1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nhận diện các bị can bị khởi tố trong vụ bắt giam ông Trầm Bê

Như ANTĐ thông tin, ngày 31-7, CQĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank.

Vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra tại các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB); Ngân hàng Tiên Phong (TP Bank); Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); với 25 đối tượng bị khởi tố.

Liên minh” ngân hàng - doanh nghiệp

Ngoài Trầm Bê; Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Sacombank, còn có: Đặng Thị Bích Thủy, cựu Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Tiên phong Bank; Đinh Việt Cường, cựu Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Tiên phong Bank; Đỗ Việt Bun, cựu Trưởng nhóm khách hàng doanh nghiệp 1 Tiên phong Bank; Nguyễn Việt Hà, Tổng Giám đốc Quỹ Lộc Việt và Nguyễn Thị Cẩm Vân, nhân viên Quỹ Lộc Việt.

Có 3 bị can thuộc Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định là: Hoàng Long Hà, Phó Giám đốc chi nhánh; Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng khách hàng 1 và Nguyễn Vũ Bảo, cán bộ Phòng khách hàng. Cùng 11 Giám đốc công ty đứng tên vay vốn tại Tiên phong Bank là: Vũ Viết Minh Quân, Giám đốc Công ty Long Khánh; Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Thịnh Phát; Phạm Hoài Thanh, Phó Giám đốc Công ty Thạch Hà; Nguyễn Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty An Phát; Hà Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Phát Việt Nam; Đỗ Phương Nam, Phó Giám đốc Công ty Đại Phát Việt Nam; Nguyễn Thế Linh, Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phát; Lê Duy Thọ, Giám đốc Công ty Kỳ Nam; Ong Khắc Chung, Giám đốc Công ty Toàn Phát; Trần Quang Huy, Giám đốc Công ty Toàn Phát; Đỗ Minh Thủy, Giám đốc Công ty Đức Long.

“Bổ sung” vào danh sách 25 bị can là 4 Giám đốc công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào cho 12 công ty vay vốn tại BIDV là: Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty Thịnh Quốc; Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Công ty Quốc Thắng; Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Trang Phạm và Nguyễn Thị Kim Vân, Giám đốc Công ty Hương Việt. Trong số này có 16 bị can bị bắt giam, 5 bị can được tại ngoại và 4 bị can đang thi hành án ở một số vụ án khác.

Lập hồ sơ khống rút hàng nghìn tỷ đồng

Theo CQĐT, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Về hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng; CQĐT bước đầu xác định, tháng 9-2013, Phạm Công Danh đến Ngân hàng BIDV gặp những người có trách nhiệm để đặt vấn đề các khách hàng doanh nghiệp của Danh cần vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng; nhưng do Ngân hàng Xây dựng đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên VNCB giới thiệu sang BIDV để xem xét cho vay đề án 4 gói nhà nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh vật liệu xây dựng của các công ty. Trường hợp nào khách hàng do VNCB giới thiệu không đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố thế chấp đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV.

Sau đó, Phạm Công Danh lập hồ sơ tài chính năm 2012 của các công ty vay vốn để tiến hành lập khống các phương án vay vốn các hợp đồng mua bán vật liệu đầu vào, đầu ra rồi nộp cho BIDV Hội sở và chi nhánh sẽ trực tiếp cho vay. Phạm Công Danh đã dùng tài sản đảm bảo là 6 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng và 3.070 tỷ đồng của VNCB gửi tại BIDV để bảo lãnh khoản vay và được BIDV cho vay tổng số tiền 4.700 tỉ đồng.

Từ tháng 6-2012 trở về trước, Phạm Công Danh đã nhờ nhân viên, bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà, họ hàng đứng tên giám đốc, người đại diện pháp nhân của 12 công ty và số người này được Danh trả tiền từ 5-10 triệu đồng/tháng. Các công ty này thực chất không có hoạt động kinh doanh gì.

Hành vi của Trầm Bê, Phạm Công Danh cùng các đồng phạm vừa bị khởi tố đã gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó có khoản 1.800 tỷ đồng mà Trầm Bê đồng ý cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay với tài sản đảm bảo là tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại Sacombank. Năm 2014 đến hạn trả khoản vay nêu trên nhưng 6 công ty không trả nợ được theo điều khoản của hợp đồng, Sacombank đã tự thu nợ gốc 1.800 tỷ đồng từ tài khoản tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng.

Khoản vay thứ hai do Nguyễn Việt Hà giới thiệu 5 công ty và một số đối tượng khác giới thiệu 6 công ty, tổng cộng là 11 công ty đã vay vốn của Ngân hàng Tiên Phong. Khi nhận hồ sơ của 11 công ty này, các chuyên viên và lãnh đạo Ngân hàng Tiên Phong đã không thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về cho vay tín dụng mà vẫn phê duyệt cấp tín dụng cho 11 công ty với tổng số tiền là hơn 1.600 tỷ đồng.

Theo Hoàng Quân

An ninh thủ đô