1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cần Thơ:

Nói lại cho rõ vụ nhập nhèm tài chính tại bệnh viện Tây Đô

(Dân trí) - Ngày 25/8 và 26/8 Báo Dân trí đăng bài phản ánh những việc làm khuất tất của Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô Diệp Thanh Bình.

Ngày 26/10 Báo Dân trí nhận được đơn yêu cải chỉnh của ông Bình. Dân trí nói lại cho rõ.

Ông Diệp Thanh Bình yêu cầu cải chính: “Để thâu tóm mọi quyền hành vào gia đình mình ông Diệp Thanh Bình và vợ là Trần Thị Thu Vân đã tìm cách khai khống phần vốn góp từ 10 tỷ (16,8%) lên 35 tỷ (59,5%) để làm Chủ tịch HĐTV và kiêm luôn TGĐ điều hành toàn bộ hoạt động của bệnh viện”.

Trong đơn ông Bình nêu câu hỏi “khai khống là thế nào? Khi chúng tôi chính thức đăng ký‎ phần góp vốn với Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Cần Thơ và chịu trách nhiệm tài sản về phần góp vốn đã cam kết theo đúng quy định tại điểm b, khoản 1, điều 38 luật doanh nghiệp”.

Dân trí xin nói lại cho rõ. Ngày 19/8/2004, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT Cần Thơ cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty TNHH bệnh viện Tây Đô với vốn điều lệ là 59 tỷ đồng. Trong đó bà Trần Thị Thu Vân đăng ký góp 25 tỷ đồng, sau đó chuyển 10 tỷ đồng của chồng là ông Diệp Thanh Bình để có tỷ lệ góp cao nhất (59%) giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), kiêm Tổng giám đốc BVTĐ, sau đó hai vợ chồng tự chuyển đổi cho nhau để ông Diệp Thanh Bình giữ chức CTHĐTV.

Tại thời điểm đó, bản điều lệ hoạt động của Công ty TNHH Tây Đô áp dụng theo Luật Doanh nghiệp năm 1999 quy định, ai có tỷ lệ góp vốn từ 55% tổng số vốn của công ty sẽ có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến công ty.

Theo bản kê khai danh sách các thành viên góp vốn vợ chồng ông Diệp Thanh Bình có 35 tỷ đồng chiếm 59% đương nhiên bà Vân, ông Bình trở thành người đại diện hợp pháp và có quyền quyết định các vấn đề của công ty theo điều lệ.

Tuy nhiên Căn cứ vào bản danh sách góp vốn đến ngày 15/3/2009 do ông Bình kí tên, đóng dấu bệnh viện ghi ông Diệp Thanh Bình góp 14,625 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 25%, không có tên bà Vân. Như thế hẳn vợ chồng ông Bình đã hiểu thế nào là khai không! Hay chính xác hơn vợ chồng ông Bình khai nhưng không góp đủ vốn.

Ngày 1/7/2006 Luật doanh nghiệp năm 1999 hết hiệu lực. Bắt buộc phải thay đổi điều lệ mới theo Luật doanh nghiệp sửa đổi năm 2005. Luật này quy định thành viên có tỷ lệ vốn góp chiếm 75% tổng vốn của công ty mới được nắm quyền điều hành công ty. Nhưng ông Bình vẫn cố tình không thay đổi điều lệ nhằm thâu tóm quyền hành trong công ty.
 
Nói lại cho rõ vụ nhập nhèm tài chính tại bệnh viện Tây Đô - 1
Hoá đơn máy MRI.

Ông Bình cũng yêu cầu tác giả trưng chứng cứ chứng minh vợ chồng ông gian dối sổ sách kế toán Bệnh viện Tây Đô còn hơn 9 tỷ nhưng khai chỉ còn hơn 1 tỷ, để lấy 8 tỷ cho Công ty TNHH bệnh viện Tây Đô vay để chiếm hưởng lãi suất.

