nhắn hết mã số xong, chị này mới gọi điện xem bạn cần giúp gì nữa không? Lúc này nữ cán bộ ngoại giao mới ngã ngửa người bởi người bạn kia không hề nhờ vả chị mua giúp thẻ điện thoại, mà báo tin nick yahoo của mình đã bị cướp từ lâu. Sự việc nhanh chóng được nạn nhân trình báo lên cơ quan chức năng.

Xác định đây là loại tội phạm nguy hiểm, có trình độ, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập chuyên án mang bí số 1212M, chỉ đạo PC45 phối hợp cùng C50 nhanh chóng điều tra làm rõ. Sau một thời gian điều tra, trinh sát xác định có đối tượng tên Cúc thường trú tại Thừa Thiên - Huế là người chủ mưu, nhưng chưa xác minh được con người thật ngoài đời của đối tượng này.

Theo cơ quan công an, sở dĩ khâu xác định nhân thân, con người thật của Cúc gặp khó khăn bởi tất cả hành vi của đối tượng này chỉ diễn ra trên “thế giới ảo”. Ngay các đối tượng đồng phạm cũng không biết Cúc chính xác là ai, ở đâu. Ma mãnh hơn nữa, để tránh bị phát hiện, đối tượng tên Cúc đã thuê máy chủ ở nước ngoài để thực hiện hành vi phi pháp khiến công tác phá án gặp không ít khó khăn.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, nhiều ngày âm thầm theo dõi, cảnh sát xác định Cúc chính là Trần Thị Kim Cúc (32 tuổi, ngụ thôn Ngọc Anh, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang).

Ngày 12/6, cảnh sát bắt giữ khẩn cấp Cúc và 3 đối tượng khác gồm: Hoàng Bảo Anh (24 tuổi, quê Đắk Nông, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM), Nguyễn Thanh Tùng (17 tuổi, ngụ đường Nguyễn Thị Lý, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) và Trần Nghĩa (21 tuổi, ngụ xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, Quảng Trị).

Chân dung “bà trùm” nữ cử nhân công nghệ thông tin

Cơ quan chức năng làm rõ cách thức lừa đảo của đường dây tội phạm trên như sau: Cúc và Bảo Anh tạo ra các trang web giả, đường link “gắn” kèm virus ăn cắp mật khẩu rồi bán cho Tùng và Nghĩa cùng nhiều đối tượng khác trên toàn quốc. Đợi khi khách hàng truy cập vào “web bẫy”, các đối tượng này ăn cắp mật khẩu và đột nhập thư điện tử của người khác, thay đổi mật khẩu.

Tiếp đó những hacker sẽ sử dụng tài khoản vừa cướp được để trò chuyện, câu nhử bạn bè, người thân chủ tài khoản rồi nhờ giúp đỡ mua giúp thẻ cào, thẻ game. Về phía nạn nhân cứ ngỡ rằng bạn bè, người nhà cần giúp đỡ nên không hề nghi ngờ, chỉ đến khi mọi chuyện vỡ lở mới tá hoả mình đã dính bẫy. Sau khi lấy được mã số thẻ cào do nạn nhân “tự nguyện” cung cấp, các đối tượng bán lại cho Cúc, chiết khấu từ 20 -30%.

Cảnh sát đã kiểm tra tài khoản của Cúc tại các ngân hàng và phát hiện nhiều giao dịch của đối tượng này lên tới cả tỉ đồng. Thậm chí có những ngày, số lượng thẻ cào Cúc mua từ các đối tượng quy đổi thành tiền trị giá hơn trăm triệu.

Thống kê sơ bộ của cơ quan công an cho thấy, riêng trang web do Cúc và Bảo Anh tạo ra dùng để giao dịch phi pháp, có hơn 500 đối tượng tham gia mở tài khoản. Bước đầu cảnh sát làm rõ các đối tượng trên gây ra 8 vụ trộm nick chat, email, mạo danh người khác; chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng. Các đối tượng khai báo toàn bộ hành vi phạm tội, thừa nhận đã lừa đảo trót lọt hàng trăm người với số tiền lên tới hàng tỉ đồng.

Trong đường dây lừa đảo qua mạng trên, Cúc đóng vai trò chủ mưu. Về nhân nhân “nữ trùm”, Cúc là đối tượng đã lập gia đình, hiện đang là chủ một cửa hàng kinh doanh sim thẻ điện thoại tại làng Ngọc Anh, xã Phú Thượng. Được biết Cúc từng tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ thông tin, nhưng thay vì tìm kiếm công việc đúng chuyên môn, lại đem kiến thức học được trên ghế giảng đường làm những việc phi pháp.

Với vốn hiểu biết tin học, Cúc lên mạng tham gia các diễn đàn “đào tạo hacker”, trao đổi thông tin và nảy sinh ý định thu lợi bất chính. Cũng trên những diễn đàn “đen”, Cúc tìm được bạn đồng hành “cùng chí hướng” là Bảo Anh, sau đó cả hai bàn bạc cách thức thực hiện hành vi phạm tội như trên.

Hiện vụ việc đang được Công an Thừa Thiên Huế và C50 tiếp tục điều tra mở rộng. Cũng thông qua Xa lộ Pháp luật, Ban chuyên án đề nghị những ai là bị hại của đường dây lừa đảo trên, nhanh chóng liên lạc với PC45 Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế theo địa chỉ: Số 1A, đường Trần Quang Khải, phường Phú Hội, TP Huế, SĐT 0543.826666 để tố giác.

Theo Xa lộ pháp luật