Người phụ nữ liên tục tìm cách tự sát vì bị phạt tù
(Dân trí) - Bị Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM phạt 5 năm tù, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng nhiều lần tự sát nhưng bất thành. Theo kết luận giám định tâm thần, bà bị trầm cảm, hạn chế khả năng nhận thức.
Ngày 4/4, Tòa án Nhân dân TPHCM xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Tài chính TNHH MTV cao su Việt Nam (RFC) - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Các bị can Phan Minh Anh Ngọc - cựu Tổng Giám đốc RFC, Phan Long Hải Âu - cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng, Nguyễn Anh Tuấn - cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng, bị truy tố về tội tham ô tài sản.
Liên quan tới vụ án, trước đó một số cựu cán bộ, nhân viên RFC bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Ông Ngọc hiện đang chấp hành hình phạt 22 năm tù cho nhiều bản án khác nhau.
"Hô biến" 100 ha thành 780 ha
Theo cáo trạng, năm 2011, trên cơ sở đề nghị của Phan Long Hải Âu - cựu Tổng Giám đốc RFC - đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi sử dụng pháp nhân Công ty Minh Hằng lập hồ sơ đề nghị vay vốn tại RFC.
Thủ đoạn của các bị can là nâng khống hạn mức trồng 780 ha cao su ở tỉnh Đắk Lắk, trong khi dự án chỉ được trồng 100 ha, để ông Ngọc duyệt cho vay số tiền 65 tỷ đồng, nhằm sử dụng một phần vào việc đầu tư trồng cao su, phần còn lại chiếm đoạt cá nhân.
Cụ thể, bị can Âu đã lập và chỉ đạo Nguyễn Anh Tuấn ký hồ sơ khống sử dụng tiền vào dự án nhưng không có chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, để RFC giải ngân 58 tỷ đồng. Tuy nhiên, cựu Tổng Giám đốc Công ty Minh Hằng chỉ sử dụng trên 11 tỷ đồng đầu tư trồng cao su, số tiền còn lại các bị can chiếm đoạt của RFC.
Cáo trạng nêu, ông Ngọc có vai trò quyết định việc cho vay, ông Âu có vai trò chủ mưu, ông Tuấn có vai trò giúp sức tích cực trong hành vi tham ô tài sản. Các bị can là cán bộ RFC đã vi phạm quy định cho vay, tạo điều kiện cho các ông Ngọc, Âu và Tuấn chiếm đoạt tiền của RFC.
Cơ quan công tố xác định, các bị can đã gây thiệt hại cho RFC 102 tỷ đồng, trong đó 3 bị can nói trên chiếm đoạt trên 46 tỷ đồng và gần 60 tỷ đồng tiền lãi phát sinh do hành vi tham ô gây ra.
Liên tục tự sát bất thành
Liên quan vụ án tham ô tài sản, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng - Phó trưởng Phòng kế toán RFC - đã ký 16 phiếu chi và 2 ủy nhiệm chi với tổng số tiền 58,3 tỷ đồng khi hồ sơ giải ngân không có chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn đúng mục đích. Cơ quan tố tụng xác định hành vi của bà Hằng vi phạm quy định pháp luật, gây thiệt hại cho RFC.
Tuy nhiên, trước khi bị xác định có sai phạm trong vụ án tham ô tài sản, tháng 8/2020, bà Hằng bị Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM tuyên phạt mức án 5 năm tù tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng (bản án có hiệu lực ngay sau khi tòa tuyên).
Quá trình xét xử năm 2020, bà Hằng được tại ngoại, sau khi tòa tuyên án được 3 tháng thì bà nhảy lầu nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Một thời gian sau, bà lại uống thuốc sâu tự tử nhưng được đưa đi cấp cứu kịp thời...
Sau đó, gia đình đưa bà Hằng vào bệnh viện tâm thần khám, kết luận bị trầm cảm nặng, được chỉ định điều trị nội trú nhưng chồng bà xin điều trị ngoại trú. Theo kết luận pháp y về sức khỏe, bà Hằng bị tổn thương 66%.
Tiếp đó, cơ quan tố tụng quyết định trưng cầu giám định đối với bà Hằng. Theo kết luận giám định của Trung tâm pháp y tâm thần TPHCM, bà bị trầm cảm trung bình, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Bệnh tình của bà Hằng có thể diễn biến nặng và có hành vi tự sát, việc chấp hành phạt tù có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Do đó, cơ quan điều tra không xử lý trách nhiệm hình sự bà Hằng trong vụ án tham ô tài sản.
Tại phiên tòa ngày 4/4, luật sư đề nghị triệu tập thêm một số người liên quan như cơ quan giám định nhưng không được tòa chấp nhận.
Trong phần xét hỏi, phần lớn các bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng đã nêu nhưng đề nghị xem xét lại về tội danh.
Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 2 ngày.