1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Người kiện bà Phương Hằng có quyền đòi "đền bù thiệt hại"... 1.000 tỷ đồng?

Hồng Lĩnh

(Dân trí) - Theo luật sư, nguyên đơn có quyền đưa ra con số về yêu cầu bồi thường thiệt hại, có thể 1.000 tỷ đồng hoặc thậm chí cao hơn. Tòa án sẽ căn cứ vào chứng cứ, tài liệu để chấp nhận hay không.

TAND Quận 1 (TPHCM) vừa thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do bà Lê Thị Giàu (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây) kiện bà Nguyễn Phương Hằng (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam).

Trong đơn khởi kiện, bà Giàu cho rằng mình bị bà Phương Hằng livestream vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Từ đó, bà chủ công ty Bình Tây yêu cầu bà Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần cho mình số tiền 1.000 tỷ đồng.

Người kiện bà Phương Hằng có quyền đòi đền bù thiệt hại... 1.000 tỷ đồng? - 1
Bà Phương Hằng bị kiện đòi bồi thường với số tiền "khủng".

Với số tiền yêu cầu bồi thường "khủng" trên, nhiều người quan tâm nguyên đơn phải tạm đóng bao nhiêu tiền án phí.

Trong vụ ly hôn nghìn tỷ giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải đóng án phí lên tới 8,1 tỷ đồng.

Một thẩm phán đang công tác tại TPHCM cho biết, theo điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 (quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án), người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín được miễn nộp tiền tạm ứng án phí.

Với quy định này, trong trường hợp khởi kiện liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín như trường hợp của bà Giàu không phải chịu án phí sơ thẩm. Vì vậy, dù nguyên đơn kiện đòi 1.000 đồng hay đòi hơn 1.000 tỷ đồng vẫn không phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Như vậy, trường hợp tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Giàu thì bà vẫn được miễn án phí.

Ngoài án phí, còn một số tranh cãi về việc một người có thể cầu mức bồi thường ra sao.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân là quyền nhân thân bất khả xâm phạm được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ. Khi có căn cứ cho rằng nó bị người khác xâm phạm thì cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình.

Theo nội dung vụ việc, bà Giàu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó có phần yêu cầu bồi thường do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Về phần này, Bộ luật dân sự năm 2015 liệt kê đó là những thiệt hại như chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và những thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định thêm về một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xâm phạm phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở, tức như hiện nay thì không quá 14,9 triệu đồng.

Hiện nay nhiều người đang bị nhầm lẫn giữa tổng số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân bị xâm phạm và một khoản tiền để bù đắp tổn thất tinh thần.

Về phần yêu cầu bồi thường tổn thất về vật chất, trong quá trình giải quyết vụ án, bà Giàu sẽ phải đưa ra những căn cứ để chứng minh những thiệt hại mà bà cũng như thương hiệu, công ty của bà phải gánh chịu, để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại. 

Cũng theo luật sư Tú, nguyên đơn có quyền đưa ra con số về yêu cầu bồi thường thiệt hại, có thể 1.000 tỷ đồng hoặc thậm chí cao hơn. Khi xét xử, tòa án sẽ căn cứ vào chứng cứ, tài liệu thu thập được để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu này.

Lý giải căn cứ đưa ra con số bồi thường "khủng", bà Giàu cho biết sẽ lý giải, chứng minh thiệt hại trong quá trình giải quyết vụ án.