1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Những vụ vượt ngục khó tin của tử tù ở Việt Nam

Bị biệt giam trong điều kiện hết sức nghiêm ngặt, nhưng những tử tù vẫn có những chiêu thức khó tin để vượt ngục.

2 tử tù vượt ngục rúng động gần 20 năm trước

Liên quan đến vụ 2 tử tù đào thoát khỏi phòng biệt giam trại tạm giam T16 – Bộ Công an, đóng trên địa bàn TP.Hà Nội, nguồn thông tin cho hay, các lực lượng của Bộ Công an được huy động vào cuộc phối hợp cùng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và Công an TP.Hà Nội tỏa đi nhiều địa bàn, xác định những mối quan hệ, địa điểm nghi vấn lẩn trốn của 2 đối tượng nhằm truy bắt.

Hiện các đơn vị liên quan cũng tiến hành khám nghiệm hiện trường buồng biệt giam, khu vực xung quanh, lấy lời khai của các cán bộ quản giáo, các phạm nhân khác nhằm phục vụ công tác điều tra.

Cơ quan chức năng bước đầu tình nghi 2 tử tù Lê Văn Thọ (SN 1980, quê Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (SN 1989, quê Hà Nội) đã dùng vật dụng từ bên ngoài tuồn vào để cưa cùm, khoét tường buồng biệt giam nhằm đào thoát ra ngoài. Đây được xem là trường hợp tử tù vượt ngục thành công gây rúng động trong vòng gần 20 năm trở lại đây ở Việt Nam.


Nguyễn Văn Thân, tức Thân rau muống (ảnh trái) và Nguyễn Hải Nam, tức Nam cu chính (ảnh phải) - từng là 2 trường hợp tử tù vượt ngục gây rúng động gần 20 năm trước.

Nguyễn Văn Thân, tức Thân "rau muống" (ảnh trái) và Nguyễn Hải Nam, tức Nam "cu chính" (ảnh phải) - từng là 2 trường hợp tử tù vượt ngục gây rúng động gần 20 năm trước.

Tuy nhiên, vụ tử tù vượt ngục khó tin nhất xảy ra vào năm 2001 tại trại giam Hỏa Lò mới (TP.Hà Nội). Lúc đó, ông Phạm Chuyên – Thiếu tướng, Giám đốc Công an TP.Hà Nội phải thốt lên rằng: “khi phạm nhân thực nghiệm lại hiện trường, chúng tôi mới tin đó là sự thật”.

Nguyễn Văn Thân, tự Thân “rau muống”, quê Hà Tây cũ nay là TP.Hà Nội, trong vòng 6 năm (từ 1992 – 1998) đã thực hiện 3 vụ giết người ở nhiều tỉnh thành như: Sơn La, Hà Nội và Bình Phước. Sau khi bị tuyên án tử hình, Thân được đưa về buồng biệt giam số 3, K3, trại giam Hỏa Lò mới, chờ ngày thi hành án.

Vài tháng sau, Thân gặp đàn em số má nhập trại với bản án tử hình vừa nhận, khi đang thụ án tiếp tục đánh chết bạn tù, là Nguyễn Hải Nam, tự Nam “cu chính”, quê Hà Nội. 2 kẻ “chí lớn” gặp nhau đã lên kế hoạch đào thoát khỏi buồng biệt giam dành cho tử tù.

Sau này Công an TP.Hà Nội làm rõ, Thân “rau muống” có vai trò tổ chức cuộc vượt ngục hi hữu với những vật dụng đơn sơ khó tin, được chuẩn bị sẵn. Với những “bảo bối” đó, 2 tử tù tốn gần 3 tháng tỉ mẫn cưa cùm chân, lỗ thông gió, song sắt ở cửa sổ tường rào, đợi thời cơ thích hợp để...đào thoát.

Rạng sáng 28/10/2001, trong đêm mưa to, gió mùa Đông Bắc tràn về, 2 tử tù đã "bốc hơi" ngoạn mục.

Tuy nhiên, trước sự bố ráp của hơn 500 cảnh sát thuộc nhiều đơn vị khác nhau, 17 ngày sau cuộc vượt ngục chấn động đó, 2 tử tù đã bị bắt trở lại. Và gần 2 năm sau, Thân “rau muống” và Nam “cu chính” có…chuyến đi cùng nhau, nhưng lần đó là chuyến đi trả giá cho những gì chúng gây ra.

“Nước chảy đá món” chiêu vượt ngục khó tin của những tử tù

Trước đó, lịch sử giam giữ tử tù Việt Nam còn ghi nhận 1 trường hợp vượt ngục kinh điển khác, đó là trường hợp tướng cướp Phước “tám ngón”, tức Nguyễn Hữu Thành, quê Sông Bé cũ, nay là Bình Dương. Trường hợp vượt ngục của Phước “tám ngón” được coi là duy nhất xảy ra tại “trận đồ bát quái” khám Chí Hòa kể từ khi chính quyền tiếp quản trại giam này.

