Nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng MHB “đẩy” tội cho cấp dưới
(Dân trí) - Bị cáo Huỳnh Nam Dũng cho rằng việc mua bán trái phiếu là trách nhiệm của bà Lữ Thị Thanh Bình và ông Nguyễn Phước Hòa. Tuy nhiên, những bị cáo này khẳng định làm theo chỉ đạo của Huỳnh Nam Dũng.
Ngày 4/7, TAND TPHCM tiếp tục xét xử vụ án gây thiệt hại 450 tỉ đồng xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Mở đầu phần xét hỏi, bị cáo Huỳnh Nam Dũng cho rằng cáo trạng truy tố không đúng. Lời khai của các bị cáo nguyên là cấp dưới của ông không có cơ sở, không đúng sự thật khách quan.
Bị cáo Huỳnh Nam Dũng cho rằng việc mua bán trái phiếu là trách nhiệm của bà Lữ Thị Thanh Bình và ông Nguyễn Phước Hòa. Bị cáo khai nhận HĐQT ngân hàng không ban hành văn bản chỉ đạo. Cá nhân bị cáo không có chủ trương tự kinh doanh trái phiếu. Thêm nữa, điều lệ hoạt động thể hiện rõ giám đốc công ty là người có thẩm quyền và trách nhiệm cao nhất đối với tất cả hoạt động. Với vai trò Chủ tịch HĐQT, bị cáo Dũng chỉ tham gia…họp.
Ông này cũng nói rằng không có bằng chứng chứng minh ông nhận được thù lao 460 triệu đồng như cáo trạng nêu và các báo cáo tài chính không thể hiện điều này.
Tuy nhiên, bị cáo Lữ Thị Thanh Bình (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long – MHBS) khai, năm 2008 MHB bắt đầu rơi vào tình trạng làm ăn không hiệu quả, thua lỗ. Với quyết tâm không để lỗ trên sổ sách, bị cáo Huỳnh Nam Dũng chỉ đạo HĐQT ra nghị quyết phát hành trái phiếu.
Đến năm 2013, bị cáo Dũng chỉ đạo MHBS bán trái phiếu, số tiền sau khi mua bán trái phiếu còn dư đem gửi chính các chi nhánh của MHB để hưởng lãi. Thời gian sau, Sở giao dịch MHB đã chuyển tiền cho MHBS mua lại 2,1 triệu trái phiếu đã bán cho đối tác. Việc chuyển tiền, nhận tiền như thế nào bà Bình không biết. Nguyên Tổng giám đốc MHBS không thể giải thích vì sao công ty để xảy ra lỗ 410 tỉ đồng, có thể do quá trình mua bán, kinh doanh trái phiếu.
Về việc này, tòa chất vấn Trương Thanh Liêm (nguyên Phó giám đốc Phân tích đầu tư) vì bị cáo biết tường tận việc mua bán, thu hồi trái phiếu giữa MHBS với đối tác. Theo bị cáo Liêm, lãnh đạo MHB đã chỉ đạo xây dựng công bố thông tin để phát hành trái phiếu ra bên ngoài. Sau khi bán, lãnh đạo MHB tiếp tục chỉ đạo rằng MHBS được quyền mua lại trái phiếu đã bán trước đó nhưng phải gặp gỡ, đàm phán với đối tác. Thực hiện chỉ đạo, bị cáo Liêm đã sử dụng nguồn tiền của MHBS để mua lại trái phiếu theo nguyên tắc trên. Ngoài ra, bị cáo cũng thừa nhận chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, còn nguồn tiền lấy từ đâu để mua lại trái phiếu thì hoàn toàn không biết.
Trả lời HĐXX, Nguyễn Phước Hòa (nguyên Tổng giám đốc MHB) thừa nhận mình có tội và chỉ mong tòa xem xét giảm nhẹ khi lượng hình. Theo bị cáo, việc dùng gần 5.000 tỉ đồng của MHB để mua trái phiếu Chính phủ nhưng không mua được đã là sai phạm quá lớn. Thứ hai, khi MHBS nhận tiền từ MHB đã không sử dụng đúng mục đích cũng là hành vi trái pháp luật.
Lý giải việc MHB khẩn trương thu hồi số cổ phiếu đã phát hành trước đó cho đối tác, bị cáo Hòa cho biết, sau khi Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng phòng giao dịch VietinBank chi nhánh Điện Biên Phủ, TPHCM) bị khởi tố, MHB đã họp khẩn cấp về việc phải thu hồi số trái phiếu này, tránh gây ảnh hưởng đến đối tác của MHB. Việc mua bán, thu hồi trái phiếu được bị cáo Trần Mỹ Linh (nguyên kế toán trưởng MHB) gửi email cho Hòa và tất cả thành viên lãnh đạo MHB.
Trước tòa, bị cáo Hòa thẳng thắn nhìn nhận có một phần trách nhiệm trong việc để xảy ra hậu quả như cáo trạng truy tố, bởi đã không có thái độ thẳng thắn, dứt khoát với những hành vi không đúng của lãnh đạo MHB, MHBS.
Trước những lời khai mâu thuẫn, trái ngược nhau không thể làm rõ tại tòa, HĐXX TAND TPHCM đã quyết định trả hồ sơ về cho Viện KSND tối cao yêu cầu điều tra bổ sung.
Xuân Duy