1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Lý giải đặc biệt của người cha dạy con nên người bằng cách đẩy con vào tù

Tức giận vì đứa con mang chiếc xe máy vốn là phương tiện kiếm cơm của cả gia đình đi cầm cố, ông Thanh đã làm đơn gửi cơ quan chức năng.

Ông Thanh kể về quyết định giằng xé đưa con vào tù

Ông Thanh kể về quyết định giằng xé đưa con vào tù

Ngày đứng trước vành móng ngựa, đứa con trai chỉ biết hướng ánh mắt về phía người thân, mong được sự tha thứ. Còn người cha dù đau xót và muốn cứu vãn tình thế nhưng mọi chuyện đã quá muộn.

Phiên tòa hi hữu

Khi chồng nói chuyện với khách lạ, bà Hà (vợ ông Thanh – PV) mặt buồn rười rượi, quanh quẩn dọn dẹp dưới bếp. Phải lúc lâu sau, bà mới thổ lộ với chúng tôi từ ngày con bị bắt giam, bà chưa một lần vào thăm. Việc thăm nuôi và gửi đồ ăn thức uống, bà giao hết cho mấy đứa em của Tùng. Bề ngoài bà luôn tỏ ra cứng rắn nhưng hằng đêm, nghĩ đến đứa con đang trong trại giam, nước mắt người mẹ lại không ngừng chảy. “Để mấy đứa em vào thăm nuôi để người làm anh như nó phải cảm thấy hổ thẹn. Có như vậy, nó mới thay đổi được”, bà Hà chia sẻ.

Mặc dù sự việc đã lùi vào quá khứ nhưng mỗi lần nhớ lại buổi sáng trước khi diễn ra phiên tòa xét xử đứa con trai về tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, ông Nguyễn Văn Thanh (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn không thôi xót xa cho hoàn cảnh trớ trêu của mình.

Đó là một buổi sáng mưa gió, ông Thanh trên ghế bị hại, nỗi đau giằng xé khiến khuôn mặt người cha càng thêm phần khắc khổ. Ông cứ thấp thỏm đứng ngồi không yên, chờ đợi chiếc xe tù chở đứa con trai trẻ người non dạ của mình từ trại giam đến. Còn vợ và những đứa con còn lại của ông thì ngồi thất thần trên những hàng ghế còn trống của phiên tòa.

Khi chiếc xe tù dựng lại trước cửa phiên tòa, ông vội vã đi về phía đứa con hai tay đang bị còng. Nhưng rồi bước chân ông bỗng khựng lại, nặng nhọc trở vào phòng xét xử. Tùng (bị cáo trong phiên tòa, con trai ông Thanh – PV) khuôn mặt thất thần, thi thoảng lại hướng ánh mắt về phía cha mẹ và các em, cầu mong một sự tha thứ. Khi hồi chuông báo hiệu phiên tòa bắt đầu, bị cáo lủi thủi bước ra trước vành móng ngựa.

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát công bố xong bản cáo trạng, nhiều ánh mắt hướng về phía người cha đầy thắc mắc: “Chẳng nhẽ chỉ vì mất chiếc xe giá vài triệu bạc mà người cha lại nhẫn tâm đẩy con vào vòng lao lý?”. Bất giác, người cha gục mặt xuống bàn như để giấu đi nỗi đau đang cào xé trong lòng. Còn đứa con thì chỉ biết cúi đầu khóc nức nở. Đợi cho người cha và đứa con qua cơn xúc động, phiên tòa mới có thể tiếp tục.

Lúc này, chủ tọa phiên tòa hỏi: “Vì sao bị cáo lấy xe của cha đem cầm?”. “Dạ thưa tòa, vì bị cáo thiếu tiền uống cà phê?”. Chủ tọa nghiêm giọng: “Chỉ vì thiếu tiền uống cà phê mà bị cáo phạm tội?”. Bị cáo cúi mặt lí nhí: “Vì bị cáo nghĩ xe là của ba thì sẽ không phạm tội. Cùng lắm là bị ba la mắng thôi chứ không nghĩ tới mức này!”.

Ông Thanh cho biết, sự việc không đơn giản là chuyện mất chiếc xe máy. Bởi ngoài giá trị tài sản, đây còn là phương tiện kiếm cơm nuôi cả gia đình và lo cho các con ông ăn học. Ban đầu, ông cũng không đồng ý cho mượn xe bởi ông hiểu tính nết Tùng. Ông đã ra điều kiện, nếu mượn xe thì không được đem bán hoặc mang đi cầm cố. Cũng vì Tùng hứa chắc như đinh đóng cột nên ông mới yên tâm giao xe.

Không ngờ buổi sáng giao xe thì buổi chiều, đứa con “trời đánh” đã mang đi cầm cố lấy 5 triệu đồng, tiêu xài hết rồi về nói dối bị mất trộm. Cả mấy miệng ăn trong gia đình đều trông chờ vào nghề lái xe ôm của ông Thanh, giờ không có xe cả nhà phải nhịn đói. Quá bực tức, ông Thanh đã làm đơn gửi cơ quan công an. Chỉ mấy hôm sau thì Tùng bị bắt. Cuối tháng 10/2014 vừa qua, TAND TP. Huế đã mở phiên xét xử Tùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ngôi
nhà gia đình vợ chồng ông Thanh đang sinh sống.

