Những phút cuối và cái giá phải trả của tử tù “sát thủ” Nguyễn Đức Nghĩa
Như nhiều tử tù khác trước khi “đi”, Nguyễn Đức Nghĩa được viết những lời cuối cùng nhắn gửi tới người thân. Trong 3 tử tù bị thi hành án chiều 22-7, bức thư của Nghĩa ngắn gọn nhất. Có lẽ, anh ta không muốn người thân của mình ở lại phải suy nghĩ về một đứa con bất hiếu.
Gần 4 năm kể từ ngày gây ra tội ác không thể dung thứ, cuối buổi chiều 22-7-2014, tại khu vực thi hành án tử hình ở Trại tạm giam số 1 - CATP Hà Nội, tử tù Nguyễn Đức Nghĩa (30 tuổi, quê quán Kiến An, Hải Phòng), đã bị thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc. Một cái kết - sự trả giá xứng đáng đối với sát thủ từng gây xôn xao dư luận.
Cơ quan chức năng làm các thủ tục trước giờ thi hành án tử tù Nguyễn Đức Nghĩa
Mặt lạnh lùng, nhưng mạch “nhảy” trên 100
Ám ảnh với nhiều người về Nguyễn Đức Nghĩa, từ lúc đối tượng này bị bắt và bị dẫn giải về trụ sở Phòng CSHS CATP Hà Nội, số 7 Thiền Quang, đêm 18-5-2010, đến khi ra trước vành móng ngựa, thậm chí trước giờ bị thi hành án, là sự lạnh lùng toát ra từ gương mặt, đôi mắt và thái độ.
Có lẽ lần duy nhất Nghĩa khóc trước Tòa, là khi nghe nói đến sự ra đi vĩnh viễn của bố anh ta, trong vụ tai nạn giao thông, gần nửa năm sau ngày Nghĩa gây tội ác.
17h ngày 22-7-2014, Nguyễn Đức Nghĩa cùng 2 tử tù khác (gồm: Vũ Tuấn Linh, SN 1981, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; hung thủ gây ra vụ án mạng tại một nhà nghỉ ở quận Tây Hồ hồi năm 2009; và Vi Văn Nhượng, SN 1989, quê quán Quan Hóa, Thanh Hóa, hung thủ sát hại chủ quán phở ở quận Hai Bà Trưng, hồi năm 2010), đã bị Hội đồng thi hành án tử hình TP Hà Nội thi hành bản án tử hình. Vũ Tuấn Linh “đi” trước, kế đó là “sát thủ mặt lạnh” Nguyễn Đức Nghĩa.
Một thành viên trong Hội đồng thi hành án tử hình TP Hà Nội kể, trong 3 bị án, Nguyễn Đức Nghĩa có vẻ ngoài “chấp nhận” và bình tĩnh nhất. Điều này có thể được lý giải, do Nghĩa đã ý thức được điều gì phải đến sẽ đến, “xứng” với tội ác anh ta gây ta.
Một tuần trước ngày “đi”, Nghĩa lờ mờ biết được điều đó. “Sát thủ” có biểu hiện tuyệt thực và có những hành động tự tìm đến cái chết. Tuy nhiên, do nắm bắt tâm lý tội phạm cùng các biện pháp nghiệp vụ, Ban giám thị và cán bộ quản giáo của Trại tạm giam số 1 đã liên tục bám sát khuyên nhủ, động viên để Nghĩa trở lại “nhịp sống” bình thường của hơn 4 năm sau chấn song sắt.
Buổi chiều 22-7, trên đường dẫn giải đến khu vực thi hành án, Nghĩa gặp và lễ phép chào 1 đồng chí trong Ban Giám thị: “Chào Ban, con đi!”.
Những thủ tục cần thiết đối với bị án tử hình được thực hiện đúng theo quy định. Suốt quá trình ấy, Nguyễn Đức Nghĩa nói chuyện với mọi người xung quanh khá to, thậm chí có lúc còn… khẽ cười.
“Sát thủ mặt lạnh” không sợ chết? Không hoàn toàn vậy! Anh ta ý thức được điều phải đến, nhưng vẫn không tránh được sự sợ hãi. Khi tiến hành kiểm tra các chỉ số sức khỏe của Nghĩa trước khi đưa vào phòng tiêm, màn hình monitor thể hiện mạch của anh ta vọt lên hơn 100 lần/ phút. Và sau nhiều phút động viên, chỉ số mạch của tử tù mới trở lại bình thường.
