1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nhặt lá mai, làm ngựa giấy đón Tết trong…Tù

Lóng ngóng buộc những bông mai giả lên cành cây khô, phạm nhân Nguyễn Đức Hoàng nói nhỏ: “Nhớ tết hồi nào còn ở nhà, bằng này tôi thường ra sân nhặt lá mai để giao thừa chờ hoa nở. Con gái nhỏ chạy quanh chân ba đòi lấy mấy cái bông be bé cài lên tóc chơi”.

Mái đầu hoa râm của người đàn ông mang tội giết vợ khẽ rung nhè nhẹ: “Một phút nóng giận, tôi mất hết tất cả, Tết về thương con, nhớ vợ, chỉ mong cải tạo tốt, còn có cơ hội đón Tết cùng con cho nó đỡ thiệt thòi”…

Những chú ngựa chào năm Giáp Ngọ
của phạm nhân trại Phú Sơn 4.

Những chú ngựa chào năm Giáp Ngọ của phạm nhân trại Phú Sơn 4.

Nhặt lá mai, nghĩ chuyện làm lại cuộc đời

Trước khi phạm tội tày trời, phạm nhân Nguyễn Đức Hoàng vốn là một thầy giáo hiền lành, vợ cũng là cô giáo. Hai người có một con gái, cuộc sống bình dị trôi qua cho tới một ngày Hoàng phát hiện vợ mình ngoại tình. Một giây nóng giận, Hoàng đã giết vợ để rồi mang án 10 năm tù, để lại con nhỏ cho ông bà nội nuôi dưỡng.

Vào K2, Z30D (Trại giam Thủ Đức) đã được 3 năm, 3 mùa xuân đón tết với bạn tù, Nguyễn Đức Hoàng thấm thía giá trị của cuộc sống gia đình và hối hận vì hành động mông muội của mình hơn bao giờ hết. Cải tạo tốt và có tinh thần hướng thiện, lại thêm chút hoa tay, năm nào Hoàng cũng được giao phụ trách làm cây mai giả để trưng ở sân. Có lẽ đó là việc làm vui sướng nhất mà nam phạm nhân khá lớn tuổi này mong muốn được làm mỗi năm.

Mỗi khi buộc thêm một nhành hoa lên cây, người đàn ông đáng thương mà cũng đáng giận này dường như được quay lại thước phim cũ trong đầu, thước phim hạnh phúc chưa xa, không có một vết xước, trong đó có hình ảnh cô con gái nhỏ giọng trong veo hát “nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng”…

Phạm nhân làm hoa giấy chào
xuân.

Phạm nhân làm hoa giấy chào xuân. 

Hoàn cảnh đặc biệt không kém phạm nhân Nguyễn Đức Hoàng là phạm nhân Nguyễn Thanh Bình, sinh năm 1975. Trước khi “nhập trại”, Bình là con nghiện có H, chuyên bán lẻ ma túy nổi tiếng khu vực quận 6, TP.Hồ Chí Minh. Bị bắt khi đang  bán ma túy lẻ, Bình nhận án 9 năm tù và năm nay là năm thứ 3 Bình đón Tết trong trại giam.

Cậu trai nhỏ nhắn, gương mặt thư sinh nhắc tới Tết, tới cha mẹ với giọng rưng rưng: “Ba mẹ em lớn tuổi rồi không đi thăm em thường xuyên được. Tết về nhớ ba mẹ, nhớ anh chị em trong nhà lắm cán bộ ạ. Nhớ cả quang cảnh đường phố Sài Gòn tấp nập cuối năm, nhà nào cũng nhộn nhịp trang hoàng đón tết”.

Đại tá Trần Văn Hạnh - Phó Giám thị phụ trách K2, Trại giam Thủ Đức - cho biết, khi Bình vào trại sức khỏe rất yếu nên được bố trí làm những việc nhẹ nhàng. Nhờ bàn tay tận tình chăm sóc của các y, bác sĩ trong trại giam, sức khỏe Bình ngày một khá lên. Bình cải tạo tốt và lạc quan, yêu cuộc sống, không mặc cảm mình là đối tượng có H. Năm nay, dù không có người thân thăm nuôi dịp tết nhưng những phạm nhân như Bình lại được nhận sự quan tâm chu đáo từ Giám thị, Quản giáo tới những bạn tù cùng chung cảnh ngộ.

Tâm sự với tôi khi nhặt lá trên cây mai tứ quý đang trổ bông vàng, đỏ trong khu vườn yên tĩnh của Phân trại 2, Bình bảo dù đã mang H 7 năm mà sức khỏe vẫn tốt là vì tinh thần lạc quan, luôn hướng về ngày mai. “Những sai lầm ngày hôm qua em đã nhận thức được ngay khi còn ngồi ở trại tạm giam, vào tới đây rồi, càng thấm thía và em luôn quyết tâm bỏ lại quá khứ đen tối phía sau, nhìn lên phía trước, em luôn tự dặn mình phải cải tạo tốt để sớm được về chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già”.

Còn với phạm nhân Nguyễn Đình Dũng tên cướp trẻ tuổi, manh động, từng là “nỗi khiếp sợ” trên đường phố Sài Gòn thì đây là cái tết đầu tiên trong tù. Lĩnh án 7 năm, vào trại mới được 6 tháng, Dũng bần thần khi nhắc tới Tết. “Nếu được làm lại, em sẽ không sa chân vào con đường tội lỗi này để đổi tuổi xuân lấy 7 năm tù. Em ân hận lắm, mình còn trẻ, sức dài vai rộng, làm gì chẳng có miếng ăn, sao phải đi ăn cướp. Ba mẹ xấu hổ vì mình, bạn bè sau nay chắc cũng chẳng còn ai dám qua lại”.

