Những chiêu ‘thoát xác’ tinh quái của tội phạm
Sau khi phạm tội, thay vì ra cơ quan đầu thú, nhiều tội phạm tìm cách chốn chui lủi, sử dụng đủ chiêu ‘thoát xác’ nhằm trốn lệnh truy nã của cơ quan chức năng.
Đào hầm trong nhà, trốn truy nã 2.000 ngày
Dù là hàng xóm, song giữa 2 gia đình ông Hồ Văn Hồng (SN 1955) và Huỳnh Văn Thậm, cùng ngụ tại ấp Cái Bát, Thới Bình, Cà Mau thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Tối 29/5/2004, người làm công cho nhà ông Thậm phát hiện con trai ông Hồng “đột nhập” sang đầm tôm của gia đình nên hô hoán bao vây, đánh đập. Uất ức, 3 ngày sau, ông Hồng thuê 7 tên xã hội đen kéo đến nhà ông Thậm để đe dọa, đập phá đồ đạc. Tuy nhiên ngay sau đó, nhóm nhà ông Thậm cũng đã huy động gần 20 người kéo sang “phản công”.
Sau vụ náo loạn, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng. Riêng kẻ chủ mưu Hồ Văn Hồng đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Đến ngày 2/3/2006, Công an huyện Thới Bình ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Hồ Văn Hồng. Sau nhiều năm ròng bặt vô âm tín, đến giữa năm 2011, nhiều người dân phát hiện Hồng tổ chức ăn nhậu buổi đêm ngay trong đầm tôm phía sau nhà.
Tháng 7/2011, Phòng Cảnh sát truy nã phối hợp cùng lực lượng Công an huyện Thới Bình, ập đến nhà Hồng kiểm tra. Tại đây một cán bộ phát hiện phía góc nhà có một thùng xốp nằm trơ trọi. Khi nhấc lên, cơ quan điều tra phát hiện có đường hầm bên dưới. Lúc sau, một người đàn ông ở dưới từ từ chui lên được xác định đúng là Hồ Văn Hồng, kẻ trốn lệnh truy nã hơn 5 năm.
Trốn truy nã… ngay cạnh trụ sở cảnh sát
Áp dụng chiêu thức nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất, Đặng Chiến Thắng (44 tuổi, hộ khẩu tại Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã ngang nghiên trốn truy nã ngay sát trụ sở cảnh sát.
Nhiều năm trước, trong một lần va chạm với hàng xóm, Đặng Chiến Thắng đã đánh người này bị thương. Công an TP.Hà Nội khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên sau ngày gây án, Thắng đã trốn khỏi Hà Nội.
Dù nắm được Thắng đã nhiều lần đến gặp bố mẹ tại Sài Gòn, song lực lượng trinh sát không biết cụ thể nơi Thắng sống. Mỗi lần đi lại, hắn đều sử dụng nhiều hãng taxi, chia thành các chặng nhỏ.
Khi nắm được thông tin con gái Thắng đã chuyển vào Nam sinh sống, lực lượng trinh sát tiếp cận và xác định Thắng đang sống cùng vợ con tại một khách sạn nhỏ do Thắng làm chủ, nằm cách trụ sở Cục Cảnh sát truy nã Tội phạm khu vực phía Nam chừng vài trăm mét.
Dù làm chủ khách sạn, song Thắng không đứng tên mà giao toàn bộ giấy tờ do chị gái làm chủ. Hắn cũng không đăng kí hộ khẩu thường trú tại khu vực mình sinh sống nên trong nhiều năm ròng đã qua mặt được các cơ quan chức năng.
Mượn tên “thoát xác”
Đây được xem là chiêu thức được các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều nhất. Theo đó để trốn lệnh truy nã của công an, các đối tượng này thường bỏ trốn khỏi địa phương, sau đó thay tên, đổi họ với vỏ bọc là một người khác.
Năm 1985, Lê Văn Tiến (SN 1958, ngụ tại phường An Bình, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) bị Công an tỉnh Hậu Giang (cũ) bắt giam vì tổ chức người ra nước ngoài trái phép. Khi đang thu án được 1 năm, đến ngày 10/5/1986, Tiến trốn khỏi trại giam, công an đã phát lệnh truy nã.
Sau gần 25 năm, đến tháng 2/2011, Lê Văn Tiến bị bắt giữ trở lại. Đối tượng này khai nhận, sau khi khi bỏ trốn, Tiến cùng gia đình về Kiên Giang sinh sống và thay tên, đổi họ, làm lại CMND với tên Lê Thanh Phong, làm nghề chạy xe ôm để qua mắt chính quyền địa phương, tránh sự truy tìm của công an. Cũng với chiêu thức tương tự, đối tượng Nguyễn Trịnh Lành (SN 1961, quê xã Lâm Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã trốn truy nã trong gần 20 năm.
Tháng 12/2011, đối tượng Lành bị bắt giữ tại khu vực thôn Giang Mương (Khánh Phú, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) với tên quen gọi là Toàn “thịt lợn”. Tại thời điểm bị bắt giữ, Lành đang sống cùng vợ và 2 con với công việc thường ngày là làm rẫy và nuôi heo.
Cùng trốn truy nã, song để đảm bảo an toàn tuyệt đối, đối tượng Lê Đình Thảo (SN 1985, quê Kiên Giang, bị truy nã về tội hiếp dâm trẻ em) đã cùng các thành viên trong gia đình đổi tên toàn bộ. Sau đó lập hồ sơ giả, để cả nhà xin làm công nhân tại Bình Dương nhằm che mắt cơ quan công an.
“Trốn” truy nã trong tù
Năm 1991, tại bãi vàng A86 thuộc xã Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng), 2 thanh niên Mai Thế Bình và Trần Văn Chất, cùng SN 1964, cùng quê Nga Sơn, Thanh Hóa xảy ra xô xát.
Thấy em ruột là Mai Thế Bình bị đánh, Mai Thế Sơn (SN 1959) xông vào bênh, rút dao đâm Chất tử vong. Sau khi gây án, cơ quan điều tra đã bắt được Mai Thế Bình, còn Sơn bỏ trốn biệt tăm.
Để trốn truy nã, Sơn đổi tên là Đào Xuân Hạnh, lấy vợ, lập gia đình ngay tại Lâm Đồng nhưng thường xuyên thay đổi chỗ ở. Năm 2000, Đào Xuân Hạnh (tức Sơn) phạm tội hiếp dâm và phải ở tù 10 năm nhưng không bị phát giác về tội giết người trước đó. Mới đây khi ra tù về cư trú ở xã Tân Văn, Lâm Hà (Lâm Đồng), thấy có nguy cơ bị lộ, Sơn mới ra đầu thú.
Theo Đức Tâm (tổng hợp)
Vietnamnet