1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Những người mẹ bao dung và giọt nước mắt tử tù

Vượt qua nỗi đau không gì bù đắp được khi con mình vĩnh viễn mất đi dưới bàn tay của kẻ sát nhân, đứng trước tòa, nhiều bà mẹ vẫn độ lượng xin giảm án cho kẻ đã giết con mình bởi không muốn chứng kiến thêm người mẹ khác phải khổ đau…

“Con tui chết rồi không thể sống lại. Nếu xử con rể tui tội chết cũng không thể cứu sống được vợ nó, vậy nên tui mới lặn lội gần trăm cây số lên đây xin tòa tha tội chết cho nó”, người mẹ quê mùa buồn bã trình bày lý do xin giảm án cho kẻ giết con trong vụ án chồng giết vợ xảy ra ở Long An. Huỳnh Tấn Tiền (29 tuổi), ngụ xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, Long An) từ tử hình xuống còn án chung thân về tội “giết người”.

Theo nội dung bản án sơ thẩm, Tiền và chị Nguyễn Thị Kiều Giang (SN 1990) cưới nhau từ năm 2006. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ tháng 7/2011, chị Giang đi làm công nhân tận Bến Lức, còn Tiền làm phụ hồ gần nhà. Từ khi vợ đi làm xa, vợ chồng Tiền thường xảy ra mâu thuẫn do Tiền nghi ngờ vợ ngoại tình. Tối 15/9/2011, khi nghe chị Giang nói ý định muốn đi Đồng Nai hoặc Bình Dương để làm dẫn đến vợ chồng tiếp tục cãi vã. Vì vậy, Tiền càng nghi hoặc trong lòng nên nảy sinh ý định giết vợ rồi tự tử. Khoảng 2h sáng hôm sau, khi thấy vợ đã ngủ say, Tiền liền xuống nhà sau lấy sợi dây điện xiết cổ vợ mình cho đến chết.

Tháng 11/2011, xử sơ thẩm TAND tỉnh Long An đã tuyên phạt Tiền mức án tử hình về tội “giết người”. Ngay sau bản án được tuyên, bà Trần Thị Mai (mẹ chị Giang) đã làm đơn kháng cáo xin giảm án cho Tiền. Tại phiên tòa phúc thẩm, khi nghe bị cáo thừa nhận mọi hành vi mà bản án sơ thẩm quy kết, chỉ xin tòa cho mình một cơ hội được sống để có thể chuộc lại lỗi lầm với mẹ già và những người thân. Không biết những lời lẽ ấy có xuất phát từ đáy lòng một đứa con vướng vào tội lỗi hay xuất phát từ nỗi sợ chết của kẻ tử tù? Thế nhưng nó đã làm tấm lòng người mẹ như bà ứa nước mắt.

Khi tòa mời lên trình bày lý do kháng cáo, bà lấy tay gạt nước mắt nói: “Con tui chết rồi không thể sống lại. Nếu xử rể tui tội chết cũng không thể cứu sống con tui, vậy nên tui mới lặn lội lên đây xin tòa tha tội chết cho nó”.
 
Bà Mai (bìa trái), mẹ của bị hại trong vụ án Huỳnh Tấn Tiền.
Bà Mai (bìa trái), mẹ của bị hại trong vụ án Huỳnh Tấn Tiền.

Trước thái độ của người mẹ, vị chủ tọa gọi Tiền đứng dậy hỏi: “Bị cáo có nghe thấy lời mẹ vợ của bị cáo nói không? Có hiểu tấm lòng của mẹ vợ bị cáo không? Tại sao chỉ vì chút ghen tuông bị cáo có thể đang tâm giết vợ mình?”. Tiền cúi gằm, mắt đỏ hoe, chỉ nói vỏn vẹn được một từ “Có” duy nhất.

Giờ nghị án, bà ngồi tựa lưng vào băng ghế dài rưng rưng nước mắt. Bà nhìn kẻ trước vành móng ngựa bằng ánh mắt xót xa, không một lời oán trách. Bà cho biết có lẽ con rể phạm tội do nhất thời, bà không muốn khoét thêm nỗi đau thêm nữa. Bà buồn vì từ ngày xảy ra cơ sự, thông gia không một lần lui tới hỏi thăm. Dù vậy, một ngày cũng là con, bà thật sự muốn xin cho Tiền được giảm án.

