1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

TP.HCM:

Nỗi niềm nàng dâu "múa" dao lam

Liên quan đến vụ án của Tuyết, hiếm có phiên tòa nào mà nhiều người, nhất là giới truyền thông lại dành cho bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích như Tuyết sự quan tâm, cảm thông đặc biệt đến vậy!

Ý thức mình thân gái lấy chồng xa, lại là dâu út trong gia đình nên Tuyết hay lam hay làm, sớm hôm tần tảo gánh vác mọi khó khổ về mình. Là công nhân may nhận đồng lương eo hẹp nhưng nhờ khéo thu vén mà Tuyết chăm lo ổn thỏa cho gia đình chồng có đến 4 người đàn ông ốm đau, thất nghiệp.

Nàng dâu thảo hiền…

Nguyễn Bạch Tuyết, sinh năm 1986, người tỉnh Đồng Tháp, là con áp út của vợ chồng ông Nguyễn Văn Khi (58 tuổi) và bà Nguyễn Hoàng Anh (56 tuổi). Hồ sơ vụ án ghi rất rõ nhân thân của Tuyết: "Nghề nghiệp: công nhân, trình độ học vấn 10/12, có 6 anh chị em ruột kể cả bị cáo, chồng là Trần Thanh Hưng (26 tuổi), bị cáo chưa có con, thường trú ấp Phú An, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, Tp HCM".

Tuyết dáng cao, gương mặt khả ái, hiền lành. Nhìn Tuyết như thế, nhất là khi cô khúm na khúm núm trước các câu hỏi của các vị quan tòa, nếu chẳng biết trước, tin rằng ai đó sẽ nghĩ Tuyết là bị hại, là nạn nhân của vụ án Cố ý gây thương tích chứ chẳng thể nào là "kẻ ra tay". Và khi biết rõ sự việc rồi, rất nhiều người đắng lòng, cảm giác chua xót lẫn tiếc nuối cho Tuyết.

Khoan nhắc đến chuyện tâm tính, nhiều bạn bè làm chung công ty với Tuyết, cả những người hàng xóm yêu mến Tuyết và cũng từ tâm sự đắng lòng của cô, mới biết được rằng, vì hoàn cảnh gia đình hay cụ thể hơn vì chạy trốn áp lực phải lấy chồng ngoại khi chẳng yêu chẳng thương nên vào năm 2005, Tuyết bỏ dở việc học lên Tp HCM làm công nhân kiếm sống. Trên hành trình "lánh nạn" ấy, Tuyết lập gia đình với Trần Thanh Hưng, nhỏ hơn cô 1 tuổi.

"Nếu chấm điểm cho chuyện vợ hiền, dâu thảo, Tuyết hẳn sẽ được điểm tối đa. Tôi ở gần nhà, lại làm chung tổ may với Tuyết nên biết rõ em lành tính, tốt bụng, đảm đang lắm. Là phận gái nhưng Tuyết là trụ cột gia đình, là lao động chính lo toan vẹn toàn cho người cha chồng ốm liệt giường cùng chồng và 2 người anh chồng kẻ xỉn say, người thất nghiệp" - chị Hoài, một người quen rất thương và xót cho Tuyết, cho biết.    

Tuyết lặng người khi nghe vị chủ tọa tuyên y án sơ thẩm.
Tuyết lặng người khi nghe vị chủ tọa tuyên y án sơ thẩm.

Tuyết là công nhân may của Công ty Eland ở ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, Củ Chi. Lương công nhân tính cả tiền tăng ca quần quật mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng nhưng trong quãng thời gian hơn 6 năm từ thời điểm Tuyết lấy chồng đến lúc gây án, Tuyết nhờ khéo léo thu vén cô đã làm tròn phận dâu con.

