Nữ cán bộ thuộc Sở Y tế Phú Thọ lừa đảo chạy công chức chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng
Danh sách những người bị hại trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đối tượng Bùi Thị Hoàng Yến (44 tuổi, trú tại khu 6, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thực hiện ngày càng dài thêm… Tính đến ngày 16/8, đã có hơn 30 người bị hại đến trình báo.
Nước mắt người trong cuộc
Khi đi sâu tìm hiểu và viết bài báo này, một điều chúng tôi khá bất ngờ là hầu hết các bị hại trong vụ án này đều là cán bộ công chức Nhà nước. Ở một chừng mực nào đó, họ cũng có sự am hiểu nhất định về công tác tổ chức cán bộ… nhưng họ vẫn bị Bùi Thị Hoàng Yến cho sập bẫy. Vì sao, đối tượng này có thể dễ dàng chiếm được lòng tin của những người bị hại, khiến họ móc hầu bao một cách dễ dàng? Tâm sự của chị Nguyễn Thị Loan, hiện đang là cán bộ công chức Nhà nước thuộc tỉnh Sơn La, một trong các bị hại của vụ án này phần nào lý giải được câu hỏi trên. Hơn một năm về trước, trong một lần về Lâm Thao (Phú Thọ) chơi, chị Loan gặp Yến.
Tại buổi gặp gỡ ngắn ngủi đó, Yến tự giới thiệu rằng chị ta có quan hệ xã hội rộng, có thể xin biên chế và chuyển công tác ở nhiều vị trí khác nhau trong phạm vi cả nước. Thấy Yến nói năng nhỏ nhẹ, dễ nghe lại đang là một cán bộ công chức Nhà nước nên điều đó phần nào đã khiến Loan tin tưởng. Thật tình cờ, đúng vào dịp đó, chị Loan đang có nhu cầu xin chuyển công tác về Hà Nội… nên miếng “bánh vẽ” của Yến đã phát huy hiệu quả. Sau khi thỏa thuận, Yến thống nhất sẽ giúp chị Loan với chi phí là 170 triệu đồng.
Theo lời hứa hẹn của Yến, nếu hồ sơ và tiền chuyển đầy đủ thì đến tháng 3/2013, sẽ có quyết định. Trong trường hợp khác, Yến sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền. Không dừng lại ở đó, Loan còn đặt vấn đề với Yến, xin giúp cho em trai của Loan vào biên chế tại đơn vị cơ động của lực lượng Công an với số tiền là 150 triệu đồng; xin cho cháu của chị Loan được học tại Học viện An ninh nhân dân với giá 200 triệu đồng. Theo thỏa thuận, chị Loan đã 8 lần chuyển cho đối tượng Yến 385 triệu đồng qua tài khoản rồi cả gia đình lại mòn mỏi hy vọng nhưng tất cả chỉ là con số không.
Hay trường hợp của anh Vũ Đình Mô, hiện đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ. Vẫn “bổn cũ soạn lại”, Yến giới thiệu có quen biết nhiều lãnh đạo và các cơ quan tuyển dụng, có thể lo xin công chức, đi học tại các trường Công an; một số bệnh viện và ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ… Tin vào những lời nói của Yến, anh Mô đã mười lần đưa hồ sơ và chuyển hơn 1 tỷ đồng cho Yến để lo cho những người có nhu cầu vào Học viện An ninh nhân dân với giá 450 triệu đồng; 8 bộ hồ sơ xin vào Công an tỉnh Phú Thọ với giá khoảng 100 triệu đồng/người. Hiện tại, anh Mô đang bị những người có nhu cầu xin việc đòi tiền gắt gao…
Thủ đoạn của kẻ lừa đảo
Bùi Thị Hoàng Yến, sinh ra trong một gia đình nền nếp tại tỉnh Phú Thọ. Tốt nghiệp phổ thông, Yến theo học tại Trường Trung cấp Dược Hải Dương. Năm 1989, Yến ra trường rồi về công tác tại hiệu thuốc thành phố Việt Trì. Mười năm sau đó, Yến về làm việc tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Phú Thọ…
Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ năm 2001 đến thời điểm bị bắt, Yến làm việc tại Trung tâm Kiểm nghiệm y tế, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ. Yến có chồng là cán bộ đang công tác tại tỉnh Phú Thọ cùng 3 đứa con gái đều ngoan ngoãn. Cuộc sống của Yến sẽ bình lặng trôi đi nếu người đàn bà ấy biết an phận thủ thường, nhưng tham vọng làm giàu đã khiến Yến đánh mất tất cả. Theo lời khai của Yến thì cách đây hơn 3 năm, Yến quen Cường, Cường giới thiệu với Yến đang công tác tại một đơn vị của Bộ Công an, có quan hệ với nhiều vị lãnh đạo cao cấp ở trung ương và địa phương. Trường hợp nào có nhu cầu chạy công chức, biên chế, xin đi học các trường thì chuyển hồ sơ và tiền cho Cường, mỗi hồ sơ Yến có thể giữ lại từ 5-10 triệu đồng. Đối tượng Cường có tồn tại theo lời khai của Yến hay không, đến thời điểm này Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Phú Thọ đang tổ chức xác minh. Song sự bất nhất trong lời khai của Yến không che được hành vi phạm tội của chị ta.
Một trong các “chân rết” của Yến có Bùi Thị Tuyết Nhung (42 tuổi, trú tại Gia Cẩm, TP Việt Trì); Trần Văn Lý (46 tuổi, ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) hay trường hợp của anh Vũ Đình Mô, như đã nói ở trên. Trong các trường hợp này, anh Trần Văn Lý là người giúp đỡ một cách vô tư, nghĩa là không nhận bất cứ một đồng tiền chênh lệch nào từ phía những người có nhu cầu lao động, song Nhung lại nhận tiền chênh lệch từ phía người bị hại. Hoàn cảnh của anh Lý giờ vô cùng đáng thương.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì anh Lý quen Nhung, sau đó mới biết Yến. Ban đầu, anh Lý nhờ Nhung xin giúp cho người thân trong gia đình vào biên chế của các cơ quan Nhà nước. Sau đó, anh trực tiếp nhận hồ sơ và chuyển tiền cho Yến… Đến khi sự việc bị vỡ lở, anh Lý phải bán nhà để trả khoản vay cho người bị hại…
Quá trình điều tra, đến ngày 18/6, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã có căn cứ khởi tố bị can đối với Yến về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trên thực tế, Yến không có khả năng xin việc hay lo giúp vào các cơ quan Nhà nước như lời đã hứa. Trong thời gian dài để che mắt thiên hạ, lừa đảo những người bị hại nhẹ dạ, Yến tiếp tục nhận tiền và hồ sơ của những người lao động đến sau với giá tiền cao hơn để lấp vào vị trí của những người trước đó. Gần 6 tỷ đồng là số tiền đến thời điểm này cơ quan điều tra đã chứng minh được.
Song, hiện tại Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Phú Thọ vẫn đang nhận được nhiều đơn, thư của nhiều người bị hại khác gửi đến cơ quan điều tra. Vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng, song qua đây cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều người bị hại trước cái bẫy của những kẻ lừa đảo
Theo Xuân Mai
Công an nhân dân