1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nhà ngoại cảm rởm - Loại tội phạm tinh vi, xảo quyệt

(Dân trí) - “Cố tình đưa thông tin giả, sau đó chiếm đoạt tài sản theo cách khiến thân nhân liệt sĩ biết ơn, hậu tạ. Đó là loại tội phạm lừa đảo tinh vi, xảo quyệt mà cơ quan điều tra cần làm rõ”, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định.

Đau đáu nhiều chục năm trời mong tìm được hài cốt người thân, nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ đã trở thành “món hàng” béo bở của những nhà ngoại cảm rởm. Khi mang hài cốt về quê an táng và đi giám định khoa học hoá ra chỉ là xương động vật hoặc tổ mối... Dưới góc độ pháp luật, luật sư nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

 

Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn luật sư TP Hà Nội

Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn luật sư TP Hà Nội

 

Phải nói rằng việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm là vấn đề tâm linh. Không ít người cho rằng: “Nhà ngoại cảm là hiện thân của tâm linh, tin vào nhà ngoại cảm tức là tin vào tâm linh. Đón bắt được nhu cầu thiết tha của rất nhiều thân nhân liệt sĩ, các “cậu”, các “cô” không có khả năng gì đặc biệt, cũng tự xưng mình là “nhà ngoại cảm” để dùng nhiều chiêu bài gian dối trục lợi.

 

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào cấp chứng chỉ hành nghề “ngoại cảm” hay chứng chỉ pháp lý tương ứng cho hoạt động này. Thời gian gần đây, dư luận dấy lên vấn đề xuất hiện nhiều người tự xưng là “nhà ngoại cảm”. Những người này dưới danh nghĩa cá nhân hay tổ chức đã lợi dụng niềm tin của thân nhân các gia đình liệt sĩ, hoạt động bất hợp pháp và trục lợi mà không quan tâm đến kết quả công việc thực hiện. Đó là việc làm phi nhân đạo, hết sức đau lòng. Những người có khả năng ngoại cảm thực sự không làm như vậy. Bởi truy tìm hài cốt liệt sĩ đó là một hoạt động mang tính hết sức nhân văn, thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn, tinh thần đền ơn đáp nghĩa, tu tâm tích đức cho đời sau của những người có lương tri.

 

Ở một góc nào đấy trong cuộc sống hàng ngày, người ta vẫn nhắc tới những nhà ngoại cảm rởm. Nhưng vì sao thân nhân các gia đình liệt sĩ lại mất cảnh giác như vậy?

 

Đó là tâm lí rất phổ biến của thân nhân các liệt sĩ khi tìm được hài cốt. Bởi họ khắc khoải, mòn mỏi chờ đợi trong nhiều năm, đến khi nghe tin tìm được hài cốt người thân khiến họ vui sướng đến vỡ oà mà không mấy gia đình nghĩ đến việc thẩm định, phản biện để làm rõ đó có thật phải là hài cốt liệt sĩ nhà mình hay không.

 

Thường thân nhân các liệt sĩ khi đến gặp nhà ngoại cảm, thông qua sự giới thiệu của người thân, bạn bè. Cho nên ngay từ ban đầu những nhà ngoại cảm này đã tạo được niềm tin nhất định từ các khổ chủ. Đến khi nhà ngoại cảm làm công tác xác định trước được vị trí, toạ độ, không gian, thời gian, cảnh quan xung quanh thì vẽ sơ đồ rất chi tiết. Điều này khiến cho gia đình thân nhân các liệt sĩ càng trở nên  tin tưởng, nên khi tìm được hài cốt thì không ai nghi ngờ, thậm chí nhiều gia đình không dám nghĩ đến việc nghi ngờ thành quả của nhà ngoại cảm.

 

Có thể nhà ngoại cảm không đặt vấn đề về tiền bạc, nhưng thường khi tìm được hài cốt thân nhân các liệt sĩ vẫn tỏ lòng biết ơn, hậu tạ bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị lớn, thậm chí rất lớn. Vậy thì đây có phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?

 

Xét về mặt khách quan của tội lừa đảo: Hành vi đưa ra những thông tin giả, sai sự thật bằng thủ đoạn thông thường hay tinh vi khiến cho người khác tin đó là sự thật nhằm mục chiếm đoạt tiền, tài sản. Nếu thủ đoạn gian dối mà không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì không phạm tội.

 

Về mặt chủ quan (ý thức người phạm tội): Người phạm tội biết đó là thông tin giả, không đúng sự thật, nhưng vẫn cố ý che đậy để người khác (thân nhân liệt sĩ), và mong muốn cho họ tin đó là sự thật. Mục đích chiếm đoạt tài sản đã hình thành ngay từ trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối. Còn nếu sau khi nhận tiền, tài sản rồi, do nguyên nhân nào đó mới có ý định chiếm đoạt thì có thể phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

 

Ở đây nếu làm rõ được hai dấu hiệu trên thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Bên cạnh đó, đặc điểm của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là bị hại thường tự nguyện trao tài sản cho người phạm tội do ý thức rằng thông tin giả nhà ngoại cảm cung cấp là sự thật.

 

Vấn đề khó khăn để xử lý các cá nhân thực hiện vi trong trường hợp này là ngoài việc phải làm sáng tỏ được các dấu hiệu tội phạm nêu trên, còn chứng minh được thủ đoạt tinh vi, xảo quyệt qua mặt cơ quan chức năng trong việc chiếm đoạt tài sản. Điều này rất cần sự hợp tác toàn diện của gia đình những người bị hại.

 

Hồng Ngân