Dán ngựa giấy mong mùa xuân đến sớm

Rời Trại giam Thủ Đức với nhành mai quý trên tay, chúng tôi ngược ra Bắc, tới Trại giam Phú Sơn 4 (Phú Lương, Thái Nguyên). Không khí mùa xuân cũng đã về trên khắp 6 phân trại và hơn 5.000 phạm nhân. Tới thăm phân trại nào chúng tôi cũng bắt gặp cảnh các phạm nhân đang tự tay trang trí khuôn viên của Trại, chăm sóc cây cảnh, kết đèn hoa chào năm mới. Tiếng hát của các phạm nhân vang lên trong khu tập văn nghệ, họ đang chuẩn bị cho đêm giao lưu tiễn năm cũ qua, đón năm mới đến với nhiều hy vọng tốt lành. Tại phân trại K1, hơn 1.000 phạm nhân nam tất bật xoay quanh các bức vẽ hoa lá mùa xuân trên tường trại giam, một nhóm khác đang làm 4 con ngựa giấy trông như thật để chào năm Giáp Ngọ.

Phạm nhân làm ngựa giấy chào
Xuân Giáp Ngọ tại trại giam Phú Sơn 4

Phạm nhân làm ngựa giấy chào Xuân Giáp Ngọ tại trại giam Phú Sơn 4

Thấy tôi mở chiếc iPad ra chụp ảnh những chú ngựa giấy, nam phạm nhân tên Thắng tới gần tò mò hỏi: “Máy chụp ảnh gì mà to lại nét như thế này hở cán bộ?”. Hỏi ra mới biết phạm nhân này lĩnh án chung thân và đã ở tù 10 năm. Khi nhập trại, iPad và iPhone còn chưa xuất hiện ở Việt Nam. Thắng rất khéo tay, một tay phết hồ, một tay dán khung, chú ngựa bằng giấy báo cứ thế hiện lên trong mắt chúng tôi sống động hệt như thật.

Chung thân, với nhiều người thì đó có thể là dấu chấm hết cuộc đời, nhất là với những người còn trẻ tuổi như Thắng, nhưng tôi vẫn đọc được trong ánh mắt của phạm nhân này những tia hy vọng. Thắng kể 10 năm nay rồi, cứ tới con giáp nào thì Phân trại K1 lại làm con giáp đó bằng giấy và tre. 10 năm, đếm hết chó, mèo, chuột, dê, rồng, ngựa và rồi sẽ là gà, là khỉ, là trâu, mỗi lần phết hồ dán hình con giáp của năm, Thắng vẫn hy vọng mình cải tạo thật tốt để được đặc xá, tha tù, trở về với cuộc đời, làm lại những gì đã đánh mất.

Rưng rưng tình người

Ân hận, hối cải, ăn năn… là tâm trạng chung của hầu hết phạm nhân chúng tôi đã gặp. Ngày thường, vốn dĩ họ đã ăn năn một thì có lẽ mỗi dịp xuân về họ càng ân hận, nuối tiếc nhiều hơn bởi không khí của ngày Tết, của sum vầy, của hội hè lan vào trại giam, đánh thức “phần người”, phần “thiên lương” trong mỗi trái tim tù tội. Nắm bắt được tâm lý ấy, các trại giam đều có chương trình vui xuân, đón tết cho phạm nhân rất chu đáo.

Đại tá Lương Văn Đạo - Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 - cho biết Tết này hơn 5.000 phạm nhân Trại quản lý sẽ được đón Tết với chế độ gấp 5 lần ngày thường cộng với các sản phẩm phạm nhân tự tăng gia sản xuất được. Cánh cổng trại cũng rộng mở để thân nhân tới thăm nuôi phạm nhân trong những ngày Tết. Trại tổ chức gói bánh chưng và liên hoan tất niên cho các phạm nhân cùng với chương trình giao lưu văn nghệ.

Phạm nhân tại Trại giam Thủ Đức
đọc Báo Pháp luật Việt Nam.

Phạm nhân tại Trại giam Thủ Đức đọc Báo Pháp luật Việt Nam. 

Thiếu tá Trịnh Thị Quế - Phó Giám thị Trại giam Thủ Đức - cho biết, đến thời điểm này (23 Tết âm lịch) Trại đã lo tết đầy đủ cho 7.452 phạm nhân. Theo quy định của Nhà nước, ngày Tết phạm nhân được hưởng chế độ gấp 5 lần ngày thường, ngoài ra còn có chế độ thêm do từng phân trại bổ sung cho phạm nhân. Các phân trại đều tổ chức gói bánh chưng và liên hoan tất niên. Các phân trại cũng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho phạm nhân như thi đấu bóng chuyền, múa lân, thi đấu cầu lông, các môn thể thao dân gian, văn nghệ. Đặc biệt, những phạm nhân không có gia đình lên thăm nuôi hoặc đang ốm đau bệnh tật thì Quỹ Tấm lòng vàng của Trại sẽ chăm lo.

… Những chia sẻ của Thiếu tá Trịnh Thị Quế cùng nét cười hồn hậu của nữ Giám thị trẻ nhất trại giam này khiến chúng tôi thêm ấm lòng khi rời trại giam. Xe chạy qua phân trại nữ, ánh nắng chiều vừa tắt, tiếng lá cây khô nổ lách tách trong ánh lửa bập bùng, trong tiếng chổi thưa nhặt là câu chuyện lao xao của nhóm phạm nhân đang quét sân bàn về tiệc tất niên sắp tới. Mùa xuân đang về rất đỗi an nhiên và bình dị, ngay cả ở nơi cái ác và cái thiện còn đan xen. Và mạnh hơn hết thảy, những mầm “thiên lương” đang “nảy lộc, đâm chồi”.

Theo Thanh Lương

Pháp luật Việt Nam