Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống của giới Luật sư Việt Nam và đón nhận Huân chương lao động hạng ba
Luật sư Việt Nam phấn khởi tự hào, đoàn kết vươn lên
(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể Luật sư (Ngày 10/10/1945_10/10/2015) cũng là ngày Thủ tướng ra quyết định công nhận là ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, PV Dân Trí có buổi trao đổi với LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
PV : Xin Luật sư cho biết đôi nét về sự hình thành và phát triển của nghề luật sư Việt Nam và ý nghĩa của ngày Luật sư Việt Nam 10 tháng 10 hàng năm?
LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh: Ở Việt Nam, hoạt động luật sư đã có từ trước Cách mạng tháng 8/1945. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, bộ máy tư pháp được tổ chức lại. Chỉ hơn một tháng sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10 tháng 10 năm 1945 về tổ chức đoàn thể luật sư. Tiếp theo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946 ra đời khẳng định quyền tự bào chữa hoặc mượn luật sư bào chữa là một trong những quyền quan trọng của bị cáo.
Tinh thần của Hiến pháp 46 và Sắc lệnh 46/SL ngày 10/10/1945 về tổ chức đoàn thể luật sư tiếp tục được hiện thực hóa trong các bản Hiến pháp và các văn bản pháp lý của Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.
Các đạo luật về tố tụng được ban hành theo hướng mở rộng dân chủ, trong đó có việc tăng cường bảo đảm quyền bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trước Toà án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác. Pháp lệnh tổ chức luật sư được ban hành ngày 18/12/1987 là văn bản pháp lý có ý nghĩa lịch sử trong việc khôi phục nghề luật sư và mở đầu cho quá trình phát triển nghề luật sư ở nước ta. Thực hiện pháp lệnh, chỉ sau gần 10 năm, ở hầu hết các tỉnh, thành phố đã thành lập được Đoàn luật sư. Hoạt động nghề nghiệp luật sư đã có bước phát triển đáng kể. Ngoài việc tham gia tố tụng, các luật sư đã từng bước mở rộng hoạt động nghề nghiệp sang lĩnh vực tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác. Tiếp theo, Pháp lệnh Luật sư 2001, Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) được ban hành đã tạo dựng và tạo hành lang pháp lý cho nghề luật sư phát triển theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường, nâng cao vị thế của luật sư, phát triển đội ngũ luật sư, nghề luật sư mang tính chuyên nghiệp, hoàn chỉnh hệ thống các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc Nhà nước công nhận ngày 10 tháng 10 hàng năm làm ngày truyền thống của luật sư Việt Nam không những mang ý nghĩa lịch sử mà còn thể hiện mục đích tìm về cội nguồn của nghề luật sư, tôn vinh niềm tự hào nghề nghiệp của đội ngũ luật sư, góp phần tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của luật sư và nghề luật sư trong xã hội.
Thông qua các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống, giới luật sư có dịp ôn lại và phát huy những truyền thống tốt đẹp, nhân văn của nghề luật sư. Đó là tinh thần phục vụ cộng đồng, phụng sự công lý; bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn của giới luật sư trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ đó, mỗi luật sư ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm ; tiếp tục phát huy vai trò của người luật sư trong thời kỳ đổi mới đồng thời luôn ghi nhớ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh tham gia tư vấn miễn phí và tặng quà cho nhân dân xã Liên Minh huyện Đức thọ nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Luật sư VN
PV: Xin Luật sư cho biết thành tựu nổi bật mà giới Luật sư Việt Nam đã đạt được để góp phần vào công cuộc đổi mới và hội nhập của nước ta, đặc biệt từ khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra đời?
LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh: Về tổ chức từ chỗ có vài chục luật sư hoạt động chủ yếu ở các thành phố dến nay cả nước đã có trên 10.000 luật sư cùng vài nghìn người đang tập sự hành nghề luật sư ; Tất cả các tỉnh trong cả nước đều có Đoàn luật sư ; Theo số liệu chưa đầy đủ, hàng năm các luật sư đã tham gia hàng chục vạn các vụ án hình sự , dân sự , kinh tế , hành chính , lao động … thực hiện tư vấn hàng trăm vạn các vụ việc cho các tổ chức và công dân trên tất cả các lĩnh vực kin tế - xã hội trong đó các luật sư bước đầu đang thực hiện nghĩa vụ tư vấn miễn phí cho những gia đình chính sách và người nghèo.
