1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Người dân tố bị công an xã đánh tàn tật vì không đội mũ bảo hiểm

(Dân trí) - Ông Huỳnh Văn Mum (SN 1959, ngụ ấp Sóc Dong, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, Sóc Trăng) phản ánh: Vì không đội mũ bảo hiểm, ông bị tổ tuần tra công an xã Châu Khánh đánh cho đến tàn tật.

Sự việc được ông Mum trình bày như sau: Khoảng 18 giờ ngày 30/11/2011, ông và ông Lê Văn Út, ngụ tại ấp Tân Hưng (cùng xã Tân Hưng) chở nhau bằng xe gắn máy biển kiểm soát 83F7-2371 nhưng không đội mũ bảo hiểm. Khi đến địa phận ấp 4, xã Châu Khánh, huyện Long Phú thì gặp tổ tuần tra của công an xã Châu Khánh do ông Nguyễn Hoàng Chánh, Trưởng công an xã Châu Khánh, cùng ông Huỳnh Tấn Hải (tên thường gọi là Chương), Phó công an xã và ông Võ Văn Đời, Lâm Tuấn Khải (đều là công an viên) dẫn đầu ra hiệu dừng xe để xử phạt.

 

Vốn là người quen cùng xóm nên ông Mum nói với ông Chánh và mấy công an viên: “Tôi biết mình sai, bây giờ mấy anh xử phạt tiền bao nhiêu tôi đồng ý nộp, chỉ xin đừng giữ xe vì xe này tôi mượn của người khác”. Nghe vậy, ông Chánh to tiếng với ông Mum và kiên quyết giữ xe lại. Xin không được, ông Mum và ông Út bỏ đi, còn công an xã cũng dắt xe của hai ông về xã.

 
Người dân tố bị công an xã đánh tàn tật vì không đội mũ bảo hiểm - 1

Ông Mum hiện đi lại rất khó khăn với một bên chân có nguy cơ tàn tật

Đi được một quãng chừng 50m, ông Út nói với lại: “Giữ xe mất phải đền, mấy anh có làm (công an) được suốt đời không?”. Ngay lập tức, ông Chánh ra lệnh cho mấy công an viên quay lại bắt ông Út nhưng ông Út cự: “Tôi có tội gì mà bắt” rồi chạy né vào hàng bạch đàn ven đường.

 

Bắt không được ông Út, mấy công an viên quay qua bắt ông Mum. Các nhân chứng như bà Phạm Thị Kiều, nhà cách chỗ xẩy ra sự việc khoảng vài chục mét kể: “Tôi đang ở trong nhà, nghe ồn ào nên chạy ra xem thì thấy mấy ông công an xã bắt ông Mum và ông Út về tội không đội mũ bảo hiểm. Lúc đó ông Mum năn nỉ xin đóng phạt và đừng giữ xe nhưng công an xã không chịu. Một lát sau tôi thấy ông Đờ dùng tay xoáy vào mũi ông Mum làm máu từ mũi ông Mum tuôn ra chảy ướt áo, còn ông Chánh móc súng ra bắn hai ba phát lên trời, ông Hải (phó công an xã) dùng chân đạp mạnh từ phía sau làm ông Mum khụy xuống, còn ông Khái, ông Diệp, ông Đờ chụp vai, đè đầu ông Mum dập xuống mặt đường. Hậu quả, ông

Mum bị một vết thương trên trán chảy máu, còn chân phải không thể co duỗi được, xong đó họ dùng hai chiếc còng số 8 còng tay ông Mum. Thấy họ làm quá, tôi la lên thì ông Chánh nói công an thi hành nhiệm vụ, dân biết gì mà nói”.

 

Bà Giang Thị Phương, nhà ở cách hiện trường khoảng 50m, kể: “Tôi thấy 4 ông công an vật và dùng hai chiếc còng còng tay ông Mum, khi đó máu ông Mum chảy ra ướt cả áo, ông nhờ bà con lau mà không ai dám vì sợ mấy ông công an có cả súng dài và súng ngắn”.

