1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nam sinh viên giết cha được cải tử nhờ luật sư

Vụ án Sinh viên trẻ Phan Minh Mẫn, ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM chích điện giết cha đẻ của mình vào năm 2010 gây chấn động dư luận lúc bấy giờ. Bản án của tòa cấp sơ thẩm đã tuyên Mẫn mức án tử hình.

Gia đình, người thân, bạn bè khi nhận được tin đều vô cùng đau buồn, tuyệt vọng. Thế nhưng, tôi đã mạnh dạn vào cuộc để“giải cứu” cho Mẫn thoát khỏi án tử tại cấp phúc thẩm.

Cuộc gặp tình cờ


Cuộc gặp tình cờ

Vào một buổi sáng 17/7/2010, tôi đang loay hoay sắp xếp tài liệu tại văn phòng thì có hai người phụ nữ bước vào nhờ luật sư bào chữa vụ án hình sự. Người phụ nữ lớn tuổi nghẹn ngào nói vừa vào thăm con trai đang bị giam ở Chí Hòa. Họ đi ngang đây nhìn thấy biển hiệu “Văn phòng luật sư Người Nghèo” nghĩ rằng có thể giúp được nên vào hỏi thăm.

Rồi chị trình bày, chị là mẹ của bị cáo Phan Minh Mẫn vừa bị tòa cấp sơ thẩm xử tội “Giết người” với mức án cao nhất là “tử hình”. Bị hại chính là cha đẻ của bị cáo. Người phụ nữ ngồi cạnh là em ruột của cha và là cô ruột của bị cáo.

Chưa biết rõ nội dung vụ án nhưng trong tôi đã có suy nghĩ, với hành vi “tày đình” tội giết cha của bị cáo sẽ rất khó để tòa phúc thẩm thay đổi phán quyết y án.

Bi kịch gia đình

Qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, hành vi phạm tội của bị cáo là hậu quả mà nạn nhân nhận lấy từ vấn đề “bạo hành gia đình” của người chồng đối với vợ, của người cha đối với con. Nhận thấy, số phận của bị cáo phải chịu mức án cao nhất thật là nghiệt ngã, thật cay đắng cho chính bị cáo.

Bị cáo mong muốn đơn giản là giải thoát cho mẹ, cho em, cho chính bản thân bị cáo thoát khỏi đòn roi, mắng nhiếc, đập phá, muốn thoát khỏi cảnh người cha say xỉn không giới hạn, cảnh mẹ con phải bỏ nhà trốn đi khi bị dọa nạt…

Tôi thật sự ngạc nhiên khi chính bà nội lại “kể tội” con mình (cha Mẫn) và mong muốn đứa cháu nội đích tôn mà bà yêu quý được sống với bà đến cuối cuộc đời này.

Nhìn mái tóc bạc, đôi mắt thâm sâu của bà tôi hiểu được nỗi đau của bà. Bà đã mất một đứa con giờ đây lại sẽ mất thêm đứa cháu nội.

Bà nội Mẫn kể: “Cháu Mẫn rất có hiếu, mỗi lần bị cha đánh là nó chạy sang nhà nội trốn, được vài ngày là nó nằng nặc đòi về để lo cho cha, cho mẹ vì nó nói cha say xỉn mới làm thế chứ bình thường cha rất tốt”.

Còn mẹ Mẫn trải lòng: “Mẫn rất ngoan, đang là sinh viên của trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, học giỏi, luôn được thầy cô yêu mến. Có món gì ngon đều dành cho mẹ”. 

Tôi đọc đi, đọc lại tập hồ sơ vụ án của Mẫn. Vì sao Mẫn lại có những hành động đặc biệt nghiêm trọng đến thế?. Vì sao bà nội Mẫn lại kể tội cha Mẫn, không oán giận Mẫn? Vì sao mẹ Mẫn lại có hành vi che giấu tội phạm nhưng cơ quan điều tra không khởi tố xử lý?.

Tại một bản khai của mẹ Mẫn đã nói rõ: “Sau khi cưới tôi, ông Tuyên (cha Mẫn) đã hay nhậu say xỉn, không lo cho gia đình, hay đập nhà đập cửa. Con tôi cũng bị chồng tôi đánh rồi đuổi mấy mẹ con ra khỏi nhà… Mang tiếng có chồng nhưng một mình tôi lo lắng tất cả. Từ bao năm nay một mình tôi làm thuê, làm mướn để nuôi chồng con”.

Tôi đã hiểu, ba mẹ con Mẫn đã sống khổ sở thế nào, người cha đã có hành vi bạo hành gia đình mà pháp luật đã nghiêm cấm. Và rồi tôi quyết định bào chữa miễn phí cho Mẫn.