Trường hợp vượt ngục thành công hi hữu khác là "tướng cướp cô đơn" Điềm Khắc Kim nhưng diễn ra dưới thời chế độ cũ quản lý trại giam này.

Trở lại vụ Phước “tám ngón”, tên này lãnh án tử hình về các tội “giết người” và “cướp tài sản” khi cầm đầu 1 băng cướp gây khiếp đảm vùng Đông Nam Bộ. Sau quá trình thực hiện kế hoạch nhiều tháng trời, đêm 26/3/1995, tướng cướp này đã “bùng” khỏi phòng biệt giam thông qua việc khoét vách nhà vệ sinh.

Những vụ vượt ngục khó tin của tử tù ở Việt Nam - 2

"Trận đồ bát quái" Chí Hòa, chỉ ghi nhận 1 trường hợp duy nhất tử tù vượt ngục thành công, kể từ sau năm 1975 đến nay, là Phước "tám ngón", tức Nguyễn Hữu Thành. Ảnh: ST

Dù bị té bất tỉnh, chấn thương chân, cột sống nhưng trắng đêm, Phước “tám ngón” ẩn náu trong các khu vực nhà giam. Đến rạng sáng, Phước cũng đột nhập được vào khu nhà tập thể của cán bộ quản giáo, lấy trộm quân phục CAND để mặc, thản nhiên dắt xe đạp ra bằng đường cổng chính, đào thoát khó tin. Hơn 7 tháng sau, tướng cướp Phước “tám ngón” mới bị bắt trở lại và ngày đền tội không thể tránh khỏi.

Được biết, tử tù khi vào buồng biệt giam, chế độ giam giữ rất nghiêm ngặt. Cụ thể, tử tù bị giam cô độc trong phòng biệt giam. Nhưng hiếm hoi lượng tử tù đông, có khi 2 người giam chung phòng. Trong phòng thường có bục xi-măng, tử tù bị cùm 1 chân ở cuối bục và việc ăn uống, vệ sinh được các thường phạm khác hỗ trợ theo sự bố trí của cán bộ quản giáo.

Lịch sử các cuộc vượt ngục cho thấy, tử tù đã dùng chiêu thức “nước chảy đá mòn” từ ngày này qua ngày khác, kéo dài có khi vài tháng trời.

Điển hình trong vụ vượt ngục của Thân “rau muống” và Nam “cu chính” sau này cơ quan công an làm rõ, chúng đã sử dụng dao cạo râu, bánh xe bật lửa...được cất giấu trong các đồ tiếp tế từ bên ngoài vào. Từ những vật dụng tưởng chừng đơn giản đó, 2 tử tù thiết kế thành chiếc cưa tỉ mẫn ngày đêm trong vòng 3 tháng trời để cưa, mài cùm chân mà có thể rút chân ra được; cưa được 1 lỗ ở cửa thông gió vừa đủ 1 người chui và cưa 2 song sắt ở cửa sổ tường rào buồng giam.

Công an cũng xác định, 2 tử tù chuẩn bị dây thừng được tết lại từ các túi nilong trong những lần tiếp tế lương thực, sắt chữ T khi cưa từ các lỗ thông gió và chăn màn được phát trong buồng giam. Và chính nhưng vật dụng sinh hoạt này giúp các tử tù vừa thoát ra được khỏi buồng biệt giam thì quăng lên hàng rào tường giam để leo trèo như lính đặc nhiệm, thoát ra ngoài.

Trường hợp Phước “tám ngón” được tuồn cả dao lam, bật lửa bởi 1 thường phạm giúp đỡ trong việc ăn uống, vệ sinh hàng ngày; người này vẫn nghĩ Phước dùng để “cạo râu”. Ngoài ra trong 1 lần đi vệ sinh, Phước tranh thủ tháo được 1 chiếc vòng sắt trên khung cửa nhà vệ sinh. Vòng sắt này, Phước nương vào cùm chân để uốn thẳng, mài nhọn…Tất cả vật dụng cho cuộc vượt ngục, Phước giấu trong lỗ hổng vách tường, dán giấy báo che lại, cán bộ quản giáo hay thường phạm giúp việc ăn uống, vệ sinh hàng ngày không thể phát hiện được.

Dùng dao lam cưa cùm chân từ ngày này qua tháng khác, cuối cùng Phước thành công. Sau khi thoát được gông cùm, Phước dùng thanh sắt nhọn khoét tường nhà vệ sinh vốn ẩm mốc, mục…Số gạch vữa rơi ra, Phước bỏ vào bồn cầu, dội nước phi tang; còn gạch thì Phước bê lại bục xi-măng sắp xếp, đậy chăn lại dàn cảnh như tử tù đang nằm ngủ.

Từ lỗ hổng trong nhà vệ sinh, Phước “tám ngón” có cuộc vượt ngục hi hữu tại trại giam Chí Hòa vốn khó thoát bậc nhất trong số các nhà giam, nhà tạm giữ tại Việt Nam.

Theo Anh Linh

Vietnamnet