Như nhiều tử tù khác trước khi “đi”, Nguyễn Đức Nghĩa được viết những lời cuối cùng nhắn gửi tới người thân. Trong 3 tử tù bị thi hành án chiều 22-7, bức thư của Nghĩa ngắn gọn nhất. Có lẽ, anh ta không muốn người thân của mình ở lại phải suy nghĩ về một đứa con bất hiếu.
Bức thư được Nghĩa viết và kết thúc ngay trước lúc “đi”. “Mẹ, anh, các chị và các con thân yêu! Vậy là sau hơn 4 năm dài chờ đợi, cuối cùng cũng đến ngày con được trở về bên gia đình. Mọi người hãy mừng cho con nhé! Con yêu mẹ, anh, các chị và các con vô cùng. Con của mẹ - Nguyễn Đức Nghĩa”.
Phải chăng sự bình thản lạnh lùng của Nguyễn Đức Nghĩa, từ lúc bị bắt cho đến trước khi bị thi hành án, do anh ta đã quá ám ảnh, và biết rằng sự trả giá bằng mạng sống là điều không tránh khỏi. Cái chết đối với Nghĩa sẽ tốt hơn sự sống trong toàn những ám ảnh nặng nề.
Tại phiên tòa sơ thẩm TAND TP Hà Nội mở ngày 14-7-2010, Nguyễn Đức Nghĩa “xin” được chịu hình phạt tương xứng tội ác gây ra. Nhưng sau đó, Nghĩa đã kháng cáo bản án tử hình của phiên tòa sơ thẩm.
Có lẽ, một trong những nhân tố tác động đến sự thay đổi suy nghĩ của “sát thủ”, là bố của anh ta. Người bố tội nghiệp, bất hạnh ấy khi biết tâm lý “xin chết” của đứa con trai, đã viết bức thư gửi Nghĩa, như một lời sám hối cho kẻ đã gây ra tội ác khó dung.
Thư có đoạn: “Nghĩa con! Nếu cuộc sống của con phải khép lại thì bố mẹ và người thân sẽ tha thứ cho con. Mong con thực sự sám hối. Bố mong con phạm tội đến đâu thì nhận đến đó và nhận đúng theo động cơ và kết quả hành động của mình. Nếu phải chết cũng phải chết một cách minh bạch. Bố vẫn muốn nhắc lại mong con thực sự thành tâm sám hối”.
Quy luật “nhân – quả”, Nguyễn Đức Nghĩa phải gánh chịu. Nhưng xót xa thay, người thân của anh ta dường như cũng bị liên lụy. Bố Nghĩa mất vì TNGT, gần nửa năm sau ngày đứa con trai gây án. Mẹ Nguyễn Đức Nghĩa rời Hải Phòng đi sống cùng con gái, một năm vài ba lần về nhà để thắp hương tổ tiên và thăm người thân. Ngôi nhà “sát thủ” từng sống gần như bỏ hoang, lạnh lẽo và im lìm. Nó giống như buổi sáng 23-7-2014, khi thân nhân Nguyễn Đức Nghĩa đến làm thủ tục nhận xác đứa con trai, hầu như không một tiếng khóc…
Diễn tiến vụ án: Sáng 17-5-2010, trên tầng thượng của một khu chung cư ở phố Trung Yên 1, Cầu Giấy, Hà Nội, người dân phát hiện thi thể một cô gái không đầu, đang trong giai đoạn phân hủy mạnh. Nạn nhân sau đó được xác định là chị Nguyễn Phương L., 26 tuổi, trú ở quận Hai Bà Trưng. Đêm 18-5-2010, các lực lượng CATP Hà Nội đã xác định, bắt hung thủ gây án là Nguyễn Đức Nghĩa. Nghĩa là bạn trai của chị L; động cơ gây án của đối tượng là giết người, cướp tài sản. Ngày 14-7-2010, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa tử hình. Ngày 27-7-2010, Nguyễn Đức Nghĩa gửi đơn kháng cáo. Ngày 11-11-2010, (sau một lần hoãn) TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm, tuyên y án tử hình đối với Nguyễn Đức Nghĩa. Ngày 15-11-2010, Nguyễn Đức Nghĩa làm đơn xin ân xá. Tháng 1-2012, Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm án tử hình của Nguyễn Đức Nghĩa. |