Nhiều Luật sư , tổ chức hành nghề đã được một số tổ chức quốc tế phong tặng các danh hiệu cao quý về hành nghề; Đặc biệt là những đóng góp của luật sư trong hoạt động tư pháp. Qua đó, Nhà nước thấy rằng cần phải khái quát hóa hoạt động tranh tụng của luật sư thành nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm trong hoạt động xét xử (Điều 103 Hiến pháp 2013). Đó là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân một cách thiết thực hiệu quả. Từ đó, có thể và tiến tới xây dựng nền tư pháp văn minh, hiện đại, dân chủ, vì con người. Vì thế, luật sư và nghề luật sư đã và đang trở thành một yếu tố không thể thiếu được của hoạt động tranh tụng, cải cách tư pháp, trong phát triển nền kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Liên đoàn luật sư Việt Nam ra đời vào tháng 5 năm 2009 là nơi tập hợp, đoàn kết là ngôi nhà chung của đội ngũ luật sư, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội với đội ngũ luật sư. Qua hơn 6 năm hoạt động Liên đoàn luật sư đang phấn đấu là điểm tựa tin cậy chỗ dựa vững chắc cho quá trình hành nghề của luật sư
Đoàn luật sư Hà Nội trao giấy chứng nhậncho các LS đã qua lớp tập huấn nghiệp vụ hằng năm
PV: Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới hội nhập hiện nay giới luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình? Là người điều hành và đại diện cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhân dịp này Luật sư có kiến nghị gì đối với các cơ quan của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội?
LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh: Trong mấy năm gần đây Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ luật sư Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước , các cấp chính quyền địa phương các cơ quan truyền thông và cộng đồng xã hội qua đó, vị thế và hình ảnh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nghề luật sư từng bước được nâng lên rõ rệt .
Hội nhập quốc tế , cải cách tư pháp… đang là chất xúc tác mạnh mẽ và tạo ra điểm nhấn quan trọng cho nghề luật sư phát triển, các hoạt động về tư vấn pháp luật đã là cầu nối để đón các nhà đầu tư và các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Đó là những thuận lợi rất cơ bản.
Còn về khó khăn: Mô hình tố tụng Việt Nam đang được cải cách nhưng vẫn chưa định hình những ưu điểm vượt trội để tạo lập niềm tin vững chắc vào hoạt động tư pháp hiện hành. Hiến pháp đã ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử được đảm bảo (Điều 103), nhưng nhận thức về những nội dung của nguyên tắc này vẫn chưa có sự thống nhất ngay trong chính các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì thế, vai trò, vị trí của luật sư vẫn chưa được phát huy theo đúng yêu cầu và nội dung của nguyên tắc tranh tụng. Thực tế, việc hành nghề của luật sư hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có cả yếu tố từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng như việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa, việc gặp bị can, bị cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, việc sao chụp hồ sơ, tài liệu trong giai đoạn điều tra, truy tố...
Chất lượng đội ngũ luật sư không đồng đều là sản phẩm của lịch sử và cơ chế hiện hành đã có phần ảnh hưởng tới uy tín và thương hiệu của nghề luật sư và đội ngũ luật sư, “con sâu làm rầu nồi canh”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng luật sư đã được tiến hành ở các đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư Việt Nam nhưng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển nên chưa đem lại hiệu quả thiết thực .
Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư hiện còn khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, bộ máy chuyên trách để hỗ trợ cho luật sư trong quá trình hành nghề.
Hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước nhưng đội ngũ luật sư vẫn chưa theo kịp, chưa hình thành được một đội ngũ luật sư đủ mạnh để có thể tư vấn và tranh tụng quốc tế, thị phần dịch vụ pháp lý ngay trên sân nhà vẫn bị mất, chưa nói đến thị trường dịch vụ pháp lý ở khu vực và trên thế giới.
Với tư cách cá nhân là người được Hội đồng Luật sư toàn quốc giao cho quyền điều hành và đại diện cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tôi có một số kiến nghị với Đảng, Nhà nước như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác truyền thông để xã hội có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của luật sư, nghề luật sư
Thứ hai, Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng luật sư. Đặc biệt, Nhà nước nên giành một nguồn lực thích đáng để Liên đoàn Luật sư đào tạo luật sư phục vụ việc hội nhập quốc tế đồng thời có chính sách phù hợp để phát triển số lượng, chất lượng luật sư ở các tỉnh khó khăn.
Thứ ba Nhà nước cần quan tâm về cơ sở vật chất, trụ sở, phương tiện làm việc cho các đoàn luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tạo điều kiện cho Liên đoàn luật sư VN và giới luật sư hoàn thành sứ mạng vẻ vang của mình .
Xin cảm ơn !
Công Tâm