Nguyên Tổng giám đốc Euro Auto bị đề nghị mức án 14 năm tù
(Dân trí) - Thảo và đồng phạm làm giả hóa đơn nhập khẩu xe BMW giá thấp hơn giá của nhà sản xuất, gây thất thoát nhiều tỉ đồng thuế.
Sáng 5/6, TAND TPHCM mở phiên xử vụ buôn lậu 91 ô tô BMW liên quan đến công ty cổ phần ô tô Âu Châu - Euro Auto, từng là đơn vị phân phối chính hãng xe BMW tại Việt Nam.
Theo đó, các bị cáo Nguyễn Đăng Thảo (sinh năm 1974, nguyên Tổng giám đốc Euro Auto), Nguyễn Thị Minh Yến (sinh năm 1982, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý sản phẩm và phân phối Euro Auto) và Trần Hải Đăng (sinh năm 1974, nguyên Phó giám đốc công ty TNHH TM dịch vụ giao nhận Việt Á, gọi tắt là Công ty Việt Á) bị truy tố về tội buôn lậu
Theo đại diện Viện KSND TPHCM, từ tháng 7/2007, Công ty Euro Auto ký hợp đồng với Công ty BMW AG của Cộng hòa Liên bang Đức để làm đại lý nhập khẩu, phân phối chính thức ô tô BMW, Mini Cooper và Motorrad tại Việt Nam.
Đến tháng 12/2016, Euro Auto ký 473 hợp đồng, nhập khẩu hơn 9.350 xe BMW, Mini Cooper và Motorrad với tổng trị giá gần 5.500 tỉ đồng.
Để làm thủ tục nhập khẩu, Euro Auto và Công ty Việt Á ký hợp đồng dịch vụ giao nhận. Trần Hải Đăng trực tiếp làm thủ tục khai báo hải quan, thông quan, giao nhận hàng hóa.
Trong năm 2013, Đăng làm giả các tài liệu, chứng từ và hóa đơn nhập khẩu 91 xe BMW có giá trị thấp hơn hóa đơn do Tập đoàn BMW AG phát hành. Các giấy tờ này được chuyển cho Nguyễn Thị Minh Yến để trình Nguyễn Đăng Thảo hoàn thiện hồ sơ khai báo hải quan.
Cơ quan điều tra xác định Thảo có vai trò chính trong vụ án, bởi là đại diện Công ty Euro Auto trực tiếp ký các chứng từ, tài liệu giả hoàn thiện thủ tục nhập khẩu ô tô, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 6,45 tỉ đồng thuế các loại.
Euro Auto đã bán những ô tô này cho khách hàng với giá tổng cộng hơn 206 tỉ đồng. Do khách mua xe không biết công ty sử dụng chứng từ giả để nhập khẩu nên không bị thu hồi xe. Tuy nhiên, Euro Auto phải chịu trách nhiệm về giá trị số xe buôn lậu đã tiêu thụ.
Từ những những lập luận trên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng có đủ căn cứ xác định các bị cáo đã phạm vào tội buôn lậu như cáo trạng quy kết. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội gây thất thoát hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, các bị cáo thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt, đã khắc phục một phần hậu quả. Từ đó, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong quá trình lượng hình.
Trong vụ án này, bị cáo Thảo có vai trò chính nên cần phân hóa vai trò tội phạm. Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Thảo mức án từ 12 – 14 năm tù, bị cáo Đăng mức án 10 – 12 năm tù và bị cáo Yến mức án từ 8 - 10 năm tù cùng về tội buôn lậu.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Thảo cho rằng bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi trong việc buôn lậu. Hồ sơ vụ án và những chứng cứ buộc tội bị cáo rất mơ hồ. Bị cáo có sai phạm nhưng chỉ dừng lại ở mức độ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là tội trốn thuế. Từ đó, bị cáo Thảo đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Thảo cho rằng cơ quan điều tra đã tạm giam bị cáo quá thời hạn. Trong quá trình điều tra, luật sư và gia đình bị cáo đã nhiều lần yêu cầu thay đổi biện pháp ngăn chặn nhưng không được phản hồi. Các bị cáo luôn thành khẩn khai báo, có địa chỉ nơi ở cụ thể. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Thảo.
Phiên tòa tiếp tục tranh luận.
Xuân Duy