Hà Nội
Nam kỹ sư bị bắt cóc vì mẹ lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ
Có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ của đối tác, Thiều Thị Bản (SN 1956), nguyên Phó giám đốc Công ty CP xây dựng hạ tầng kỹ thuật Gia Lộc đã bỏ trốn. Để đòi được tiền, phía đối tác của bà Bản đã tổ chức bắt cóc con trai của nữ phó giám đốc này.
Từ bản hợp đồng... hụt
Đầu tháng 10-2010, một nhóm đối tượng đã bắt cóc anh Lưu Văn Vương (26 tuổi), kỹ sư xây dựng, khi anh này đang làm việc tại công trình xây dựng tòa nhà Keangnam (Từ Liêm, Hà Nội). Nạn nhân sau đó đã được giải cứu sau 11 ngày bị bắt cóc. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định nguyên nhân vụ việc xuất phát từ việc kinh doanh của mẹ đẻ nạn nhân, bà Thiều Thị Bản (SN 1956, ở Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Phó giám đốc Công ty CP xây dựng hạ tầng kỹ thuật Gia Lộc (Công ty Gia Lộc).
Tháng 9-2009, Đỗ Danh Khánh, Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Thịnh An (Công ty Thịnh An) ký hợp đồng với Công ty Gia Lộc về việc công ty của Khánh nhận san lấp 2 triệu m3 mặt bằng Khu liên hiệp hóa lọc dầu Nghi Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, trị giá 80 tỷ đồng/1triệu m3. Để ký hợp đồng trên, Công ty Gia Lộc yêu cầu ông Khánh nộp tiền bảo lãnh 1 tỷ đồng.
Sau khi ký hợp đồng, ông Khánh ký hợp đồng hợp tác thi công với Phan Thanh Chi (34 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Chi nộp 1 tỷ đồng để bảo lãnh theo yêu cầu của bà Bản. Bà Bản hẹn 1 tháng sau sẽ giao mặt bằng cho Khánh và Chi thi công. Quá hẹn, do chưa giao mặt bằng, bà Bản làm cam kết đến ngày 28-5-2010 sẽ thực hiện, nếu không sẽ hoàn trả số tiền bảo lãnh và chịu nộp phạt 1% giá trị hợp đồng. Đến thời hạn, Khánh và Chi không nhận được mặt bằng thi công, nên đã nhờ Phạm Minh Thông (SN 1969, trú ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi đòi nợ nhưng không được.
Tối 12-8-2010, Chi bàn với Thông và Triệu Văn Cường (SN 1967, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai) đi tìm và đòi ông Khánh số tiền đã đặt cọc. Trông thấy xe ô tô của Khánh ở đường Thanh Niên, quận Ba Đình, nhóm Thông chặn lại. Trong xe có 3 con gái của Khánh và lái xe Nguyễn Văn Thịnh. Cường nhảy lên xe cầm lái còn Thông bắt các con của Khánh và lái xe Thịnh ngồi xuống ghế sau. Trên đường đi, Thông lấy điện thoại của anh Thịnh và cháu Thùy Linh (con gái lớn của Khánh) rồi cho 2 cháu nhỏ con Khánh xuống xe. Riêng Thịnh và Thùy Linh bị đưa về khu vực Đền Lừ, quận Hoàng Mai.
Tại đây, các đối tượng bắt cháu Thùy Linh gọi điện cho bố đến giải quyết. Do ông Khánh đang ở Hải Phòng nên Thông đã lục lấy toàn bộ giấy tờ xe, rồi ép cháu Thùy Linh viết giấy giao ô tô và Thịnh ký với tư cách người làm chứng theo nội dung Thông đọc. Xong việc, Thông và Cường mới cho cháu Linh và anh Thịnh về. Hôm sau, Thông và Cường mang ô tô đi bán được 370 triệu đồng.
Bán xong ô tô, Chi quay sang thỏa thuận với ông Khánh sẽ tìm bắt anh Lưu Văn Vương (con trai của bà Thiều Thị Bản) để đòi tiền và ông Khánh đồng ý. Sau khi bắt giữ được anh Vương, Chi cho tiền các đối tượng tham gia từ 2,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng và phân công nhau trông giữ Vương ở nhiều nhà nghỉ. Ngày 13-10-2010, anh Vương được giải cứu. Kết cục, 11 đối tượng tham gia vụ bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản này đã bị đưa ra trước vành móng ngựa xét xử, trong đó có cả ông Khánh.
