1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Người đàn ông được tuyên vô tội sau hơn 1.000 ngày oan trái

Từ một người đàn ông thành đạt, có tiền tỷ trong tay, chỉ sau một đêm ngủ dậy, anh bỗng trở thành kẻ lừa đảo - tội danh mà anh không hề phạm phải.

Án oan từ “trên trời rơi xuống”

Sau hơn 5 năm bị buộc tội, 4 năm trong trại tạm giam, sau 7 bản kết luận điều tra, 4 bản cáo trạng, 8 lần xét xử và trả hồ sơ, đến chiều 17/9/2014, anh Trần Minh Anh, sinh năm 1961, ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội đã được TAND TP Hà Nội tuyên vô tội sau hơn 1.000 ngày đằng đẵng đi tìm công lý.

Tiếp phóng viên trong căn phòng nhỏ trên phố Ngọc Hà, người đàn ông đã đi quá nửa cuộc đời không giấu được chua xót nói: “Cuộc đời tôi bây giờ bắt đầu từ con số âm chứ không phải số 0, tiền bạc hết phải đi vay mượn trong suốt hơn 5 năm ngồi tù và hầu tòa. Vợ con sinh sống bên trời tây, muốn gọi một cuộc hỏi thăm con cũng khó khăn”.

Tai ương bất ngờ đổ ập xuống đầu anh vào ngày 22/4/2009, khi anh đang ở nhà cùng mẹ già thì bất ngờ cơ quan Công an tới nhà đọc lệnh bắt để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhưng thật nực cười, số tiền mà anh Minh Anh bị bà Bùi Thị Minh - mẹ vợ anh ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tố cáo chiếm đoạt lại chính là số tiền mà anh và vợ là chị Trần Kim Ngân, đổ mồ hôi, nước mắt kiếm được bên trời tây.

Theo anh Minh Anh, năm 1988, anh và chị Ngân kết hôn, đến năm 1991, hai vợ chồng đã sang Đức sinh sống, làm ăn. Nhờ chăm chỉ vợ chồng anh đã mua được nhà, xe ô tô bên Đức. Tuy nhiên, đến tháng 6/2006, anh bị trục xuất về nước.

Cuối năm 2006, chị Ngân bán nhà bên Đức được 280.159 Euro và đã gửi 176.00 Euro về Việt Nam để chồng mua chứng khoán, theo thỏa thuận và bàn bạc giữa bà Minh và vợ chồng chị Ngân. Vì vợ chồng anh Minh Anh còn nợ thuế của Nhà nước Đức nên họ đã nhờ con trai đứng tên mở tài khoản bên Đức, gửi về Việt Nam và nhờ bà Minh đứng bên nhận. Khi tiền về, anh và mẹ vợ đến ngân hàng rút tiền rồi nộp vào tài khoản đứng tên bà Minh tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt để anh mua chứng khoán.

Đến cuối năm 2007 đầu 2008, giữa anh Minh Anh và vợ xảy ra mâu thuẫn không thể hàn gắn được, anh gọi điện đề nghị vợ ly hôn. Ngay lập tức, chị Ngân gọi điện về nhờ mẹ đẻ đi rút tiền tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt thì phát hiện số tiền trong tài khoản chỉ còn lại 9 triệu đồng. Bà Minh đã làm đơn tố cáo con rể ra cơ quan Công an.

Anh Minh Anh đang kể lại những ngày oan trái của mình

Anh Minh Anh đang kể lại những ngày oan trái của mình

Đến bây giờ nhắc lại ngày bị Cơ quan điều tra đọc lênh bắt giam anh vẫn nhớ như in hình ảnh người mẹ già của anh vừa nói vừa khóc “Con tôi không có tội, có bắt thì bắt tôi đây này”. Anh nhập trại, người mẹ gần 80 tuổi miệt mài viết đơn, gõ cửa các cơ quan chức năng để kêu oan cho con trai với niềm tin mãnh liệt rằng con mình sẽ được minh oan.

Ở trong trại giam, anh sống trong tuyệt vọng vừa nhớ vừa thương mẹ da diết. “Tôi sống ở nước ngoài lâu rồi không có điều kiện chăm sóc mẹ, khi trở về chỉ muốn được báo hiếu với bà. Mẹ tôi già rồi, mắt kém, mỗi khi cụ cắt móng tay móng chân thường bị cắt vào da thịt khiến máu me chảy be bét nên tôi thường cắt cho cụ. Đến khi vào trong trại việc nhỏ nhất đó tôi cũng không thể làm cho bà”.

