Nghệ An:
Người nhà bị hại làm náo loạn phòng xét xử
(Dân trí) - Kháng cáo yêu cầu tử hình kẻ giết con mình nhưng không được chấp nhận, người nhà bị hại Nguyễn Như Quế Anh đã to tiếng, gây náo loạn tại phòng xét xử. Để không ảnh hưởng đến các phiên xử tiếp theo, HĐXX TAND cấp cao phải yêu cầu lực lượng công an cưỡng chế, đưa những người này ra khỏi phòng xử án.
Đây không phải là lần đầu tiên người nhà bị hại Nguyễn Như Quế Anh gây náo loạn tại phiên tòa. Chiều ngày 22/7/2015, khi phiên tòa sơ thẩm tuyên án, người nhà của bị hại Quế Anh đã ném di ảnh lên xe của lực lượng hỗ trợ tư pháp, chặn xe của lực lượng cơ động và kéo nhau đến trụ sở UBND tỉnh Nghệ An để phản đối mức án mà HĐXX TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên.
Bởi vậy, trước khi phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội diễn ra, tình hình an ninh tại trụ sở TAND Nghệ An – nơi diễn ra phiên tòa đã được thắt chặt. Công an tỉnh Nghệ An đã huy động gần 150 cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng hỗ trợ tư pháp, đặc nhiệm, cơ động, cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Chỉ có những người có giấy triệu tập của Tòa án mới được vào phòng xét xử. Tất cả các vật dụng mà người tham gia phiên tòa mang theo có nguy cơ gây mất an toàn đều được giữ lại ngoài cổng.
Khi chủ tọa phiên tòa bước vào phần xét hỏi công khai, mẹ bị hại Quế Anh đã quỳ xuống nền, giơ cao di ảnh nạn nhân đề nghị tòa xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu bà bình tình, giữ uy nghiêm chốn công đường.
Theo cáo trạng, trưa ngày 18/12/2013, trong quá trình nói chuyện qua lại, Nguyễn Như Quế Anh (SN 1992, trú tại thị trấn Kim Sơn, Quế Phong) dùng đá ném vào đầu Cao Xuân Thủy (SN 1990, trú tại xã Tiền Phong, Quế Phong) gây chảy máu. Sau khi đưa Thủy đi sơ cứu, Nguyễn Đức Phúc gặp anh Trương Văn Toàn (cán bộ Công an huyện Quế Phong) nói có chém nhau. Anh Toàn đi theo Phúc đến nhà Quế Anh để nắm tình hình. Tại đây, Quế Anh trách Phúc đã đưa Thủy đi bệnh viện, Phúc đòi mang dao đi chém Thủy nhưng Toàn can ngăn.
Cao Xuân Thanh (SN 1986, anh trai của Thủy) và Phạm Văn Phúc (SN 1985, trú tại thị trấn Kim Sơn, Quế Phong) đang đi uống cà phê, nghe tin em trai bị đánh nên về nhà xem. Nghe em trai kể lại sự việc, Cao Xuân Thanh bảo Phúc “đi lấy mấy cái đồ” rồi ra vườn lấy một khẩu săm lét dấu vào áo. Thanh, Thủy và Văn Phúc chạy xe máy đến nhà Quế Anh. Nguyễn Đình Đức gặp anh em nhà Thủy đi nên đi theo.
Tại nhà Quế Anh, trong khi cãi cọ với Thủy, Quế Anh chạy vào nhà cầm một thanh kiếm ra chém một nhát trúng đầu Thủy khiến Thủy ngã xuống đất. Thấy em trai bị chém, Cao Xuân Thanh rút súng bắn một phát vào người Quế Anh khiến nạn nhân tử vong. Sau khi gây án, Cao Xuân Thanh và Phạm Văn Phúc lên xe máy bỏ trốn. Ngày 19/12/2013, cả hai đến Công an huyện Quế Phong đầu thú.
Trong phiên xử ngày 22/7/2015, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Cao Xuân Thanh tù chung thân, Phạm Văn Phúc 7 năm tù về tội giết người; Cao Xuân Thủy 24 tháng tù giam về tội gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra các bị cáo phải bồi thường cho phía bị hại hơn 105 triệu đồng, cấp dưỡng cho mẹ bị hại 1 triệu đồng/tháng (Thanh 700 nghìn, Phúc 300 nghìn).
Đại diện hợp pháp của người bị hại đã có đơn kháng cáo theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo. Các bị cáo cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện người bị hại cho rằng phiên sơ thẩm đã xử không đúng người, đúng tội, bỏ lọt tội phạm và mức án dành cho các bị cáo là quá nhẹ. Họ đề nghị HĐXX TAND cấp cao dành cho bị cáo Cao Xuân Thanh mức án tử hình, xem xét lại tội danh “gây rối trật tự công cộng” đã tuyên đối với bị cáo Cao Xuân Thủy và đề nghị bị cáo này án chung thân về tội giết người.
Phía bị hại cho rằng trong vụ án này vai trò của Trương Văn Toàn, Nguyễn Đình Đức, Nguyễn Đức Phúc chưa được làm rõ; yêu cầu xem xét 3 người này theo hướng là đồng phạm chứ không phải là nhân chứng.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho rằng trong vụ án này còn nhiều vấn đề cần được làm rõ, trong đó có vai trò của Trương Văn Toàn, Nguyễn Đình Đức, Nguyễn Đức Phúc. Luật sư đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, điều tra bổ sung để đảm bảo đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.
Đại diện Viện KSND cấp cao cho rằng không có căn cứ xem xét để tăng án theo kháng cáo của đại diện người bị hại cũng như giảm án theo kháng cáo của 3 bị cáo; đề nghị giữ nguyên mức án như cấp sơ thẩm đã tuyên.
Tại phiên tòa, các bị cáo và phía bị hại không cung cấp được các tình tiết mới, sau khi nghiên cứu toàn diện vụ án, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên bố bác đơn kháng cáo của các bị cáo, không chấp nhận được kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại, giữ nguyên mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên.
Ngay sau khi Chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phiên xét xử, người nhà bị hại Nguyễn Như Quế Anh bắt đầu lớn tiếng phải đối phán quyết của HĐXX. Họ giơ cao di ảnh nạn nhân, la hét và có những lời nói thiếu kiểm soát. Lực lượng hỗ trợ tư pháp thuyết phục phía bị hại giữ bình tĩnh, rời tòa để HĐXX tiếp tục làm việc nhưng bất thành.
Sự việc có dấu hiệu căng thẳng hơn khi các chị em gái của nạn nhân lên tiếng tuyên bố không chấp nhận kết quả phiên tòa hôm nay. Trước tình hình này, phiên tòa tiếp theo không thể diễn ra buộc Chủ tọa phiên tòa yêu cầu lực lượng hỗ trợ tư pháp cưỡng chế, đưa những người quá khích ra khỏi phòng xét xử. Tuy nhiên nhóm người này tiếp tục to tiếng và chống đối buộc lực lượng hỗ trợ tư pháp phải cưỡng chế, kéo họ ra ngoài, áp tải ra tận cổng trụ sở tòa án. Nhóm người này tiếp tục bao vây cổng tòa cho đến khi chiếc xe chở các bị cáo rời tòa án.
Hoàng Lam