Ngôi nhà gia đình vợ chồng ông Thanh đang sinh sống.

Nỗi lòng người cha

Ông Thanh buồn bã giãi bày, trước đây, Tùng cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn. Bởi vậy bao nhiêu hy vọng, vợ chồng ông đều dồn hết vào đứa con này. “Nó là cả trong nhà. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học chưa hết cấp 3 đã phải nghỉ học để theo người ta đi chở gỗ mưu sinh, phụ cha mẹ nuôi các em ăn học”, ông kể.

Thế nhưng cũng chính từ những lần đi làm, Tùng “bập” vào ma túy lúc nào không hay. Khi biết chuyện, vợ chồng ông Thanh vô cùng đau xót, cố tìm mọi cách để giúp con cai nghiện. Thế nhưng ma lực của “nàng tiên nâu” quá lớn, Tùng không thể nào dứt ra được.

Sau những ngày tháng theo người ta đi làm những công việc nặng nhọc nơi rừng sâu núi thẳm, Tùng trở về với hai bàn tay trắng. Bởi bao nhiêu tiền làm ra, gã đều nướng hết vào những cơn phê thuốc. “Trước khi quyết định tố giác con, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Bình thường, Tùng cũng không làm gì quá đáng cả. Ngoài những lúc lên cơn nghiện, nó vẫn cố gắng làm lụng phụ giúp cha mẹ già. Có miếng ăn ngon, nó cũng dành phần cha. Nghĩ đến những tình cảm đó của con, lại nghĩ đến việc chính mình sẽ đi báo công an bắt con đi tù, tôi đau khổ lắm. Nhưng chỉ có cách đó mới mong cứu con thoát ra khỏi vũng lầy ma túy”, ông Thanh chia sẻ.

Ông Thanh cho biết thêm, ma túy cũng đã khiến con trai ông phải trả giá rất nhiều. “Nó nhẹ dạ cả tin nghe theo bạn bè thử ma túy một lần cho biết, để rồi trượt ngã không có điểm dừng. Nó cũng đã nhiều lần nghe lời chúng tôi cai nghiện nhưng cuối cùng vẫn không đủ bản lĩnh để vượt qua. Vợ sắp cưới cũng rời bỏ nó vì không muốn trao thân gửi phận cho một kẻ nghiện ngập. Chính vì thế mà năm nay dù đã 40 tuổi, nó vẫn chưa lấy được vợ”, ông Thanh kể.

Ông Thanh kể thêm, trước đây, con trai ông từng phải ngồi tù vì đem xe của người khác đi cầm để có tiền mua ma túy. “Lần ấy, vợ chồng tôi vô cùng đau xót. Bởi nuôi con, người làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn con khôn lớn nên người. Không ngờ, nó lại làm chuyện thiếu suy nghĩ, để ảnh hưởng tới miếng cơm, manh áo của cả gia đình. Vợ chồng tôi đã làm hết cách, khuyên can hết lời nhưng tất cả đều như nước đổ lá khoai. Vậy nên lần này con phạm lỗi, tôi mới quyết định đi tố cáo. May ra vào trại giam, cách ly với đám bạn bè xấu, với ma túy, nó mới có thể cai nghiện và bắt đầu cuộc sống mới”, người cha giãi bày.

Tại phiên toàn hôm đó, ông Thanh cũng trình bày nỗi lòng của mình như vậy nên mọi người tham dự đều chia sẻ, thông cảm với quyết định của ông. Bị cáo Tùng khi nghe cha nói vậy cũng nhận ra lỗi lầm của mình, chỉ biết cúi đầu khóc nức nở.

Tại phiên tòa hôm đó, Tùng bị tuyên phạt 12 tháng tù giam. Khi nghe bản án con phải nhận, ông Thanh đứng như bị chôn chân xuống đất. Tới tận lúc chiếc xe chở đứa con mất dạng dưới màn mưa dày đặc, người cha mới thẫn thờ lê chân ra khỏi phòng xét xử. Vị kiểm sát viên an ủi: “Con bác nhờ chuyển lời mong bác tha thứ. Bác đừng buồn nữa, chắc chắn anh ấy hiểu tấm lòng của bác và sẽ đoạn tuyệt được với những cơn nghiện”. “Là con tôi nên tôi biết. Nó vốn biết nghĩ, biết thương cha mẹ và các em.

Nhưng sức hút của ma túy quá lớn, nó không sao từ bỏ được. Chỉ vì ma túy nên nó mới gây ra tội lỗi hết lần này đến lần khác như vậy. Có thể sẽ khó khăn nhưng trong quá trình thi hành bản án, tôi hi vọng nó cắt được cơn nghiện như lời nó nhắn gửi với cha mẹ qua vị kiểm sát viên trong buổi sáng mưa ấy”, người cha vừa gạt nước mắt vừa nói.    

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Minh Ngọc

Gia đình.net