Nghe tòa tuyên chấp nhận đơn kháng cáo, sửa án sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt xuống còn mức tù chung thân về tội “giết người”, kẻ tử tù đứng chết trân như chưa tin vào sự thật. Người mẹ đứng ngẩn ngơ rồi lật đật chạy đến bên khung cửa để kịp nhìn đứa con rể tội lỗi bước qua. “Mẹ ơi, tha lỗi cho con…” - “Ừ, mẹ tha lỗi cho con!”, bà chỉ kịp trả lời gã con rể bấy nhiêu đó thôi rồi nước mắt lại chảy tràn trên mặt.

Cũng là một người mẹ mất con trong vụ án giết người tình do bị cáo Nguyễn Xuân Khánh (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) gây ra nhưng tấm lòng chân thành của bà Phạm Thị Kim Sinh (mẹ nạn nhân T.P.Trâm Anh) khiến cho nhiều người dự khán và HĐXX phiên tòa phúc thẩm hôm ấy phải nể phục.

Theo nội dung bản án sơ thẩm, Khánh và chị Trâm Anh có quan hệ tình cảm với nhau từ năm 2009. Trưa 16/2/2011, cả hai đến thuê phòng tại khách sạn Tân Phụng Quý 2 ở phường Tân Quý (quận Tân Phú) nghỉ qua đêm. Trong thời gian lưu trú tại khách sạn, Trâm Anh có về nhà mẹ ruột ở gần đó chơi. Do nghi ngờ người tình hẹn hò với người khác nên khi Trâm Anh quay về khách sạn, Khánh ghen tuông đập bể điện thoại của người tình. Giận dỗi, Trâm Anh bỏ về nhà mẹ ruột, sau đó gọi điện rủ thêm 3 người bạn cùng đến để sử dụng ma túy. Đến trưa 18/2, khi Trâm Anh quay lại khách sạn, Khánh trả phòng rồi cả hai quay về nhà Trâm Anh. Tại đây, khi nhìn thấy những người bạn nghiện đang ở trong nhà, biết Trâm Anh cùng bạn bè đã sử dụng ma túy, Khánh tức giận dùng tay đánh đập người tình cho đến chết.

Với hành vi phạm tội dã man như trên, Khánh đã bị TAND TP Hồ Chí Minh kết án tử hình về tội giết người. Ngay sau đó, bà Sinh đã làm đơn kháng cáo xin giảm án cho bị cáo. Trình bày lý do kháng cáo tại tòa, người mẹ khẳng khái này thừa nhận vì con gái bị nghiện, Khánh nhiều lần khuyên nhủ bỏ ma túy nhưng con gái bà vẫn lén lút sử dụng. Vì quá yêu con bà nên khi phát hiện Trâm Anh tụ tập bạn bè sử dụng ma túy trở lại, Khánh đã nóng giận nên có đánh, đá con bà. “Thế nhưng khi thấy con tôi yếu sức, Khánh đã vội vã tìm cách cứu chữa, đưa con tôi đi bệnh viện… Tôi nghĩ cái chết của con tôi là ngoài mong muốn của bị cáo. Mặt khác, từ khi vụ án xảy ra, gia đình Khánh đã đến thăm hỏi, động viên tinh thần, xin lỗi và chia sẻ những mất mát khó khăn với gia đình chúng tôi. Từ những lý do trên, với tư cách là mẹ nạn nhân, tôi nghĩ mức án tòa sơ thẩm tuyên Khánh tử hình là quá cao, xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”, bà trình bày.

Ngồi trước vành móng ngựa, nghe mẹ nạn nhân trình bày, Khánh ôm lấy mặt. Cuối cùng sự hối lỗi của bị cáo và lòng bao dung của người mẹ già đã lay động được HĐXX chấp nhận. Xét bị cáo chưa mất hết tính người như bản án sơ thẩm đã nhận định, tại phiên tòa phúc thẩm, mẹ bị hại thiết tha xin giảm án cho bị cáo nên HĐXX đã tuyên giảm án từ tử hình xuống còn chung thân đối với bị cáo Nguyễn Xuân Khánh

Theo A.Huy

CAND