1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

Người cha tìm mọi cách kêu oan cho kẻ giết con trai

(Dân trí) - Ba lần bảy lượt, ông Xuân viết đơn kêu oan cho thanh niên bị tuyên phạt vì tội giết con trai mình.

Bi kịch từ mối tình chắp nối

Anh Trần Văn Phát từng có một đời vợ nhưng do cuộc sống gặp nhiều mâu thuẫn nên hai người quyết định kéo nhau ra tòa án ly hôn. Anh Phát biết, cha mẹ chia tay, con trai là người phải chịu nhiều hậu quả nhất. Anh không muốn con phải gánh thêm bất hạnh từ việc cha mẹ giành giật quyền nuôi con. Do đó, anh chấp nhận để vợ nuôi con.

Anh Phát vẫn còn khá trẻ, luôn mong muốn có người phụ nữ thấu hiểu mình để  “nâng khăn sửa túi” giúp. Khoảng tháng 4/2009, anh gặp chị Mai Thị Cẩm Lệ. Chị là người phụ nữ đã từng qua một lần đò. Hai tâm hồn thương tổn sớm đồng cảm, “bụng bảo dạ”, họ đưa nhau về ra mắt gia đình. Được đồng thuận, họ về nhà mẹ ruột của chị Lệ là bà Lê Thị Lượm ở mà không đăng ký kết hôn.

Thời gian đầu, vợ chồng anh Phát khá hạnh phúc. Tuy nhiên, quan điểm sống quá khác nhau dẫn những cuộc cãi vã ngày càng thường xuyên hơn. Thậm chí, đôi lúc, sau khi khẩu chiến, họ đã phải dùng đến cả chân tay, vũ lực. Đó cũng chính là khởi nguồn của bi kịch.

Ngày 18/4/2010, vợ chồng anh Phát lại cãi vã. Trong lúc tức giận, anh dùng tay đánh vào mặt vợ. Do trên tay có đeo một chiếc nhẫn khiến da mặt chị Lệ bị chảy máu. Anh Phát thấy vậy liền đưa vợ đến bệnh viện khâu vết thương.

Bà Lượm nghe tin liền bảo con trai là Mai Hoàng Phong (SN 1985, ngụ quận 8) chở đến nhà vợ chồng anh Phát. Cửa mở, không có ai ở nhà, Phong đập bể ti vi và tủ lạnh rồi ra về. Hôm sau, bà Lượm không muốn cho vợ chồng con gái ở trong nhà nữa nên vứt áo quần ra ngoài.

Bị cáo Phát may mắn được cha của nạn nhân kêu oan
Bị cáo Phát may mắn được cha của nạn nhân kêu oan

Theo hồ sơ, khoảng 17h ngày 19/4/2010, có hai người phụ nữ đến gặp chị Lệ yêu cầu trả tiền đã trả góp cho Lệ để đưa lại cho anh Phát. Sau khi hai người phụ nữ lấy tiền ra về, em rể chị Lệ là Phạm Nguyễn Yên Vũ (SN 1981, quận 8) mang theo cây móc sắt tìm anh Phát để đánh. Thấy vậy, cháu họ của chị Lệ là Dương Chí Tâm (SN 1991, quận 8) chạy sang nhà bà Lượm lấy một con dao, giấu vào túi quần chạy theo Vũ.

Một tiếng sau, Vũ gặp anh Phát. Hai người xông vào đánh nhau. Sau khi Vũ đánh vỡ mũ bảo hiểm của Phát,  còn dùng cây móc sắt đánh vào vùng bẹn gây thương tích cho Phát. Vũ lùi lại và bị té,  Phát đã xông đến, đánh vào đầu khiến Vũ bị thương tích nhẹ.