Đi tìm lời gỡ tội…

Từ đó tôi quyết tìm hiểu thêm nhận xét đánh giá của hàng xóm về Mẫn, họ nói Mẫn rất đáng thương, tuổi thơ của hai anh em Mẫn là những ngày dài sống trong nỗi lo lắng, phập phồng với những chịu đựng cùng cực của mẹ vì những trận đòn nối tiếp của cha. Tôi đề nghị rồi họ đồng lòng ký tên tập thể đơn xin cứu xét gửi Tòa giảm nhẹ hình phạt đối với Mẫn vì suy nghĩ nông cạn mà bị cáo đã phạm trọng tội.

Tôi lại tìm đến ngôi trường nơi Mẫn đang học. Tại đây tôi gặp được thầy Nguyễn Công Thạnh, chủ nhiệm lớp Mẫn nhận xét: Em Mẫn rất chăm chỉ, chịu khó trong học tập, có bản tính hiền lành, điềm đạm.. Tôi xin trích lục toàn bộ bảng điểm, quá trình học tập…

Tôi đặt vấn đề để thầy và tập thể lớp hãy cùng hành động cứu em Mẫn và họ đã đồng thuận. Rồi thầy Hiệu phó tổ chức buổi gặp gỡ với các thầy cô trong trường để trao đổi cùng luật sư biện pháp giúp Mẫn. Sau đó Đoàn trường làm văn bản gửi Tòa án kiến nghị giảm mức án phạt tử hình đối với thanh niên Phan Minh Mẫn…

Tôi viết thư và tìm gặp Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lý học Khoa Tâm lý Giáo dục  Trường ĐHSP TPHCM để có tiếng nói chuyên môn về tâm lý. Ngoài ra bác sĩ Ngô Tích Linh, giảng viên bộ môn Tâm thần học trường Đại học Y Dược Tp.HCM cũng đã giúp đỡ tôi nhiệt liệt trong việc phân tích yếu tố tâm lý học đối với hoàn cảnh của Mẫn để có thêm tư liệu nghiên cứu. Các bài phân tích của họ đã giúp tôi có thêm sức thuyết phục trong bài bào chữa của mình.

Chưa an tâm, tôi lại viết thư gửi Thành Đoàn TPHCM nhờ giúp đỡ, rồi tôi lại đến gõ cửa các cơ quan đoàn thể khác như: UBMTTQ, Hội LHPN, báo chí… cùng lên tiếng bảo vệ Mẫn.

Mở đường sống…

Ngày 21/9/2010, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Mẫn. Hôm đó, phiên tòa đầy áo trắng,  tôi đã nhận ra họ là sinh viên bạn của Mẫn. Rồi còn có những cô dì quần áo lam lũ, họ là hàng xóm của Mẫn cùng đến dự ngồi chật ních phòng xử. Bà nội Mẫn thì luôn tay khấn vái cầu mong cháu nội được sống.

HĐXX phúc thẩm nhận định: Do xác định bị cáo giết chết cha có nguyên nhân là xuất phát từ việc trước đó cha bị cáo có hành vi ngược đãi những người trong gia đình, kích động đối với bị cáo. 

Cấp sơ thẩm chưa đánh giá đầy đủ các tình tiết xảy ra vụ án, chưa xem xét đầy đủ nguyên nhân, mục đích, động cơ phạm tội của bị cáo nên HĐXX chấp nhận đề nghị của viện kiểm sát, kháng cáo của bị cáo, của mẹ và bà nội của bị cáo… ghi nhận lời bào chữa của luật sư nên giảm án cho bị cáo từ hình phạt “tử hình” xuống “chung thân”.

Chủ tọa chưa tuyên dứt lời, dù không được phép nhưng bà nội của Mẫn bất ngờ quỳ thụp xuống vái lạy bày tỏ lòng biết ơn với phán quyết của Tòa. Mẹ Mẫn, em gái và vài người thân của Mẫn cũng òa khóc.

Còn Mẫn thì mở to đôi mắt thầm biết ơn HĐXX đã cứu sống để Mẫn còn có ngày về, có cơ hội sống để được báo hiếu với mẹ. Riêng tôi là người vui nhất, vì những việc làm của tôi đã có kết quả.

Hôm sau, mẹ Mẫn đem đến biếu tôi một giỏ trái cây tươi, rối rít cảm ơn rồi bước vội vào trại giam để gặp mặt Mẫn trước khi Mẫn được chuyển đi đến nơi thụ án.
 
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ
Pháp luật Việt Nam