Làm rõ hành vi lừa đảo
Quá trình điều tra vụ án, CQĐT xác định hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bà Thiều Thị Bản. Tuy nhiên, nữ phó giám đốc đã bỏ trốn và bị Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội ra quyết định truy nã. Tháng 1-2015, bà Bản bị bắt, CQĐT đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự. Những ngày đầu tháng 3-2016, vụ án đã kết thúc giai đoạn điều tra và bị can Thiều Thị Bản bị đề nghị truy tố về 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Công ty Gia Lộc được Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép đăng ký kinh doanh từ năm 2003, do ông Nguyễn Gia Tự (SN 1953) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Tháng 6-2004, ông Tự ký quyết định bổ nhiệm bà Bản làm Phó giám đốc. Theo đó, bà Bản được ủy quyền và dùng dấu của Công ty Gia Lộc để ký kết các hợp đồng liên danh, liên kết với các công ty, các đơn vị kinh tế và kế hoạch kinh doanh của công ty.
Ngày 1-7-2009, Chi nhánh xây lắp dầu khí Hà Nội - Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam ký hợp đồng kinh tế với Công ty Gia Lộc (do ông Nguyễn Gia Tự làm đại diện), về việc thuê thiết bị thi công công trình san lấp mặt bằng khu vực nhà máy dự án Khu liên hiệp hóa lọc dầu Nghi Sơn giai đoạn 1 với giá trị hợp đồng khoảng 8,8 tỷ đồng.
Mặc dù không được ký hợp đồng thực hiện giai đoạn 2 của dự án, nhưng Thiều Thị Bản vẫn trao đổi với Đỗ Danh Khánh về việc Công ty Gia Lộc trong thời gian tới sẽ được nhận thầu san lấp mặt bằng của dự án này. Theo đó, nếu Công ty Thịnh An muốn hợp tác thì Công ty Gia Lộc sẽ ký hợp đồng liên doanh cho làm cùng với điều kiện phía Công ty Thịnh An phải nộp 1 tỷ đồng tiền bảo lãnh hợp đồng. Do không có năng lực thực hiện, Đỗ Danh Khánh đã tiếp tục “liên kết” với Phan Thanh Chi.
Bản thân Chi không có tư cách pháp nhân nên phải thông qua Công ty CP đầu tư và xây dựng Toàn Đức để ký hợp đồng hợp tác thi công với Công ty Thịnh An. Theo khai nhận của Khánh thì với việc ký hợp đồng hợp tác thi công này, Công ty Thịnh An sẽ được hưởng 2% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, do phía Công ty Gia Lộc không nhận được thầu nên đã dẫn đến việc các đối tượng tổ chức bắt cóc anh Vương để ép bà Bản phải trả lại 1 tỷ đồng như vụ án đã nêu trên.
Ngoài ra, sau khi bắt giữ bà Bản, CQĐT còn làm rõ, tháng 10-2009, Công ty Gia Lộc ký hợp đồng liên doanh với Công ty CP đầu tư và xây dựng thương mại Việt Nam (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) - là đơn vị nhận thầu thi công san lấp mặt bằng Khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông. Từ hợp đồng này, tháng 11-2009, Công ty Gia Lộc ký hợp đồng liên doanh với Công ty Thịnh An để cùng thực hiện việc san lấp. Đỗ Danh Khánh đã chuyển cho bà Bản 500 triệu đồng tiền bảo lãnh hợp đồng. Sau khi vào kiểm tra thực tế, thấy dự án thi công chậm, không khả thi như bà Bản nói nên ông Khánh quyết định không tham gia thi công nữa và yêu cầu phía Công ty Gia Lộc trả lại 500 triệu đồng, nhưng không được.
CQĐT kết luận hành vi của Nguyễn Gia Tự và Thiều Thị Bản có đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tại CQĐT, Thiều Thị Bản khai nhận trong tổng số 1,5 tỷ đồng đã nhận của ông Khánh, bà Bản đã viết phiếu thu và nộp về Công ty Gia Lộc. Số tiền này đã được ông Tự rút bằng 4 phiếu chi với nội dung chi: “Đầu tư vào công trình san lấp cụm cầu cảng Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An”. Do Nguyễn Gia Tự đang bỏ trốn nên Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra quyết định truy nã, đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can, quyết định tách vụ án hình sự với bị can Nguyễn Gia Tự để khi truy bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.
Theo Hoàng Quân
An ninh thủ đô