Tâm đứng gần đó, chứng kiến vụ “ẩu đả” đã  chạy đến và rút dao đã “thủ sẵn” trong túi quần, đâm vào người anh Phát hai nhát gây tử vong. Sau đó, Tâm đưa con dao và cây móc sắt cho chị Lệ bảo mang giấu…

Phiên tòa kỳ lạ

Với hành vi trên, trước đây, Tâm bị tuyên phạt tù chung thân về tội Giết người, Vũ bị phạt 2 năm tù về tội Gây rối trật tự công cộng và Phong bị phạt 1 năm tù về tội Hủy hoại tài sản. Sau đó, Tâm viết đơn kêu oan. Phong viết đơn kháng cáo xin giảm án. Điều khiến mọi người bất ngờ là cha của anh Phát, ông Trần Văn Xuân, viết đơn kêu oan cho Tâm.

Ngày 21/10/2014, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM mở phiên tòa phúc thẩm đối với Tâm và Phong. Đứng trước vành móng ngựa, Tâm uất ức: “Từ trước đến nay, tôi nhiều lần kêu oan. Thậm chí, trong phiên tòa sơ thẩm, tôi cũng khẳng định mình không phạm tội nhưng vẫn bị xử phạt cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội”.

Tâm khai, hôm xảy ra vụ án có đi theo Vũ nhưng không lấy con dao nào. Tới hiện trường, thấy Vũ bị đánh liền xông vào can ngăn. “Lúc đó, tôi thấy máu từ trên người anh Phát chảy ra chứ tôi không đâm. Tôi mong HĐXX xem xét để lấy lại sự công bằng cho người vô tội”.

Mười nhân chứng, trong đó có hai người chưa từng được lấy lời khai được mời đến phiên tòa. Họ đều có cùng lời khai là không thấy Tâm đâm anh Phát. Bên cạnh đó, họ cũng không thấy Tâm giấu con dao sau khi gây án.

Ông Xuân giọng nhẹ nhàng chia sẻ, ông có hai người con trai. Chiến tranh ly loạn, gia cảnh khốn khó, dù cố gắng mưu sinh nhưng vẫn không thể lo lắng cho hai con. Ông dứt lòng để hai con tự lực cánh sinh.

Là con đầu, anh Phát luôn là bờ vai cho em dựa dẫm. Lớn lên, cả hai anh em đều có công việc ổn định. Từ đây, họ bàn tính đón cha về chăm sóc. Ông Xuân cứ tưởng, từ đây, gia đình đã qua cơn bĩ cực. Ông không ngờ, niềm vui chưa được hưởng trọn, anh Phát đã vội ra đi.

Điều khiến ông Xuân đau đớn là từ khi vụ án xảy ra hơn hai năm, những người liên quan vẫn nhởn nhơ, được tại ngoại. Ông làm đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng. Sau đó, ba bị cáo mới bị bắt.

Từ trước đến nay, ông Xuân không tin Tâm là người dùng dao đâm con trai ông chết. Do đó, ngay trong phiên tòa sơ thẩm, ông đã viết đơn cứu xét cho Tâm. Trong phiên tòa sơ thẩm, ông cũng bày tỏ nguyện vọng được trao trả hồ sơ, bởi linh tính của người cha, ông tin, con trai ông không phải chết dưới tay của Tâm. Tuy nhiên, ông xót xa khi nghe Tâm bị tuyên mức án chung thân.

Không muốn một thanh niên phải vào tù oan, ông Xuân viết đơn kháng cáo cho Tâm. Trong phiên tòa phúc thẩm, ông nói: “Tôi vẫn giữ quan điểm, Tâm không phải là kẻ giết người trong vụ án này. Tôi đề nghị Tòa trao trả hồ sơ để điều tra lại. Con tôi mất, tôi đau lắm chứ. Tuy nhiên, đừng để một thanh niên phải chôn chặt tuổi thanh xuân oan sau song sắt”.

Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định, trong phiên tòa phúc thẩm có nhiều tình tiết thể hiện hành động của Tâm không giống như trong cáo trạng, bản án sơ thẩm. Để vụ án mang tính khách quan, không oan sai, Tòa chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát, hủy một phần bản án, trao trả hồ sơ, điều tra, xét xử lại từ đầu đối với Tâm. Riêng bị cáo Phong, Tòa cũng chấp nhận giảm từ một năm tù giam xuống một năm tù treo.

Công Quang