1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Người đồng tính xâm hại trẻ em: Khó xử lý!

Gần đây xuất hiện thông tin nữ sinh mất tích với nghi vấn là do người đồng tính rủ rê bỏ đi khỏi nhà và dụ dỗ quan hệ tình dục.

Kết nghĩa “vợ chồng” rồi bỏ nhà đi

Mới đây nữ sinh lớp 9 N.T.D. Nguyên (15 tuổi, ngụ phường 5, quận 8) được cho là mất tích từ ngày 21-3 đã về nhà.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, trưa 21-3, Nguyên nói với gia đình là đi học nhưng nhờ bạn cùng lớp chở ra Bến xe quận 8 rồi biệt tăm.

Theo vợ chồng chị Ngọc (cha mẹ của Nguyên), đến ngày 23-3, gia đình gọi được cho Nguyên thì một phụ nữ bắt máy trả lời “Điện thoại này đang ở Nha Trang”. Lúc này cha của Nguyên nghe tiếng con gái hỏi: “Ai vậy?”. Tuy nhiên, khi biết cha của Nguyên gọi thì bên kia cúp máy rồi mất liên lạc luôn. Sau đó vợ chồng chị Ngọc được bạn cùng lớp của Nguyên cho biết có một cô gái quê Đồng Tháp lên dẫn Nguyên đi.

Lần theo Facebook của con, vợ chồng chị Ngọc nghi người dẫn con gái đi có thể là Q. (21 tuổi), một cô gái tự nhận là lesbian (đồng tính nữ). Trên Facebook, Nguyên và Q. thừa nhận là “vợ chồng” của nhau từ tháng 1-2015. Đến ngày 23-3, vợ chồng chị Ngọc đã đến Công an quận 8 trình báo. Sáng 27-3, tại một điểm nhà trọ ở quận 8 - nghi ngờ cô gái kia và nữ sinh Nguyên đang ở, Công an quận 8 đã đến tìm nhưng không thấy.

Trước đó, trường hợp của nữ sinh lớp 9 tên N.T.H. Vân (ngụ phường 15, quận 10, TP.HCM) bỏ nhà đi một tháng mới trở về. Trong thời gian “mất tích”, cha của Vân là ông NH đã trình báo cho công an vào cuộc cùng với gia đình và nhà trường tìm Vân.

Lần tìm trên trang Facebook của Vân, gia đình phát hiện ra Vân có một số hình ảnh chụp với một số bạn học và bạn ngoài xã hội, trong đó có một phụ nữ khoảng 30 tuổi tên T. thường chơi với Vân và một số bạn học nữ của Vân. Ông H. cho biết một số bạn bè của Vân khẳng định người phụ nữ tên T. thường đến trường đón Vân đi ăn, đi chơi. Theo bạn bè của Vân thì người phụ nữ kia là đồng tính nữ, thường dụ nữ sinh đi ăn, đi chơi và có hành vi “tình cảm” với nữ sinh.

Một điều tra viên Công an quận 10 cho biết khi cháu Vân quay về nhà thì có làm việc với cơ quan công an. Trình báo với cơ quan công an, cháu Vân và gia đình nói nữ sinh sức khỏe tốt, không bị thiệt hại gì và cũng không yêu cầu cơ quan công an xử lý gì.

Khó xử lý


Khó xử lý

Điều tra viên nói trên cho biết trường hợp nữ sinh bị dụ dỗ bởi phụ nữ lớn tuổi hơn không phải là cá biệt, đặc biệt là trong xã hội phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, nếu đối tượng là nam giới dụ dỗ nữ sinh chưa thành niên thì có thể xử lý hình sự về các tội như hiếp dâm trẻ em, hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em… Trường hợp người đồng tính nữ dụ dỗ trẻ nữ hay đồng tính nam (gay) dụ dỗ nam thì không dễ xử lý do vướng luật. Nguyên do là các hành vi nêu trên đều buộc phải có hành vi giao cấu xảy ra. Nhưng theo từ điển tiếng Việt thì giao cấu được hiểu là hành vi quan hệ giữa con đực và con cái, giữa nam và nữ. “Ngay cả tội danh dâm ô trẻ em là dễ xử lý nhất so với các tội kia thì cũng vất vả mới chứng minh được. Thực tế là gia đình nữ sinh cũng ngại, không hợp tác nên công an rất khó xử lý” - vị điều tra viên nói.

Thượng tá Nguyễn Sỹ Quang, Chánh Văn phòng Công an TP.HCM, cho biết trước nay chưa có tiền lệ xử lý hình sự trường hợp đồng tính nữ dụ dỗ nữ sinh. Thượng tá Sỹ Quang nói xã hội càng phát triển thì các hiện tượng đồng tính nữ dụ dỗ trẻ em gái cũng theo đó tăng lên. Tuy nhiên, chủ thể các tội danh xâm hại quyền tự do tình dục được pháp luật hiện hành bảo vệ là nữ giới vẫn chưa được quy định (trừ trường hợp đồng phạm). Hơn nữa việc chứng minh hành vi xâm hại xảy ra giữa người đồng tính dụ dỗ trẻ gái cũng không đơn giản.

TS Phan Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM cho rằng đã đến lúc cơ quan soạn thảo pháp luật cần nhìn nhận một cách khách quan, đầy đủ về tồn tại xã hội là tình trạng người đồng tính nam dụ dỗ bé trai, đồng tính nữ dụ dỗ bé gái xuất hiện ngày càng nhiều. Việc trẻ gái, trẻ trai bị dụ dỗ xâm hại thì thiệt hại vẫn là nghiêm trọng (như tổn hại ở cơ quan sinh dục, tổn hại đến phát triển tâm sinh lý bình thường của nạn nhân…). Hiện nay nhiều bộ, ngành đang đóng góp ý kiến sửa đổi Bộ luật Hình sự. Đã có nhiều ý kiến đóng góp về việc thay đổi, bổ sung quy định để có thể xử lý hình sự nhóm hành vi xâm hại tình dục thuộc bất cứ chủ thể nào. “Bản thân tôi cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung luật hình sự để xử lý hành vi xâm hại tình dục theo hướng trên” - TS Phan Anh Tuấn nói.

----------------------------

Cần sớm sửa đổi quy định luật hình sự phù hợp với sự phát triển đa dạng của xã hội hiện nay nhằm bảo vệ quyền tự do tình dục của cá nhân. Cần điều chỉnh quy định và định nghĩa về “giao cấu”. Thay vì quy định “giao cấu” thì đổi thành “quan hệ tình dục” (gồm nhiều hình thức, bộ phận nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục…). Như thế trong tương lai có thể xử lý nghiêm, đủ sức răn đe với các hành vi xâm hại tình dục của các chủ thể khác nhau.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

 Theo ÁI NHÂN

Pháp luật TP Hồ Chí Minh