1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nữ cán bộ huyện dùng thủ đoạn gì để vay được 55 tỷ đồng rồi... vỡ nợ?

(Dân trí) - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã làm rõ thủ đoạn của bà Đào Thị Quy – Kế toán Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Sốp Cộp vay tiền của nhiều người với số tiền rất lớn nhưng không trả. Đồng thời, Công an Sơn La cũng khẳng định, nữ cán bộ Công an huyện Sốp Cộp liên quan đến vụ việc này chỉ là nạn nhân của bà Quy, không có hành vi lừa đảo những người khác.

Trước đó, như đã đưa tin, ngày 19/10/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Sơn La đã tiến hành bắt tạm giam bà Đào Thị Quy - Kế toán khối Đoàn thể kiêm kế toán Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Sốp Cộp - để làm rõ việc người này vay nợ hàng chục tỷ đồng của nhiều người nhưng không có khả năng trả nợ.

Trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Nguyễn Văn Thành – Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45-Công an tỉnh Sơn La) cho biết, kết quả điều tra ban đầu, bà Đào Thị Quy đã thừa nhận có hành vi vay mượn tiền của một số công dân, cán bộ công chức trên địa bàn huyện Sốp Cộp và Sông Mã. Sự việc diễn ra rải rác từ đầu năm 2016 cho đến tháng 8/2017 thì mới vỡ lở.

Đến thời điểm khởi tố (19/10/2017), Cơ quan CSĐT xác định có 20 người trên địa bàn huyện Sốp Cộp và Sông Mã đã cho bà Quy vay tiền, với tổng số tiền là hơn 90 tỷ đồng.

Căn cứ kết quả điều tra ban đầu, bà Đào Thị Quy thừa nhận hành vi để vay được tiền của những người nói trên, bà Quy đã đưa ra nhiều thông tin gian dối như “mình có nhiều mối quan hệ với ngành nọ, ngành kia và làm ăn với nhiều doanh nghiệp” nhằm tạo niềm tin. Bà Quy cũng nói với nhiều người là đi vay về để sử dụng vào các mục đích khác nhau như cho người khác vay lại để hưởng lãi suất cao hơn và có đưa ra một số thông tin nhạy cảm như “chạy chức, chạy quyền”, hay để đầu tư vào cho các doanh nghiệp trong vấn đề nhận công trình xây dựng… Một phần bà Quy cũng nói sử dụng số tiền vay mượn vào mục đích cá nhân như chơi lô, đề.

Ngoài việc đưa ra thông tin gian dối như nói ở trên, bà Quy còn mượn tài khoản của nhiều người nhằm mục đích che giấu việc bà đang vay nợ nhiều người.

“Khi vay tiền, bà Quy nói với người cho vay là mang về để cho doanh nghiệp này hoặc người kia vay lại nên bảo người cho vay cứ chuyển tiền thẳng vào tài khoản của những người đó. Như vậy người cho vay tiền rất là tin tưởng, tâm niệm rằng đúng là bà Quy vay tiền của mình cho doanh nghiệp vay thật” – thượng tá Thành nói.

Trong số 20 người bị bà Đào Thị Quy lừa đảo để vay tiền nói trên có bà Đặng Thị Tuyết Nhung (SN 1977, trú ở bản Cang Mường, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La). Thời điểm xảy ra vụ việc, bà Nhung đang công tác tại Công an huyện Sốp Cộp. Thời điểm bà Quy bị bắt, Công an huyện Sốp Cộp cũng đã tạm đình chỉ công tác đối với bà Nhung để phục vụ điều tra, làm rõ.

Trụ sở Huyện ủy huyện Sốp Cộp.
Trụ sở Huyện ủy huyện Sốp Cộp.

Thông tin từ bà Nhung cho biết, đến thời điểm vỡ nợ, bà Quy đã viết đơn tố cáo bà Nhung, cho rằng, từ năm 2015 bà có chung tiền với bà Nhung để "làm ăn" với những việc như chạy chức, chạy quyền. Trong đơn tố cáo của bà Quy còn có nội dung, cuối năm 2016, bà có đi vay mượn tiền của một số người ở huyện Sông Mã, Sốp Cộp với số tiền là 3 tỷ đồng đưa cho bà Nhung để chạy chức, xin việc.

Liên quan đến vấn đề này, thượng tá Nguyễn Văn Thành thông tin, chính bà Quy đã vay được tiền của bà Nhung nhiều lần, với số lượng lớn.

Qua các biện pháp điều tra khác, cơ quan điều tra đã thu thập được hơn 100 tài liệu thể hiện bà Đào Thị Quy vay tiền của bà Nhung. Bà Nhung cho bà Quy vay tiền rất nhiều lần, rải rác từ năm 2016 đến tháng 8/2017 với nhiều hợp đồng gối nhau, có hợp đồng 5 ngày đến 1 tháng với mức lãi suất do các bên tự thỏa thuận với nhau không thể hiện trong hợp đồng. Theo lời khai của bà Nhung là mức lãi suất từ 2-3% tùy theo món vay, thời hạn vay.

Nguồn tiền của bà Nhung cho bà Quy vay, bà Nhung thừa nhận để có số tiền đó bà Nhung đã vay mượn một số người quen là đồng nghiệp nhưng chủ yếu là vay mượn của người nhà (em gái).

Đến thời điểm khởi tố, bắt bà Quy, cơ quan điều tra xác định bà Quy còn nợ bà Nhung 6 tỷ đồng, điều này được thể hiện giấy vay mượn giữa hai người và các giao dịch qua ngân hàng.

“Bà Nhung chỉ là người cho bà Quy vay tiền, không lừa đảo để vay tiền của ai trong số 20 người nói trên. Chúng tôi cũng tiếp cận được đơn tố cáo của bà Quy cho rằng bà Nhung vay 3 tỷ đồng, chung tiền làm ăn,…nhưng quá trình điều tra, xác minh bà Quy lại không đưa ra được bất kỳ tài liệu nào chứng minh điều này. Do đó, chúng tôi không kết luận nội dung này” – Thượng tá Nguyễn Văn Thành cho biết.

Nguyễn Dương