Câu chuyện toà án:
Mạng người đánh đổi lương tâm
(Dân trí) - Những phiên tòa hình sự xét xử về lĩnh vực giao thông vận tải thường ít được mọi người chú ý nhưng lại rất căng thẳng. Hầu hết các trường hợp đều do phạm lỗi gây tai nạn chết người mới đưa nhau ra tòa vì nhưng hành vi cư xử thiếu tình người.
Một vụ tai nạn ngay trục đường Lê Đức Thọ - Mỹ Đình, nạn nhân là một cô gái 21 tuổi bị xe máy đi với tốc độ lớn đâm ngang khi đang sang đường. Có thể cái chết đã không đến với cô nếu kẻ gây tai nạn đưa cô vào viện kịp thời. Nguyễn Thành Long (SN 1977), người cùng làng, cùng thôn Phú Đô - Mễ Trì - Từ Liêm với cô lập tức bật dậy, dựng xe, đạp nổ nhiều lần xe mới nổ máy và bỏ trốn. Khi người làng phát hiện và đưa được cô vào bệnh viện gần nhất thì do mất máu quá nhiều, các bác sĩ đành bất lực. Một mạng người đánh đổi cho hành vi đớn hèn của người phạm tội. Long và gia đình còn tìm mọi cách "phủi tay xóa tội", cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án trong lúc cả tang gia bàng hoàng, lúng túng trước cái chết thảm thương của cô gái. Mâu thuẫn lớn nhất giữa hai gia đình làng trên xóm dưới không phải là vấn đề tiền nong, bồi thường mà là cách cư xử cạn tình với nhau.
Phiên tòa gần đây nhất, 4/8/2005, Hội đồng xét xử đã buộc phải ra bản án 2 năm tù giam cho Hoàng văn Chiến (SN 1972 tại Yên Phổ, Thái Nguyên) vì hành vi điều khiển xe máy gây tai nạn chết người. Khoảng 17h45 ngày 2/1/2005, Chiến điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe chở bạn là Hoàng Văn Ngọc đi từ Đông Anh - Hà Nội về Thái Nguyên. Chiếc xe tốc độ lớn, bám sát một ôtô tải rồi đột ngột láng vượt sang trái đường và đâm thẳng vào một xe máy đi ngược chiều. Cả hai lái xe đều bị thương nặng, bất tỉnh.
Người mẹ tiều tụy của nạn nhân không nén nổi nỗi uất ức nén lại từ lúc bắt đầu phiên tòa, chỉ thẳng mặt Hoàng văn Ngọc thốt lên cay đắng: "Anh đủ sức đưa bạn anh đến viện mà nỡ để con tôi nằm chết lịm một mình trên đường tối như thế. Các anh có còn lương tâm không?". Hỏi kỹ mới biết, hơn hai tiếng đồng hồ sau tai nạn, nạn nhân Nguyễn Văn Tuất mới được một người đi đường phát hiện, theo địa chỉ trong giấy phép lái xe thông báo về cho gia đình đưa con đi cấp cứu nhưng đã muộn. Đứa con trai duy nhất chết, hai vợ chồng anh Hà, chị Xuân chết nửa người theo con.
Cái quả đắng chát họ nhận được sau tai họa ấy là 16 triệu đồng "ném vào mặt", không một nén hương, không một lời tạ tội mà là lời xúc phạm ghê gớm từ phía gia đình bị cáo: "Hóa ra chúng mày chết vì nén hương, vì đĩa hoa, quả táo à?". Hành động và lời nói ác tâm hất đổ tất cả hòa khí cũng như tình cảm đáng ra tất cả mọi người đều cần, đều mong muốn sau biến cố thảm khốc ấy.
Tôi đã ngồi dự nhiều buổi xét xử căng thẳng và đáng buồn như thế, vụ nào cũng là những cái chết thương tâm, những gia đình đau khổ vì có người thân chẳng may thiệt mạng hoặc người thân lỡ gây ra cái chết cho người khác. Vấn đề cần thiết nhất phải giải quyết tại phiên tòa chính là hòa giải, giải quyết mối quan hệ giữa những người còn sống. Người thân đã mất, không gì có thể bù đắp mất mát đó nên sự an ủi có ý nghĩa nhất đối với gia đình các nạn nhân chính là sự chân thành, sẻ chia của người gây nên tội. Đạo lý và tình người có còn tồn tại trong cuộc sống?
Phương Thảo