Luật sư Nguyễn Văn Hồng, thuộc Văn phòng Luật sư Hồng Tâm Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) được chỉ định bào chữa miễn phí cho Tuyết cụ thể hơn chuyện "vợ hiền, dâu thảo" của "thân chủ" mình: "Do chồng Tuyết là anh Trần Thanh Hưng không có nghề nghiệp ổn định, hơn nữa cha chồng lại già yếu bệnh tật liên miên không tự lo được cho bản thân, cần có người chăm sóc nên Hưng phải thường xuyên ở nhà chăm sóc cho cha…. Ngoài giờ làm việc tại công ty, bà con chòm xóm xác nhận Tuyết rất tích cực cùng chồng lo thuốc thang, chăm sóc cho cha chồng. Điều này thể hiện Tuyết là một người rất tốt, sống có trách nhiệm và hiếu thảo".

Cùng đường… "múa" dao lam

"Lúc 20h ngày 21/8/2011, vợ chồng bị cáo Nguyễn Bạch Tuyết và vợ chồng bà Lê Thị Loan có mâu thuẫn trong việc vợ chồng bà Loan sử dụng chung nhà vệ sinh của vợ chồng bị cáo Tuyết dẫn đến bị cáo Tuyết và bà Loan xảy ra cãi vã, đánh nhau nhưng không gây thương tích.

Đến khoảng 7h ngày 22/8, bà Loan và bị cáo Tuyết cùng đi làm tại Công ty Eland. Khi đến trước cổng công ty, bị cáo Tuyết và bà Loan tiếp tục cãi vã và đánh nhau. Lúc này sẵn có con dao lam màu trắng hiệu Lord trong túi áo (dao lam do bị cáo Tuyết mua về sử dụng trong công việc tại công ty), bị cáo Tuyết lấy ra cầm bằng ngón cái và ngón trỏ tay phải rạch vào vùng mặt bên phải của bà Loan 2 cái gây thương tích, bà Loan được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi" - trích Bản án xét xử hình sự sơ thẩm ngày 8/11/2012 của TAND huyện Củ Chi.

Lê Thị Loan (37 tuổi) chẳng phải người xa lạ mà là chị em dâu với Tuyết (Loan vai chị, lấy chồng là anh trai của Hưng - chồng Tuyết).

Luận về tính chất và hành vi phạm tội của Tuyết, Luật sư Hồng cho biết: "Việc mâu thuẫn gay gắt kéo dài về vấn đề dùng chung nhà vệ sinh gây mất vệ sinh và làm trầm trọng mối quan hệ giữa 2 gia đình không chỉ có lỗi của riêng bị cáo hoặc bị hại mà là lỗi của cả gia đình, trong đó có 2 người chồng của bị cáo và bị hại là anh em ruột trong gia đình nhưng họ đã không quan tâm và tìm giải pháp để giải quyết triệt để, khiến sự việc được đẩy lên cao vào đêm 21/8/2011.

Đêm hôm ấy người bị hại là chị Loan đã xông vào nhà bị cáo Tuyết đánh đấm túi bụi và xé cả quần áo của Tuyết. Rất may là sự việc được can ngăn kịp thời nên chưa có gì đáng tiếc xảy ra. Nhưng sự việc này đã gây tổn thương và kích động đến tinh thần của bị cáo Nguyễn Bạch Tuyết rất nhiều".

Tại phiên tòa xét xử hình sự phúc thẩm, trả lời vị chủ tọa, Tuyết thành khẩn, kể lại nỗi niềm bị dồn vào đường cùng mới gây nên hành động nông nổi. Tuyết khai khi xây nhà trên mảnh đất được cha chồng cho trên khuôn viên đất của gia đình, chị dâu là Lê Thị Loan đã không xây nhà vệ sinh và tiếp tục dùng chung nhà vệ sinh tại ngôi nhà mà vợ chồng Tuyết sống cùng người cha chồng nay đau mai bệnh: "Mấy hộ gia đình sử dụng chung một nhà vệ sinh như thế nhiều bất tiện và mất vệ sinh. Chịu không siết bị cáo sau khi nhận lương đã trích 300.000 đồng đưa cho chị Loan với gợi ý phụ giúp vợ chồng chị xây nhà vệ sinh riêng, nhưng chị Loan không nhận và nặng lời với bị cáo, sau đó xông vào nhà đánh bị cáo".