Theo báo cáo tài chính năm 2006 của bệnh viện Tây Đô, tiền mặt trên sổ quỹ tồn 9,477 tỷ nhưng báo cáo tài chính ông Bình chỉ đạo kế toán ghi 1,099 tỷ.

Cụ thể: Tồn quỹ tháng 12/2006 là 9.477.243.632 tỷ, tháng 11/2006 là 9,881, tháng 1/1007 là 10,423 tỷ, tháng 2/2007 là 8,544 tỷ...

Nói rằng ông Bình lấy 8 tỷ cho bệnh viện vay lại là đúng, bởi bệnh viện còn tồn quỹ còn hơn 9 tỷ nhưng ông Bình khai còn hơn 1 tỷ để lấy cớ vay vốn ngoài với lãi suất 2%/tháng. Thực tế tiền lãi suất vay này các thành viên góp vốn phải chịu.

Đơn cử: ngày 10/4/2006 ông Bình vay 1,5 tỷ trong khi bệnh viện còn tồn quỹ 726 triệu, đến ngày 22/4/2006 tồn quỹ 1,558 tỷ. Như vậy trong 12 ngày từ ngày 10/4 đến 22/4 là không cần vay vốn, nhưng ông Bình vẫn cố tình vay chính mình và Bệnh viện phải trả lãi 2%?.

Thời điểm tháng 1/2006 Ngân hàng đã cho bệnh viện vay lãi suất 1% nhưng ông Bình vẫn cố tình đi vay bên ngoài. Vay ngoài hay vay chính nguồn vốn của bệnh viện do ông Bình không kê khai?

Về việc “Bà Trần Thị Thu Vân trong thời điểm tháng 10/2006 chưa đảm nhận chức trách gì nhưng vẫn tự xưng là giám đốc bệnh viện Tây Đô kí hợp đồng với một công ty tại Hà Nội mua máy MRI giá 9 tỷ 280 triệu đồng, khi thanh lý‎ hợp đồng bà Vân yêu cầu bên bán xuất hoá đơn 10 tỷ 101 triệu đồng, bỏ túi gần 1 tỷ đồng”.

Dân trí xin được cải chính: Lúc đó bà Vân chưa đảm nhận chức trách gì là chưa chính xác. Nhưng chưa chính xác cũng có lý của nó, vợ chồng ông Bình thiếu trung thực, nhập nhèm trong chức danh Giám đốc và Chủ tịch hội đồng thành viên.

Ngày 16/11/2006 ông Bình mới giữ chức chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc nhưng “hợp đồng kinh tế giao nhận thầu xây xây lắp công trình ngày 25/5/2006, phiếu thanh toán khối lượng thực hiện ngày 7/7/2006” thì ông Bình lại kí tổng giám đốc nên PV Dân trí mới có sự “nhầm lẫn” trên.

Về chi tiết mua máy MRI Dân trí xin trưng chứng cứ: Hợp đồng số 0210/06VN-HĐKT của Công ty Việt Nhật do bà Trần Thị Thu Vân kí ngày 20/10/2006 trọn gói trị giá máy MRI 580.000 USD, tương đương 9 tỷ 280 triệu đồng, nhưng tại hoá đơn giá trị gia tăng ngày 1/11/2007 do công ty thiết bị y tế Việt Nhật ở Hà Nội cấp tổng cộng số tiền thanh toán là 10.101.875.000 (mười tỷ một trăm linh một triệu tám trăm bảy lăm ngàn đồng).

Dân trí đã viết đúng sự thật. Ông Diệp Thanh Bình cần chứng cứ (sổ cái tài khoản năm 2005, 2006, các hồ sơ ông Bình vay tiền ở ngoài với lãi suất cao trong khi bệnh viện còn 9 tỷ, hợp đồng mua máy MRI, chứng từ mua máy MRI...) xin mời đến Văn phòng Đại diện báo điện tử Dân trí tại Cần Thơ số 53/13 L‎ý Tự Trọng, quận Ninh Kiều.

Phạm Tâm