 

Theo bà Phương, hôm đó công an xã Châu Khánh mang theo một súng AR15 do ông Hải giữ và một khẩu súng ngắn do ông Chánh giữ. Khi xảy ra vụ việc, ông Chánh lấy súng AR15 bắn một phát nhưng không nổ, ông Hải bắn cũng không nổ, sau đó ông Chánh rút súng ngắn ra bắn 2-3 phát.

 

Ông Châu Văn Cầm, nhà cạnh nhà bà Phương kể: “Thấy mấy ông công an đè ông Mum ra còng tay, trong khi đó ông Mum la to mấy ông làm gãy chân tôi rồi nhưng mấy ông công an vẫn không thả. Khi có ông Đầy người cùng ấp chạy lại đưa ông Mum đi bệnh viện thì ông Chánh cản không cho đi mà bắt ông Mum về công an xã làm việc. Thấy vậy ông Đầy và bà con phản đối hành vi của công an xã và quyết đưa ông Mum đi cấp cứu. Ông Chánh còn tuyên bố nếu về xã thì xã chịu trách nhiệm, còn đi nơi khác xã không chịu trách nhiệm”.

 

Ông Giang Văn Đầy bức xúc: “Nghe súng nổ, tôi tới hiện trường thấy người ông Mum đầy máu, tay bị còng, chân đứng không được nên tôi la lớn và kêu ông Mum lên xe tôi chở đi bệnh viện, thế là ông Chánh lại đè vai ông Mum không cho đi, đến khi tôi và bà con phản ứng dữ dội thì mấy ông công an mới cho đi”.

 

Để làm rõ thực hư, chúng tôi gặp ông Huỳnh Tấn Hải, Phó trưởng công an xã Châu Khánh, trao đổi. Ông Hải nói: “Chúng tôi thực thi nhiệm vụ nhưng do ông Mum và ông Út chửi bới nên chúng tôi phải còng tay đưa về công an xã, chúng tôi chỉ đè xuống còng tay chứ không đạp như người dân phản ánh”.

 

Khi chúng tôi đề cập đến vì sao ông Mum bị đứt dây chằng đầu gối thì ông Hải không trả lời.

 

Trở lại vụ việc, sau khi được đưa đến Bệnh viện tỉnh Sóc Trăng, do bị chấn thương nặng nên ông Mum được chuyển lên bệnh viện 121 (quân khu 9) ở Cần Thơ và sau đó được chuyển lên Bệnh viện đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị. Theo giấy ra viện, ông Mum bị đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau và dây chằng bên trong gối phải. Chi phí trong những ngày điều trị hết gần 60 triệu đồng.
 
Người dân tố bị công an xã đánh tàn tật vì không đội mũ bảo hiểm - 2
Giấy ra viện của ông Mum

 

Hôm gặp PV, ông Mum đi lại rất khó khăn với chân phải đang bó chặt và có dấu hiệu bị teo. Nhiều người dân ở địa phương bức xúc: Toàn là người quen biết với nhau, nếu công an xử sự khéo thì không để xẩy ra chuyện ông Mum có nguy cơ bị tàn tật. Ông Mum sai vì không đội mũ bảo hiểm, còn công an sai khi thi hành công vụ, không làm chủ được mình, đánh ông Mum đến mức có nguy tàn phế.

 

Ông Mum cho biết: Sau khi xảy ra vụ việc, gia đình ông đã gửi đơn kêu cứu đến UBND xã Châu Khánh, UBND huyện Long Phú và công an huyện Long Phú nhưng cho đến nay chưa thấy các cơ quan này trả lời. Riêng công an xã Châu Khánh vẫn chưa hề một lần đến thăm hỏi ông Mum một lời.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Phát Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Châu Khánh xác nhận: “Đúng là có sự việc xẩy ra giữa công an xã với ông Mum nhưng ai đúng ai sai phải chờ kết luận của cơ quan chuyên môn, còn hiện nay chúng tôi đang chờ kết luận mới có thể xử lý được. Quan điểm của xã là giải quyết nội bộ cho êm đẹp chứ không muốn để lùm xùm. Theo tôi, vụ này cũng là bài học cho anh em công an xã trong xử lý công việc”.

 

Đại tá Lê Trường Nghiệm, Trưởng công an huyện Long Phú, cũng cho biết đã nắm được  thông tin vụ việc và đang cho xác minh làm rõ.

 

PV