Tuyết cũng khai sáng hôm sau, khi đến trước công ty, gặp Loan nên Tuyết lựa lời nói chuyện những mong chị em có thể cảm thông cho nhau thì bị Loan chửi bới, hăm dọa sẽ đánh cho hết đường sống. Lại bị tấn công, cùng đường nhớ có con dao lam dùng trong công việc nên Tuyết lấy chống trả và 2 nhát dao rạch mặt ấy đã đưa cô đến vòng lao lý.

Chuyện đời… bạc bẽo!

Ngày 8/1/2012, khi đưa vụ việc ra xét xử, TAND huyện Củ Chi đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho Tuyết như nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, lần đầu phạm tội, gia đình có công với cách mạng, khắc phục một phần hậu quả (sau khi gây án, Tuyết đã bồi thường cho bà Loan 800.000 đồng, sau đó bồi thường thêm 4,3 triệu đồng chi phí điều trị theo yêu cầu của bà Loan)… và đã tuyên Tuyết mức án 1 năm 6 tháng tù giam, thời hạn tù tính từ ngày Tuyết chấp hành án.

Sau án tuyên của TAND huyện Củ Chi, Tuyết kháng cáo với mong mỏi được hưởng án treo. Tiếc rằng vì nội dung đơn kháng cáo của Tuyết chẳng có tình tiết mới nên HĐXX vẫn giữ nguyên án sơ thẩm. Án tuyên của tòa phúc thẩm có hiệu lực, điều này đồng nghĩa với việc Tuyết sẽ phải vào trại giam để thi hành án.

Nghĩ đến cảnh phải vào tù, Tuyết khóc ngất. Trước tình cảnh của Tuyết, vị thư ký tòa trầm giọng nói rằng nếu như Tuyết bồi thường số tiền 20 triệu đồng chi phí làm phẫu thuật thẩm mỹ vết sẹo cho bà Loan theo án tuyên của tòa sơ thẩm thì đó đã là tình tiết mới để tòa phúc thẩm có căn cứ xem xét đơn kháng cáo xin được hưởng án treo của Tuyết. Tiếc rằng…!

Tiếc rằng Tuyết đã tìm đủ mọi cách nhưng không thể nào kiếm đủ số tiền 20 triệu đồng. Tiếc rằng sau những năm dài vất vả lo toan, khi Tuyết lỡ tay "múa" dao lam gây nên tội và một mực ăn năn, lẽ ra người đầu gối tay ấp với Tuyết cùng ông bố chồng sẽ tìm cách "cứu" Tuyết thì lại hắt hủi, bỏ mặc cô dâu thảo, vợ hiền: "Em hỏi vay tiền, người ta sợ cho em vay rồi em đi tù chẳng thể trả được nợ cho họ nên ra điều kiện cả 2 vợ chồng cùng viết giấy cam kết trả nợ, như thế họ mới chấp nhận cho vay nhưng chồng em nhất định không chịu"- Tuyết nói trong nước mắt đầm đìa.

Nhìn thân chủ bất đắc dĩ ấy của mình, Luật sư Hồng cũng trĩu nặng tâm can với sẻ chia rằng khi sự việc đáng tiếc xảy ra, Tuyết bị gia đình chồng hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà, không cho mang theo bất kỳ tài sản, tư trang, trong đó giá trị nhất là chiếc xe máy mà Tuyết đã dành dụm tiền để sắm được làm phương tiện đi lại. Tình hình căng đến nỗi sau đó bố mẹ Tuyết phải rời quê lên gặp gia đình ông sui làm việc, đau đớn viết giấy cam kết nhận con về và chỉ khi đó Tuyết mới được lấy quần áo, giấy tờ tùy thân. Sau đó, Tuyết lủi thủi đi ở trọ, sống trong cùng quẫn!

Còn gì đau hơn, buồn hơn câu chuyện của Tuyết. Nhiều người biết chuyện thầm tiếc cho Tuyết - tiếc cho số kiếp hồng nhan gian truân và buồn cho sự đời bạc bẽo đến phũ phàng

Theo Nguyễn Sĩ
An ninh thế giới