Những tháng ngày trong trại nỗi tuyệt vọng, bế tắc luôn ngập tràn trong tâm trí anh, nhưng anh vẫn tin vào công lý, tin rằng còn rất nhiều người tốt có thể minh oan cho mình nên anh liên tục viết đơn kêu oan.

Hơn một năm ở trong trại giam T75, nơi gần khu dân cư nhất, anh nghe rất rõ âm thanh của cuộc sống bên ngoài, nghe được cả những lời hẹn hò, tình tự của các đôi trai gái nhưng anh không thể chạm tới cuộc sống tự do đó. “Nhiều lúc tôi có cảm giác như con khỉ bị nhốt trong lồng vậy”, anh khẽ khàng tâm sự. Sau nhiều lần ra Tòa nhưng lần nào TAND TP Hà Nội cũng tuyên trả hồ sơ bởi lập luận của 3 kết luận điều tra hết sức mâu thuẫn nhau, các tài liệu chứng cứ đưa ra không đủ căn cứ.

Ngày trở về bi thương

Ngày 8/3/2013, sau gần 4 năm bị giam giữ anh được tại ngoại. “Hôm đó sau khi ăn tối xong, tôi được cán bộ bảo đi thu dọn đồ đạc và thông báo tôi được tại ngoại. Niềm vui đến thật bất ngờ tôi muốn hét thật to, cuối cùng tôi đã tự do, có thể về để báo hiếu với mẹ”, anh Minh Anh bồi hồi nhớ lại. Sau khi thu dọn đồ đạc, anh hăm hở trở về nhà.

Thế nhưng, về đến đầu ngõ, anh thấy nhà mình tấp nập người ra vào, anh thầm nghĩ chắc mọi người biết mình về nên đến để chúc mừng. Vừa thấy anh, những người thân không cầm được nước mắt, không ai nói với anh một câu chỉ lẳng lặng dắt anh vào trong phòng của mẹ. Vào tới nơi anh như chết lặng khi thấy mẹ mình đã về cõi cực lạc mà không được nhìn thấy anh lần cuối.

Mẹ anh mất lúc 10h30 sáng thì đến 7h tối anh về tới nhà. “Gần 4 năm trong trại tạm giam, tôi không được phép gặp gia đình nên cũng từng đó thời gian tôi không được nhìn thấy mẹ, khi trở về cứ tưởng được chăm sóc báo hiếu cho bà nhưng tất cả đã quá muộn. Tôi chỉ làm được việc cuối cùng đó là tắm rửa cho bà”, anh rưng rưng tâm sự.

Anh trở về với hai bàn tay trắng, chỗ dựa tinh thần lớn nhất là người mẹ già cũng đã bỏ ra đi và cái án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vẫn lơ lửng trên đầu. Điều anh sợ nhất đó là không được minh oan và sẽ phải tiếp tục cuộc sống tù tội.

Anh Minh Anh (áo đỏ) trong ngày được tuyên vô tội

Anh Minh Anh (áo đỏ) trong ngày được tuyên vô tội

Sau hơn 1 năm được tại ngoại, ngày 11/9/2014, phiên xét xử anh được mở lại. Trong phiên xét xử này, chị Ngân vợ cũ của anh cũng chịu về nước và xác nhận mối quan hệ vợ chồng với anh và những tài sản, số tiền gửi về cho anh chơi chứng khoán là tiền chung của hai người. Sau thời gian nghị án kéo dài, tới ngày 17/9, TAND TP Hà Nội đã tuyên anh vô tội. Nghe xong lời tuyên án, anh ngồi gục xuống, hai tay ôm lấy mặt bật khóc như một đứa trẻ. Cuối cùng niềm tin, niềm hy vọng của anh vào công lý đã trở thành hiện thực.

Khi được hỏi có oán hận mẹ vợ và vợ cũ không, anh cười buồn trả lời “Trước đây khi còn ở trong trại tôi cũng căm hận lắm, giờ nghĩ lại hận thù mãi cũng chẳng giải quyết được gì, đồng tiền khiến con người ta mờ mắt, bất chấp hết luân thường đạo lý, nhưng cuộc đời này có nhân có quả. Tôi không oán trách gì họ nữa, coi như số kiếp mình long đong vậy”.

Theo Đoàn Nga

Công lý