Người cựu sỹ quan Công an bán nhà lấy tiền nuôi 5 trẻ bị bỏ rơi ăn học
Nhà nghèo nhưng vợ chồng ông đã nuôi dạy 9 người con ăn học thành tài, trong đó có 5 người con nuôi. Đó chính là ông Nguyễn Minh Lý ở ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Gương mặt khắc khổ, ông Nguyễn Minh Lý già hơn rất nhiều so với cái tuổi 66 của mình. Ông cho biết, đây là lần đầu tiên ông ra Hà Nội, được vinh danh Gia đình hiếu học ở Thủ đô là niềm hạnh phúc lớn động viên ông và gia đình.
Ông cho biết, gia đình ông có 9 người con trong đó có 4 người con ruột và 5 người con nuôi (1 em bị khuyết tật mù bẩm sinh). Đông con nên nhà ông nghèo lắm, nhưng lại là gia đình có truyền thống hiếu học nổi tiếng ở trong vùng.
13 tuổi ông đã đi kháng chiến, năm 1976 ông được phong quân hàm Trung úy và ông làm Trưởng bệnh xá Công an Cà Mau và Phó bệnh xá Công an tỉnh Minh Hải. Sau này, đến năm 1979 ông chuyển ngành sang bệnh viện huyện Giá Rai. Cuộc sống vất vả với bầy con thơ dại ông xin nghỉ việc đi học chuyên khoa đông y và hành nghề bốc thuốc và châm cứu ở địa phương.
Ông kể rằng, trong khoảng thời gian từ năm 1978 - 1990, ông đã nhận nuôi 14 trẻ bị bỏ rơi. 14 người con nuôi và bốn người con ruột sống chung một mái nhà và cùng mang họ của ông Lý. Trong 18 người con, trừ người con gái đầu, còn lại đều tên Thảo, dù là trai hay gái, chỉ khác nhau tên đệm.
Ông lý giải: "Đặt tên Thảo là để các con sống phải biết chia sẻ những gì mình có cho mọi người". Về sau có trẻ được gia đình đón về nuôi, có trẻ ông gửi lên chùa Kỳ Quang II ở TP Hồ Chí Minh để các cháu có điều kiện học hành tốt hơn. Trải lòng về những tháng ngày đã qua, ông không khỏi bùi ngùi bởi hồi đó, gia đình ông không những thiếu tiền mà còn thiếu nơi ăn ở, sinh hoạt.
Năm 1985 ông đã phải bán nhà lấy 3 lượng vàng để lấy tiền nuôi đàn con ăn học, từ đó gia đình ông đã ở đậu trong suốt 24 năm trên đất của người khác và phải dời nhà đến 16 lần.
Gia đình ông thuộc vào diện khó khăn nhất xã, lại không có đất canh tác, ông hành nghề đông y chủ yếu là làm việc thiện, thu nhập từ đồng lương hành chính của vợ không đủ để trang trải cuộc sống với 9 người con. Việc lo cái ăn, cái mặc đã khó, nhưng ông bà Lý quyết không để người con nào thất học hay bỏ học giữa chừng.
"Con cái cơm không đủ no, thường xuyên phải ăn cháo, nhiều đứa hồi ấy bị suy dinh dưỡng. Mỗi lần nhận nuôi 1 đứa trẻ còn đỏ hỏn, vợ chồng thay nhau đi xin sữa, nước cơm, nước cháo cho con. Cực nhọc là vậy nhưng sợ nhất là các con đau ốm nặng phải đi lên tuyến trên là cả nhà lại đói dài theo", ông Lý chia sẻ.
Nuôi một đứa trẻ đã khó, nhưng với ông bà Lý nuôi đến mười mấy người con trong một hoàn cảnh khó khăn là cả một hành trình đáng khâm phục. Mấy chục năm qua, ông Lý không một lần dám ngồi quán cà phê. Không ra tiệm cắt tóc. Tóc dài thì nhờ vợ con hớt. Bao nhiêu tiền kiếm được ông đều dành cho con cái. Vợ chồng ông có thể đói, nhưng các con phải có cái ăn và được đi học đến nơi đến chốn.
"Tuy khó khăn nhưng vợ chồng tôi rất sợ các con trẻ thất học nên tìm mọi cách cho các con được đến trường học tập có kiến thức để sau này tương lai tươi sáng hơn. Tôi luôn động viên các con phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời, giữ vững truyền thống hiếu học của gia đình, trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội", ông Lý bộc bạch.
Đến nay, 2 con ông đã tốt nghiệp Đại học, 3 con tốt nghiệp Cao đẳng, 3 con tốt nghiệp THPT, 1 con có bằng cấp II chữ Braille (chữ nổi dành cho người khiếm thị). Các con của ông Lý như cháu Nguyễn Phước Thảo, Nguyễn Ngọc Thảo, Nguyễn Loan Thảo đều đã có việc làm ổn định.
Không chỉ lo cho các con của mình, vợ chồng ông Lý còn giúp đỡ các gia đình ở địa phương có con bị khuyết tật học tập và công ăn việc làm. Trong niềm vui ngày tuyên dương ông cho biết thêm là gia đình ông vừa có căn nhà mới, đây là món quà của một bác sĩ ở Sài Gòn đã cùng vợ lặn lội về Gành Hào mua một nền đất tặng gia đình ông cùng 50 triệu đồng để cất nhà.
Nhiều người dân ở Gành Hào đã giúp ông vật liệu xây dựng, góp tiền, góp công gần 200 triệu xây cất cho ông ngôi nhà mới. Điều trăn trở nhất hiện nay là ước mơ học ngành thiết kế thời trang của Diệu Thảo. Diệu Thảo khéo may vá, thích theo ngành này nhưng ngặt nỗi cha mẹ không lo nổi tiền cho em học đại học, nên sau một năm tốt nghiệp THPT, em vẫn ở nhà giúp mẹ