Những tình huống pháp lý vụ nam sinh lớp 7 bị bạn đánh đến tâm thần
(Dân trí) - Theo luật sư, nếu đã xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng phía người có trách nhiệm không bồi thường, gia đình nạn nhân có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Liên quan vụ nam sinh lớp 7 ở huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) bị bạn học bạo lực đến mức tâm thần, nhiều độc giả đặt câu hỏi liệu những học sinh đánh bé trai trên có bị xử lý? Gia đình nạn nhân có được khởi kiện ra tòa đòi bồi thường?
Giải đáp những thắc mắc trên, luật sư Lê Minh Hương (Công ty luật FDVN, Đoàn Luật sư TPHCM) đưa ra nhiều trường hợp.
Với tình huống, những học sinh đánh bạn nhưng không gây ra tỷ lệ thương tích được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, theo luật sư, là không bị xem là tội phạm.
"Căn cứ vào khoản 5 Điều 11 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012, trường hợp học sinh có hành vi đánh bạn mà chưa đủ 14 tuổi thì sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, nhà trường và gia đình phải có trách nhiệm quản lý, giáo dục, dạy dỗ học sinh con em để không xảy ra các trường hợp tương tự. Đồng thời, nhà trường và gia đình học sinh có hành vi đánh bạn phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân", luật sư Hương cho hay.
Trường hợp người học sinh có hành vi đánh bạn chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại, căn cứ tại Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015, theo luật sư, nếu xác định được hành vi đánh nhau xảy ra trong phạm vi thời gian và không gian mà nhà trường đã tiếp nhận và có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, dạy dỗ học sinh, thì nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Nếu nhà trường chứng minh được mình không có lỗi trong việc quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người học sinh có hành vi đánh bạn phải có trách nhiệm bồi thường.
Với trường hợp học sinh từ đủ 14 tuổi trở lên mà có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho bạn học, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 5 Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012, khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2020 và điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, học sinh này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính có thể áp dụng trong trường hợp này là cảnh cáo.
Trường hợp người học sinh có hành vi đánh bạn từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình căn cứ theo khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015.
Đưa ra lời khuyên, luật sư Hương cho biết gia đình nạn nhân cần làm việc ngay với nhà trường và gia đình của học sinh có hành vi đánh bạn. Bên cạnh đó, nhà trường phải có trách nhiệm chủ động làm việc với gia đình các học sinh để làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
"Trong trường hợp đã xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng phía người có trách nhiệm (nhà trường/gia đình học sinh gây thiệt hại) không bồi thường, gia đình nạn nhân có thể khởi kiện tại TAND cấp có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại", luật sư cho hay.
Như Dân trí đã đưa tin, chiều 25/10, một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một học sinh bị đánh hội đồng bởi một nhóm học sinh khác. Nhóm này gồm 5-6 người dồn nam sinh vào góc tường, liên tục đấm đá thô bạo vào mặt, đầu, bụng của bạn.
Sự việc này được xác định xảy ra tại Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội hồi tháng 9. Nhóm học sinh đều đang học lớp 7. Nạn nhân là em V.V.T.K.. Do sợ hãi, cháu K. không báo với thầy cô và gia đình biết.
Sau đó, nhà trường và gia đình mới biết sự việc. Hiệu trưởng đã triệu tập hội đồng kỷ luật nhà trường, các học sinh đánh bạn cùng gia đình nhận lỗi. Bên gia đình cháu K. chấp nhận lời xin lỗi, thống nhất cho các cháu đi học bình thường.
Khi thấy cháu K. có biểu hiện sang chấn tâm lý, gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ thăm khám, được bệnh viện cho về điều trị tại nhà.
Cháu K. đi học trở lại nhưng tiếp tục bị một bạn dọa đánh nên cháu có biểu hiện lo sợ. Gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Kết quả chẩn đoán cháu K. bị sang chấn tâm lý, rối loạn phân ly.
Từ đó tới nay, cháu K. gián đoạn việc học do phát bệnh liên tục.